TIS và câu chuyện về dự án “nằm đắp chiếu” 15 năm

Diendandoanhnghiep.vn Với việc “nằm đắp chiếu” hơn 15 năm qua và nếu vẫn trì hoãn kéo dài, dự án TISCO 2, từng được kỳ vọng rất cao, sẽ tiếp tục là một gánh nặng khổng lồ cho TIS.

>>>TIS ngập trong thua lỗ

Báo cáo tài chính quý III/2023 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên - TISCO (UpCOM: TIS) thể hiện tổng tài sản đạt hơn 10.690 tỷ đồng, trong đó, tài sản dài hạn chiếm gần 8.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, tài sản dài hạn của TIS chủ yếu là chi phí xây dựng cơ bản dở dang lên tới gần 6.543 tỷ đồng, liên quan đến Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO 2), với lãi vay vốn hoá là 3.317 tỷ đồng. Đây là dự án từng mang rất nhiều kỳ vọng nhưng đã "nằm đắp chiếu" hơn 15 năm qua.

Dự án TISCO 2 từng mang rất nhiều kỳ vọng nhưng đã

Dự án TISCO 2 từng mang rất nhiều kỳ vọng nhưng đã "nằm đắp chiếu" hơn 15 năm qua.

Dự án TISCO 2 có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 3.800 tỷ đồng, với gói thầu chính là dây chuyền công nghệ luyện kim giá trị hơn 160 triệu USD, do Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) là Tổng thầu EPC (hợp đồng nhà thầu trọn gói), hiệu lực từ tháng 9/2007, thời gian thực hiện trong 30 tháng.

Tuy nhiên, do bối cảnh chung ở thời điểm triển khai dự án gặp khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khiến chi phi tài chính tăng quá cao. Đến năm 2013, dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên hơn 8.100 tỷ đồng (tăng hơn 4.200 tỷ đồng so với ban đầu), kế hoạch hoàn thành vào năm 2014. Mặc dù vậy, từ đó đến nay, dự án này vẫn "án binh bất động" vì không bố trí được nguồn vốn.

Năm 2014, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã từng góp thêm 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ vào TIS, nhằm hỗ trợ thực hiện dự án, nhưng sau hết 3 năm kiên nhẫn, SCIC đã rút toàn bộ phần vốn này.

Trong suốt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2016, TIS và MCC đã tiến hành 12 cuộc đàm phán, nhưng không giải quyết được các vướng mắc hợp đồng EPC, do có nhiều nội dung vượt quá thẩm quyền của chủ đầu tư.

Năm 2021, TIS đề xuất xin thực hiện tiếp dự án với cam kết sẽ bảo đảm dự án hoạt động có hiệu quả sau ít năm. Công ty cho rằng nếu những tồn tại, vướng mắc của dự án giai đoạn 2 không được xử lý kịp thời dứt điểm, tái khởi động, công ty sẽ rất khó duy trì được sản xuất, gần 4.000 lao động mất việc làm và thu nhập, ảnh hưởng đến đời sống gia đình người lao động, ước tính hơn 20.000 người; làm mất vốn của nhà nước gần 1.200 tỷ đồng...

Sau rất nhiều năm bị đình trệ và bất hợp tác, dưới tác động của giải pháp ngoại giao và sự tham dự của lãnh đạo cấp cao, vào tháng 10/2022, MCC đã cử đoàn công tác sang Việt Nam cùng khảo sát, tiếp cận thực tế đối với các máy móc, thiết bị đã tập kết tại hiện trường, bước đầu đã đưa ra định hướng sơ bộ việc xử lý công việc tiếp theo trong thời gian tới.

Thủ tướng trực tiếp khảo sát hiện trạng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 ngày 31/7/2022.

Thủ tướng Chính phủ trực tiếp khảo sát hiện trạng Dự án TISCO 3 vào cuối tháng 7/2022.

Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong việc thay đổi nhận thức và hành động của MCC, dẫn đến việc MCC chuyển từ thái độ bất hợp tác, chậm phản hồi đối với các yêu cầu, đề nghị của chủ đầu tư sang chủ động phối hợp, phản hồi nhanh chóng hơn với các yêu cầu của TIS. Các nỗ lực của phía Việt Nam cũng tạo cơ sở cho đối tác MCC thể hiện thiện chí và mong muốn giải quyết các tồn tại, vướng mắc của Dự án TISCO 2.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Trung Quốc của đoàn công tác Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) từ ngày 13- 19/3/2023 vừa qua, hai bên đã ký kết biên bản làm việc. Trong đó, đưa ra các nguyên tắc xử lý cơ bản; đề xuất của MCC về phương hưởng giải quyết và đặc biệt là kế hoạch kiểm tra, đánh giá thiết bị với các mốc thời gian biểu cụ thể. CMSC đánh giá, đây là bước tiến quan trọng sau 7 năm đàm phán trước đó giữa TIS và MCC mà không ký kết được bất kỳ văn bản nào.

Trên cơ sở kết quả đàm phán, từ ngày 30/3, đoàn chuyên gia của MCC đã sang Việt Nam để kiểm tra, đánh giá thiết bị, công trình tại hiện trường, làm cơ sở để đề xuất phương án khôi phục dự án TISCO 2. Đến ngày 25/4, đoàn chuyên gia của MCC đã gửi cho TIS bản báo cáo kết quả đánh giá và đề xuất sơ bộ đối với phương án xử lý tiếp theo đối với dự án này.

Động thái này được giới chuyên gia đánh giá là bước ngoặt quan trọng giúp dự án có thể sẽ sớm tái khởi động trở lại sau nhiều năm “nằm đắp chiếu”. Tuy nhiên, nếu vẫn trì hoãn và kéo dài, dự án từng được kỳ vọng rất cao này sẽ tiếp tục là một gánh nặng khổng lồ cho TIS.

Quay trở lại với báo cáo tài chính quý III/2023 của TIS, mặc dù là một doanh nghiệp lớn trong ngành thép, nhưng trong nhiều quý gần đây, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này luôn trong tình trạng thua lỗ. Gần đây nhất là quý ||I/2023, TIS lỗ thêm gần 59 tỷ đồng, đánh dấu quý kinh doanh thua lỗ thứ 5 liên tiếp của doanh nghiệp ngành thép này. Tính chung trong 9 tháng năm nay, doanh nghiệp lỗ 194 tỷ đồng.

Một điều đáng báo động đối với doanh nghiệp này hiện nay là tổng nợ của TIS đã vượt mốc 9.000 tỷ đồng, tăng gần 800 tỷ đồng so với hồi đầu năm, và gấp 5,4 lần vốn chủ sở hữu. Trong cơ cấu nợ, dư nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn đang ở mức 4.600 tỷ đồng.

Nợ vay lớn khiến chi phí lãi vay của doanh nghiệp tăng mạnh gần 105% trong 9 tháng đầu năm, lên mức 129 tỷ đồng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp tăng lỗ trong quý III năm nay.

Kết quả kinh doanh của công ty mẹ VNSteel khả quan hơn khi ghi nhận lãi trở lại trong năm 2023, sau 3 quý lỗ nặng trước đó.

Trong cơ cấu cổ đông của TIS, tính đến cuối quý II/2023, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) hiện đang nắm giữ 65% vốn điều lệ, tương đương với 119,6 triệu cổ phần của doanh nghiệp và là công ty Mẹ của TIS. Gần 35% vốn còn lại thuộc sở hữu khác, trong đó, Công ty CP Thương mại Thái Hưng nắm giữ 20%, tương đương với 36,8 triệu cổ phần.

Trong khi kết quả kinh doanh của TIS có phần ảm đạm trong hơn 1 năm qua, kết quả kinh doanh của công ty mẹ VNSteel có vẻ khả quan hơn, khi tổng công ty này đã có lãi trở lại trong 2 quý đầu năm 2023, sau khi cũng lỗ nặng trong 3 quý liên tiếp trước đó.

Cụ thể, trong quý II/2022, VNSteel lỗ trước thuế 16 tỷ đồng, đến quý III/2022, doanh nghiệp lỗ nặng nhất với 585 tỷ đồng, sang quý IV/2022, lỗ trước thuế của VNSteel giảm xuống còn 406 tỷ đồng. Như vậy, trong năm 2022, tổng công ty kinh doanh thua lỗ 3 quý liên tiếp. Trước đó, vào quý IV/2021, VNSteel cũng đã lỗ trước thuế 106 tỷ đồng.

Bước sang năm 2023, kết quả kinh doanh của VNSteel đã chuyển biến tích cực hơn, với việc ghi nhận có lãi trở lại trong 2 quý đầu năm, với mức lãi trước thuế lần lượt là 79 tỷ đồng và 133 tỷ đồng.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết TIS và câu chuyện về dự án “nằm đắp chiếu” 15 năm tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714705910 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714705910 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10