TNG tái cơ cấu mong đổi vận

Hoàng Yến 30/05/2018 19:00

Với hoạt động chính là gia công may mặc, nhiều năm qua CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ ngành dệt may.

Nhưng kể từ năm 2017, TNG đã cơ cấu mạnh mẽ hoạt động kinh doanh để có mức lợi nhuận cao hơn. 

Theo lý giải của TNG, sở dĩ Cty đạt kết quả kinh doanh tích cực trong năm qua là do đã cơ cấu lại hoạt động kinh doanh theo hướng chỉ tập trung vào các khách hàng lớn có thương hiệu và uy tín.

Chuyển đổi cơ cấu kinh doanh

Sự chuyển hướng nói trên tiếp tục mang lại kết quả khả quan của TNG trong quý I/2018. Cụ thể, TNG đã ký được các đơn hàng trị giá103 triệu USD, tương đương 23 triệu sản phẩm, bằng 85% kế hoạch cả năm 2018. Việc tập trung vào các khách hàng lớn như Decathlon (chuỗi bán lẻ đồ thể thao lớn nhất của Pháp) và The Childrens place (chuỗi bán lẻ thời trang trẻ em lớn nhất Mỹ) giúp TNG tăng biên lợi nhuận và cắt giảm chi phí.
Các doanh nghiệp dệt may trong nước hiện đang kinh doanh theo 3 hình thức chính là CMT, FOB và ODM. CMT là hình thức cắt may theo thiết kế và nguyên liệu của bên đặt hàng cung cấp, lợi nhuận chỉ đạt 1- 3% đơn giá gia công. Hình thức FOB sẽ do doanh nghiệp tự nhập khẩu nguyên liệu và lợi nhuận đạt 3-5% đơn hàng. Đối với đơn hàng ODM, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm thêm khâu thiết kế so với FOB, lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 5 - 7%.

Kể từ năm 2016, TNG đã phát triển thêm mảng ODM mang thương hiệu TNG Fashion với hơn 40 cửa hàng tại 22 tỉnh thành, chủ yếu ở phía Bắc. Hoạt động này đóng góp 6% doanh thu năm 2017 của TNG. Ngoài ra, Cty cũng giảm hoạt động CMT vốn có biên lợi nhuận thấp từ mức đóng góp 40% doanh thu năm 2016, xuống còn 34% năm 2017.

115
tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG, tăng gần 42% so với năm 2016.

Những hoạt động tái cơ cấu trên đã giúp TNG duy trì biên lợi nhuận gộp trong 3 năm qua ở mức bình quân gần 18%, cao hơn các doanh nghiệp trong ngành có cùng quy mô ở mức khoảng 15%. Đồng thời, TNG cũng tiếp tục mở rộng đầu tư để đáp ứng các đơn hàng lớn. Trong chiến lược phát triển 2017-2020, TNG sẽ đầu tư xây dựng mới các nhà máy như TNG Phú Lương, TNG Võ Nhai với tổng số vốn đầu tư lên tới 1.460 tỷ đồng. Cty cũng đặt mục tiêu đến năm 2019 sẽ có chuỗi cửa hàng TNG Fashion ở tất cả các tỉnh thành cả nước.

Trái đắng TPP và áp lực lãi vay

Trước đây, TNG không ngừng đầu tư để đón đầu cơ hội từ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, đến tháng 1/2017, Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP. Rủi ro này đã khiến TNG ngậm “trái đắng”.

Trong giai đoạn 2012-2016, mỗi năm TNG đều đầu tư vài chục tỷ đến trăm tỷ đồng vào tài sản dài hạn, chủ yếu mua máy móc thiết bị để mở rộng kinh doanh. Trong đó, TNG đã đầu tư tới gần 300 tỷ đồng năm 2016. Việc mở rộng hoạt động quá nhanh nhưng chủ yếu bằng tiền vay ngắn hạn đã đẩy hoạt động tài chính của TNG vào tình thế rủi ro. Mặc dù quy mô doanh thu tăng trưởng 50% trong giai đoạn 2012 – 2016, nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh không lớn hoặc âm, khoản mục tiền và tương đương tiền cuối năm 2016 chỉ có 12 tỷ đồng.

Từ năm 2012 đến nay, nợ ngắn hạn của TNG luôn cao hơn tài sản ngắn hạn. Theo nguyên tắc kế toán, đơn vị kiểm toán đã liên tục lưu ý khả năng hoạt động liên tục của TNG, tức khả năng phá sản. Tuy nhiên, có một điều thú vị là từ đó đến nay, TNG vẫn hoạt động ổn định và có lãi tốt. Khả năng phá sản đã được TNG hóa giải bằng cách tăng nợ vay và dùng nguồn lợi nhuận để trả lãi vay. Nhưng cũng chính vì vậy mà lợi nhuận của TNG “teo tóp” dần. Nếu không phải trả lãi vay, lợi nhuận sau thuế của TNG đã tăng gấp đôi trong những năm qua.

Tính đến cuối năm 2017, con số nợ vay của TNG đã chiếm đến 72% tài sản, gần gấp đôi mức trung bình ngành. Trong thời gian tới, nếu muốn tham gia sản xuất theo phương thức phức tạp hơn (FOB hay ODM) để gia tăng biên lợi nhuận, doanh nghiệp này cần chủ động được vốn để nhập khẩu nguyên vật liệu. Tuy nhiên với tỷ lệ nợ vay lớn, TNG sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn và tìm kiếm các hợp đồng sản xuất hàng may mặc với giá trị gia tăng cao.

Thách thức của ngành dệt may

Ngành dệt may Việt Nam có tới 80% doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu sang 4 thị trường lớn là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây cũng là các thị trường mà Việt Nam có các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực từ lâu, như VN – EAEU, VKFTA, VJEPA, ATIGA...

Trong quý I/2018, doanh thu của ngành dệt may từ các thị trường truyền thống đều tăng khá mạnh. Trong đó, doanh thu xuất khẩu sang Mỹ đạt 3,1 tỷ USD (tăng 13%), sang châu Âu đạt 1,2 tỷ USD (tăng nhẹ so với cùng kỳ). Ngoài ra, Hàn Quốc đã nhập gần 900 triệu USD hàng may mặc của Việt Nam (tăng hơn 22%). Giá trị xuất khẩu may mặc của Việt Nam sang Nhật Bản cũng tăng gần 27%, đạt khoảng 958 triệu USD...
Dự kiến trong năm 2019 khi CPTPP có hiệu lực, giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng nhiều hơn nữa. Dù vậy, lợi ích này chưa phải là chắc chắn. Bởi rào cản của CPTPP là quy tắc từ sợi trở đi, tức toàn bộ quá trình kéo sợi, dệt vải, nhuộm và may quần áo phải được thực hiện trong nội khối. Trong khi đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang nhập phần lớn nguyên liệu từ Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc – những quốc gia ngoài CPTPP.

Ngoài ra, ngành dệt may vẫn phải tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, nhất là về nguồn lao động. Là một trong những ngành thâm dụng lao động, thách thức về tiền lương khiến ngành này luôn gặp vấn đề nhảy việc. Kế tiếp là sự cạnh tranh về chi phí từ các doanh nghiệp Trung Quốc trong làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam gần đây, do họ sử dụng máy móc Trung Quốc với chi phí thấp.

Quan trọng hơn cả là khả năng phát triển các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao, thay vì có đến 65% doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện đang gia công hoàn toàn (CMT) và 30% gia công có nhập nguyên liệu (FOB) như hiện nay. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ mới, trong khi vốn đầu tư của các doanh nghiệp dệt may đến nay vẫn còn khá hạn chế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TNG tái cơ cấu mong đổi vận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO