"Toạ độ vàng" kinh tế Thanh Hoá đang chuyển về Lam Sơn - Sao Vàng

MAI AN 01/07/2021 03:00

Được định hướng trở thành 1 trong 4 trung tâm kinh tế lớn của tỉnh của Thanh Hóa, huyện Thọ Xuân đang trở thành tọa độ vàng về phát triển kinh tế hút mạnh vốn đầu tư công nghiệp và thương mại dịch vụ.

Huyện Thọ Xuân với đô thị Lam Sơn – Sao Vàng đang trở thành tọa độ vàng hút đầu tư bậc nhất Thanh Hóa.

Trong nhiệm kỳ qua, huyện Thọ Xuân đã tổng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt kết quả nổi bật với hơn 23.000 tỷ đồng, gấp 1,7 lần giai đoạn 2011-2015. Được xác định là một trong "Tứ Sơn" phát triển kinh tế bậc nhất Thanh Hóa.

Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực

Huyện Thọ Xuân nằm về phía Tây thành phố Thanh Hóa, với vị trí địa lý cửa ngõ nối liền đồng bằng với trung du miền núi, có sông Chu  - con sông lớn thứ hai của tỉnh chảy qua từ đầu huyện đến cuối huyện, sân bay quân sự Sao Vàng, Cảng Hàng Không Thọ Xuân, đường Hồ Chí Minh và các quốc lộ 47, 47B, 47C đi qua, đường nối dài đi khu kinh tế Nghi Sơn.

Với lợi thế về giao thông cả đường thủy và đường bộ, Thọ Xuân được đánh giá là vùng đất mở, thuận lợi cho việc hội nhập, giao lưu với tất cả các vùng miền trong và ngoài tỉnh. Từ Thọ Xuân có thể dễ dàng kết nối với cả các tỉnh miền trung như Nghệ An, hay di chuyển ra phía bắc dễ dàng như Hòa Bình; Ninh Bình. Bên cạnh đó, từ thành phố Thanh Hóa theo quốc lộ 47 đến huyện  Thọ Xuân chỉ vỏn vẹn 36 km, ra thủ đô Hà Nội theo đường Hồ Chí Minh chỉ hơn 130km, đi khu kinh tế Nghi Sơn hơn 60km.

Huyện Thọ Xuân đã tăng trưởng 1,7 lần trong nhiệm kỳ qua. 

Với lợi thế vị trí địa lý đặc biệt, Thọ Xuân đang là vùng đất "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", thu hút mạnh mẽ nguồn đầu tư cũng như người dân đến đây sinh sống, lập nghiệp.

Theo báo cáo kinh tế huyện Thọ Xuân nhiệm kỳ 2016 - 2020, huyện này đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tổng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt kết quả nổi bật với hơn 23.000 tỷ đồng, gấp 1,7 lần giai đoạn 2011-2015.

Kết quả này đã góp phần làm tăng thêm năng lực sản xuất cho các ngành, các lĩnh vực, cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Thọ Xuân.

Giai đoạn vừa qua có 76 dự án đã được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư với tổng số vốn đăng ký 7.590,713 tỷ đồng, quy mô diện tích 1.069,278 ha. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện các dự án lớn như: Nhà máy gạch công nghệ cao, phát thải thấp (Công ty CP Á Mỹ - Thọ Xuân) tổng mức đầu tư 275 tỷ đồng, diện tích 6,7 ha; Dự án Siêu thị A&S Mart (Công ty CP Siêu thị A&S) tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng, diện tích 1,1 ha; Nhà máy sản xuất, chế biến lâm sản Đồng Tâm (Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đồng Tâm) tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng, diện tích 4 ha; dự án sản xuất và lai tạo giống gà công nghệ cao tại xã Xuân Phú, tổng mức đầu tư 310 tỷ đồng... đã đánh dấu bước nhảy vượt bậc về thu hút đầu tư và chất lượng đầu tư của huyện.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, những thành tựu trên đã minh chứng cho sức hút mạnh mẽ và quyết tâm phát triển kinh tế, đô thị tại trung tâm Tây Thanh Hóa.

Trên đà "cất cánh"

Theo quy hoạch, trung tâm hành chính – chính trị của huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa sẽ từng bước xây để chuyển trung tâm hành chính mới của thành phố tương lai này về khu vực phát triển đô thị Lam Sơn – Sao Vàng. Theo đó, khu vực trọng điểm của thành phố tương lai này cũng được định hướng để xây dựng thư viện khoa học – kỹ thuật, bảo tàng lịch sử các triều đại lịch sử nhà hậu Lê tại khu vực Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, trường đào tạo nghề, phân viện đại học để tập trung đào tạo các ngành...

Trên cơ sở địa hình, hiện trạng tự nhiên, định hướng TP Thọ Xuân sẽ được tổ chức theo mô hình “Hai vành đai – ba vùng phát triển”. Trong đó, khu công nghiệp gắn với đô thị Lam Sơn – Sao Vàng hiện nay thuộc vành đai thứ nhất của thành phố tương lai.

Với nhiều đầu mối giao thông quan trọng, như tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua để kết nối với cả nước; tuyến Quốc lộ 47 nối hành lang kinh tế Đông – Tây của tỉnh, biến vùng Lam Sơn – Sao Vàng thành trung tâm của hành lang này. Nơi đây còn là đầu mối của tuyến Quốc lộ 47B nối Cảng Hàng không Thọ Xuân đi tỉnh Ninh Bình...

Cảng hàng không Thọ Xuân đã được phê duyệt thành cảng hàng không quốc tế.

Không những vậy, vùng này có cảng hàng không ngay trong lòng đô thị, hiện đã được Bộ Giao thông – Vận tải phê duyệt thành cảng hàng không quốc tế. Thuận lợi về giao thông chắc chắn sẽ là cơ hội để vùng đất Lam Sơn – Sao Vàng phát huy được lợi thế, khơi dậy các dư địa phát triển

Ngoài ra, tại đây, tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết đang chú trọng và kêu gọi đầu tư xã hội hóa việc đầu tư cảng cạn và trung tâm logistics. Trong đó, khu vực Lam Sơn - Sao Vàng được tỉnh định hướng xây dựng 1 cảng cạn và 1 trung tâm logistics.

Sau khi được xây dựng, đây sẽ là đầu mối tổ chức vận tải hàng hóa bằng container gắn liền với hoạt động của cảng Nghi Sơn, cảng hàng không quốc tế Sao Vàng, cửa khẩu đường bộ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế của Thọ Xuân và khu vực.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với các nội lực mạnh mẽ, Thọ Xuân là “tọa độ vàng” của công – nông nghiệp công nghệ cao của Thanh Hóa, “miền đất hứa” mời gọi các nhà đầu tư.

Có thể bạn quan tâm

  • Thanh Hóa: Xây dựng huyện Thọ Xuân là 1 trong 4 trung tâm kinh tế lớn của tỉnh

    Thanh Hóa: Xây dựng huyện Thọ Xuân là 1 trong 4 trung tâm kinh tế lớn của tỉnh

    13:28, 12/04/2021

  • Thanh Hóa: huyện Thọ Xuân đón Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới

    Thanh Hóa: huyện Thọ Xuân đón Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới

    12:57, 26/10/2019

  • Thọ Xuân (Thanh Hóa): Tạo nền tảng thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển

    Thọ Xuân (Thanh Hóa): Tạo nền tảng thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển

    01:45, 10/03/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Toạ độ vàng" kinh tế Thanh Hoá đang chuyển về Lam Sơn - Sao Vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO