Tình hình thực hiện các hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp

AN ANH 16/08/2021 15:49

Trong thời gian vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã triển khai các hoạt động cải cách hành chính, xúc tiến thương mại... hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp.

Cụ thể, thời gian qua, VCCI đã tham gia ý kiến đối với một số dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có: Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2008/NĐ-CP, Nghị định 74/2018/NĐ-CP, Nghị định 86/2012/NĐ-CP và biện pháp thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; Nghị định về hoạt động lấn biển; Thông tư hướng dẫn quản lý hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia; Thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Nghị định 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội... (Nội dung chi tiết các ý kiến đóng góp được cập nhật tại: http://vibonline.com.vn/tim-kiem-y-kien-vcci).

VCCI cũng phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông phát động Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam” năm 2021. Đây là một hoạt động nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/01/2020 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Năm 2021 là năm thứ hai Giải thưởng được tổ chức nhằm tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam và có giá trị thực tế lớn được ghi nhận trong phát triển kinh tế số, chính phủ số và xã hội số. Các sản phẩm công nghệ số xuất sắc được trao giải theo 05 hạng mục: Nền tảng số xuất sắc; Sản phẩm số xuất sắc; Giải pháp số xuất sắc; Thu hẹp khoảng cách số; Sản phẩm số tiềm năng.

Tổ chức Diễn đàn “Hợp tác Doanh nghiệp và Báo chí trong môi trường biến đổi” & Lễ phát động Chương trình Bình chọn tác phẩm báo chí viết về Doanh nhân – Doanh nghiệp và Môi trường kinh doanh (Lần thứ IX). Các ý kiến phát biểu tại Diễn đàn đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc góp phần định hướng cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Qua đó, doanh nghiệp soi mình trong tấm gương báo chí để định vị mình tốt hơn trong nỗ lực phát triển có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Bức tranh chung trong quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là quan hệ đồng hành. Để xây đắp mối quan hệ cộng sinh giữa báo chí với doanh nghiệp, đề nghị cơ quan báo chí hãy công tâm và có trách nhiệm hơn trong mỗi tin bài để không làm cho những doanh nghiệp chân chính bị tổn thương, không để những doanh nghiệp thiếu trách nhiệm có thể lộng hành. Báo chí có trách nhiệm đồng hành cùng với các doanh nghiệp chân chính, góp phần bảo vệ nền kinh tế và sinh kế của người dân.

Tổ chức Hội thảo trực tuyến “Chất lượng của thông tư và công văn – Góc nhìn từ doanh nghiệp”. VCCI đã có đánh giá sơ bộ về thực trạng chất lượng các công văn và thông tư do các Bộ, ngành ban hành gây khó cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi pháp luật. Nội dung nhiều thông tư quy định thiếu rõ ràng, tạo cách hiểu không nhất quán giữa các cơ quan áp dụng, một số thông tư không thống nhất với nghị định…

Với những đánh giá sơ bộ trên về chất lượng thông tư và công văn từ góc nhìn doanh nghiệp, VCCI đưa ra 6 kiến nghị: (1) cần sự chuyên nghiệp trong quá trình soạn thảo thông tư, kiểm soát và chống xung đột, cài cắm lợi ích; (2) nâng cao và phát huy vai trò của cơ quan “gác cửa” chất lượng thông tư, phải có cơ chế phản hồi nhanh về chất lượng thông tư; (3) tăng cường tham vấn, cơ chế thực tế để doanh nghiệp tham gia, có tiếng nói thực chất hơn vào quá trình soạn thảo thông tư; (4) liên quan đến công tác hậu kiểm, cần giám sát việc ban hành thông tư, đánh giá tác động chính sách từ thông tư, thu thập kịp thời thông tin về vướng mắc thực thi; (5) gắn trách nhiệm cá nhân với những thông tư có vấn đề, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, kinh tế.

Cá nhân ở đây có thể là Bộ trưởng, Thứ trưởng; (6) về lâu dài thì cần hạn chế ban hành thông tư, với hàng ngàn thông tư như hiện nay rõ ràng sẽ là gánh nặng về tuân thủ rất lớn, tạo rủi ro lớn nếu chất lượng không cao.

Về triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, thời gian qua, VCCI đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Úc tại Việt Nam (Auscham) kí kết thỏa thuận hợp tác về việc thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Australia.

Hội đồng là kênh thông tin chính thức để cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ý kiến với Chính phủ hai nước nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn. Để tận dụng cơ hội cũng như giải quyết các hạn chế trong thương mại và đầu tư dựa trên những lợi ích chung của hai bên, Hội đồng sẽ ủng hộ việc tăng cường hợp tác kinh tế, cải thiện môi trường thương mại và đầu tư của cả hai nước và thúc đẩy lợi ích của các thành viên thuộc Hội đồng.

Đồng thời, phối hợp với Cục Thương mại Quốc tế, Bộ Kinh tế Đài Loan và Hội đồng Phát triển Ngoại thương Đài Loan (TAITRA) tổ chức Triển lãm trực tuyến Taiwan Expo 2021.Với bốn chủ đề chính gồm Di động điện tử, Kỷ nguyên hậu đại dịch, Công nghiệp 4.0, và Sản phẩm phong cách sống Du lịch & Văn hóa Đài Loan, Taiwan Expo 2021 là cầu nối cho các doanh nghiệp Đài Loan và Việt Nam, được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ năm 2020.

Bên cạnh việc trưng bày các sản phẩm và dịch vụ, trong suốt thời gian diễn ra triển lãm còn có nhiều hoạt động bên lề hỗ trợ hoạt động giao thương và tìm hiểu sản phẩm bao gồm: Giao thương Trực tuyến 1 đối 1, Hội thảo và Giao thương Trực tuyến Giải pháp Chuỗi cung ưng lạnh - Công nghệ mới Đài Loan – Việt Nam; Chương trình Giới thiệu các sản phẩm đạt giải thưởng Taiwan Excellence – ICT cho Cuộc sống Thông minh; Hội thảo Đài Loan và Việt Nam hợp tác mang đến cuộc sống khỏe mạnh hơn.

Thành lập Mạng lưới Doanh nghiệp Thích ứng với Biến đổi khí hậu khu vực ĐBSCL (MRBN – Mekong Delta Resilient Business Network). Đây là mạng lưới đầu tiên tập hợp các doanh nghiệp tham gia để bàn về các giải pháp nâng cao năng lực kinh doanh và đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Việc thành lập và vận hành mạng lưới do VCCI phối hợp với Quỹ Châu Á (TAF) triển khai. Trong giai đoạn 1 (từ nay đến quý 1/2022), các hoạt động chính của MRBN gồm: Xây dựng Bộ máy tổ chức MRBN; nghiên cứu tác động hạn mặn đến hoạt động của doanh nghiệp ĐBSCL, xây dựng báo cáo nghiên cứu và đề xuất chính sách hữu hiệu; gia tăng cơ hội kinh doanh thông qua tổ chức hội chợ triển lãm và Hội thảo nhằm xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm, giải pháp thích ứng hạn mặn, tăng cường tính liên kết giữa các nhà cung cấp sản phẩm, thu thập thêm các thông tin về thực trạng phát triển năng lượng tái tạo tại ĐBSCL hiện nay.

Mọi ý kiến góp ý, kiến nghị xin gửi về: toasoan@dddn.com.vn; bankehoachtonghop@vcci.com.vn. Hotline: 098.5.698.786

Có thể bạn quan tâm

  • Tình hình giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp

    Tình hình giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp

    11:02, 08/08/2021

  • VCCI đề xuất giảm 50% tiền thuê đất phải nộp năm 2021

    VCCI đề xuất giảm 50% tiền thuê đất phải nộp năm 2021

    03:50, 16/08/2021

  • VCCI đề xuất nâng mức giảm tiền thuê đất lên 50%

    VCCI đề xuất nâng mức giảm tiền thuê đất lên 50%

    02:18, 16/08/2021

  • VCCI kiến nghị mở rộng phạm vi, quy mô hỗ trợ doanh nghiệp

    VCCI kiến nghị mở rộng phạm vi, quy mô hỗ trợ doanh nghiệp

    04:47, 14/08/2021

  • VCCI góp ý Dự thảo Thông tư về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu

    VCCI góp ý Dự thảo Thông tư về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu

    03:33, 14/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tình hình thực hiện các hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO