Chính trị

Tinh gọn bộ máy - Trung ương làm mẫu, các tỉnh, huyện làm theo

Trà My 02/12/2024 16:00

"Trung ương làm mẫu, các tỉnh, huyện làm theo" để tạo ra sự đồng bộ và lan tỏa chủ trương tinh gọn bộ máy trong toàn hệ thống.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh khi cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên tiếp xúc cử tri tại TP.Hưng Yên để báo cáo về kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Ảnh màn hình 2024-12-02 lúc 20.48.02
Tổng Bí thư Tô Lâm với các đại biểu Quốc hội dự hội nghị. Ảnh: TTXVN

Có thể thấy, trong các phát biểu mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh vai trò then chốt của việc tinh giản biên chế đi đôi với tinh gọn bộ máy, đặc biệt là loại bỏ những vị trí không thực sự cần thiết, tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực trọng yếu.

Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, việc duy trì những vị trí không cần thiết không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn làm cồng kềnh bộ máy, kéo theo nhiều hệ lụy trong công tác quản lý. Tinh gọn bộ máy không đơn thuần là giảm số lượng cán bộ, mà quan trọng hơn, là cơ cấu lại tổ chức để mỗi cá nhân, mỗi đơn vị đều thực sự phát huy được vai trò và giá trị của mình.

The Tổng Bí thư Tô Lâm, tinh giản không thể làm qua loa hay mang tính hình thức. Mỗi vị trí cần được đánh giá kỹ lưỡng dựa trên chức năng, nhiệm vụ thực tế, từ đó xây dựng đội ngũ vừa tinh, vừa mạnh, phục vụ trực tiếp cho các lĩnh vực then chốt như an ninh, kinh tế, giáo dục và y tế.

Và trong buổi tiếp xúc cử tri tại Hưng Yên mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp tục khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy. Ông nhấn mạnh rằng các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở cần xác định một quyết tâm chính trị cao nhất trong việc thực hiện chủ trương này, không chỉ với mục tiêu giảm biên chế mà còn để xây dựng một bộ máy công quyền hiệu quả, gọn nhẹ và phục vụ nhân dân tốt hơn.

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện chủ trương "Trung ương làm mẫu, các tỉnh, huyện làm theo" để tạo ra sự đồng bộ và lan tỏa trong toàn hệ thống. Để đạt được hiệu quả, quá trình này phải được thực hiện khẩn trương, không chần chừ, và các đơn vị cần chủ động rà soát, điều chỉnh các vị trí, bộ phận không cần thiết, nhằm tối ưu hóa cơ cấu tổ chức và nâng cao hiệu quả công việc.

Từng cấp, từng ngành bám sát kế hoạch để tổng kết và đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị mình bảo đảm đúng tiến độ (bộ, ngành phải hoàn thành trong tháng 12/2024); hướng tới mục tiêu chung là hoàn thành và báo cáo Trung ương phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý 1/2025.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định việc tinh giản biên chế và tinh gọn bộ máy không phải là một quá trình "cắt giảm cơ học", mà là quá trình đánh giá và loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc kém hiệu quả, nhằm tập trung nguồn lực vào những lĩnh vực then chốt và những cán bộ thực sự xứng đáng và phù hợp. Điều quan trọng là phải tạo ra một bộ máy công quyền không chỉ gọn nhẹ mà còn phải mạnh mẽ, hiệu quả, phục vụ lợi ích của nhân dân.

Tổng Bí thư cũng đặc biệt lưu ý rằng, không để cơ quan nhà nước trở thành "vùng trú an toàn" cho những cán bộ yếu kém. Đây là một thông điệp mạnh mẽ nhằm nhấn mạnh yêu cầu phải có một đội ngũ cán bộ đủ tài năng và phẩm chất để đáp ứng được yêu cầu công việc trong một bộ máy tinh gọn nhưng hiệu quả.

Để thực hiện được mục tiêu này, Tổng Bí thư yêu cầu mỗi cơ quan, đơn vị cần chú trọng công tác chính trị tư tưởng và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động bị ảnh hưởng trong quá trình sắp xếp lại tổ chức, bộ máy. Việc này phải được tiến hành công bằng, công khai, khách quan, đảm bảo không phát sinh những phức tạp, xung đột không đáng có.

Liên quan đến công tác phòng chống lãng phí, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác phòng, chống lãng phí, một vấn đề mà Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm trong mọi giai đoạn cách mạng.

Thực tế cho thấy, lãng phí hiện vẫn diễn ra khá phổ biến dưới nhiều hình thức, từ sử dụng sai nguồn lực con người, tài chính đến việc khai thác tài nguyên không hiệu quả. Những hệ quả của lãng phí không chỉ dừng lại ở việc suy giảm hiệu quả sản xuất hay gia tăng gánh nặng chi phí, mà còn tạo ra khoảng cách giàu nghèo lớn hơn, gây cạn kiệt tài nguyên và thậm chí làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đây là một rào cản vô hình nhưng mạnh mẽ, làm chậm lại sự phát triển kinh tế - xã hội và khiến đất nước bỏ lỡ những cơ hội quan trọng.

Do đó, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng công tác phòng, chống lãng phí cần được thực hiện song song với phòng, chống tham nhũng và tiêu cực. Đây là nhiệm vụ mang tính sống còn để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Điều này đòi hỏi sự thống nhất nhận thức từ Trung ương tới địa phương, cũng như quyết tâm chính trị cao nhất từ toàn bộ hệ thống chính trị.

Đặc biệt, Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người lao động. Khi mỗi cá nhân đều nhận thức rõ ràng về tác hại của lãng phí và chủ động hành động, chúng ta sẽ tạo nên sức mạnh tập thể, góp phần quan trọng vào việc sử dụng hiệu quả nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tinh gọn bộ máy - Trung ương làm mẫu, các tỉnh, huyện làm theo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO