Trong quý 3/2023, tốc độ suy giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp đã chậm lại và là xu hướng chậm lại bền vững, sẽ không còn những giai đoạn kết quả kinh doanh âm nặng trong thời gian tới.
>>Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng
Chính sách tiền tệ của Việt Nam trong khoảng một năm vừa qua vẫn luôn nới lỏng nhưng đến giai đoạn gần đây, mức độ nới lỏng đã chậm đi. Điều này có thể do ảnh hưởng của lạm phát ở các nền kinh tế lớn có dấu hiệu dai dẳng hơn, nên chính sách tiền tệ của họ thắt chặt lâu hơn so với kỳ vọng ban đầu của chúng ta, đồng thời tỷ giá cũng có một số áp lực.
Nhìn chung nền kinh tế đã tăng trưởng khá chậm, chính sách đưa ra trong một năm vừa qua vẫn chưa đủ để thẩm thấu; trong đó có hai chỉ số là PMI và IIP thể hiện sức sản xuất công nghiệp ì ạch. Thực tế, toàn ngành công nghiệp phải tăng trưởng ít nhất hai chữ số so với cùng kỳ năm trước thì mới có kết quả tích cực. Khu vực tiêu dùng và dịch vụ, xuất khẩu cũng vẫn yếu, mặc dù có sự phục hồi nhưng còn chậm so với yêu cầu để đạt được mốc tăng trưởng kinh tế như mục tiêu Quốc hội đề ra và cũng là tạo nền móng cho năm sau.
Theo quan điểm và mô hình tính toán của WiGroup, chu kỳ của giá tài sản được quyết định bởi ba loại: Chu kỳ nới lỏng tiền tệ; Chu kỳ kinh doanh, là yếu tố về tăng trưởng lợi nhuận tiềm năng trong tương lai; và Chu kỳ về chính sách.
Để thị trường tài chính có sự tăng trưởng thực sự trong trung và dài hạn, câu chuyện phải đến từ một trong hai yếu tố là chính sách tiền tệ về định tính là lãi suất, hay định lượng về cung tiền có tiếp tục được nới lỏng hay không; thứ hai là triển vọng lợi nhuận có tích cực lên trong tương lai hay không.
Hiện nay trong cuộc chiến chính sách của các nước, Việt Nam đang “lưỡng lự giữa hai dòng nước” và sẽ phải chọn chính sách tiền tệ linh hoạt, có thể lãi suất của Việt Nam đã đi về vùng phù hợp với ngắn và trung hạn rồi nên chúng ta rất khó để lãi suất giảm sâu hơn nữa. Vấn đề tiếp đến là dòng tiền phải chảy ra nền kinh tế, kích thích tăng trưởng tín dụng.
Từ những vấn đề trên sẽ thấy, chu kỳ chính sách tiền tệ gần như đã phản ánh vào giá cổ phiếu, chúng ta rất khó kỳ vọng vào một giai đoạn bứt tốc hơn nữa của giá tài sản tài chính thông qua việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Thị trường tài chính muốn tăng trưởng bền vững trong 1-3 năm tới phải đến từ sự phục hồi kinh doanh thực sự. Từ đó, góc nhìn của các nhà đầu tư cần dịch chuyển theo, mà chi tiết hơn là chúng ta phải tập trung vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
>>Thấy gì từ kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết?
Đến thời điểm hiện tại đã có gần 1.000 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 chiếm 92% vốn hóa thị trường, giúp phần nào mô phỏng được về tổng quan toàn thị trường.
Có thể thấy, lợi nhuận toàn thị trường lập đỉnh vào khoảng quý 1/2022 và đến nay xu hướng vẫn đang đi xuống. Tình trạng sụt giảm lợi nhuận có một phần đóng góp từ chính nhóm ngành tài chính đã lập đỉnh ở quý 1/2022. Riêng quý 3 năm nay, kết quả kinh doanh (KQKD) toàn thị trường đạt giá trị tuyệt đối thấp hơn so với hai quý đầu năm, trong khi thông thường quý 3 là quý có kết quả kinh doanh tích cực hơn cả.
Năm nay, nền kinh tế vẫn rất khó khăn khiến lợi nhuận doanh nghiệp trong xu hướng giảm xét theo quý, còn so với cùng kỳ năm thì tăng trưởng âm nhẹ khoảng 4,2% - là mức nhẹ hơn rất nhiều so với 3 quý trước đó. Tốc độ suy giảm lợi nhuận đã có sự chậm lại, cá nhân tôi cho rằng đây là xu hướng chậm lại bền vững, chúng ta sẽ không còn chứng kiến những giai đoạn kết quả kinh doanh âm nặng trong thời gian tới.
Tuy nhiên thị trường chứng khoán luôn kỳ vọng một mức tỷ tăng trưởng lợi nhuận đủ, thì mới cảm thấy thị trường quay trở lại chu kỳ tăng trưởng, còn nếu cứ tăng trưởng âm như hiện nay sẽ vẫn gây áp lực rất nhiều tới tâm lý thị trường.
Đối với từng nhóm ngành trong quý 3/2023 so với quý 3/2022, gần như lợi nhuận toàn thị trường bị chi phối tới 60-70% bởi nhóm ngân hàng và bất động sản. Một số nhóm ngành trong năm nay sụt giảm khá mạnh, điển hình là bất động sản giảm gần 30%; nhóm ngành điện giảm 53%; hay nhóm ngành phân bón gần như không có lời khi sụt giảm 100%. Điều này cho thấy quý 3 tiếp tục là một quý có kết quả kinh doanh ảm đạm, đi ngược với sự kỳ vọng của thị trường.
Ngân hàng là nhóm biểu thị rõ nhất cho câu chuyện lợi nhuận của nhóm ngành tài chính nói chung, gồm các ngân hàng thương mại lớn, ngân hàng thương mại khác và ngân hàng thương mại Nhà nước. Trong đó, khối ngân hàng thương mại Nhà nước chịu ảnh hưởng nặng nề hơn các khối khác vì họ phải giảm lợi nhuận nhiều hơn.
Sau đó đến các ngân hàng thương mại nhỏ bởi vấn đề nợ xấu quá lớn làm triển vọng lợi nhuận gặp vấn đề, còn các ngân hàng thương mại trung bình ít chịu ảnh hưởng hơn. Tổng lợi nhuận của toàn thị trường vẫn theo xu hướng đi xuống, khiến giá cổ phiếu ngành ngân hàng và triển vọng thị trường nói chung chịu áp lực.
Với ngành ngân hàng có câu chuyện về chi phí hoạt động mang tính chu kỳ, thường cuối năm sẽ tốn nhiều chi phí và gây áp lực lớn. Cùng với đó là chi phí dự phòng, hiện chi phí dự phòng của các ngân hàng chưa được đưa vào ở mức như cũ, mà các ngân hàng đang cố gắng tiết giảm việc trích lập dự phòng để duy trì lợi nhuận đủ tích cực.
Mặc dù các ngân hàng không cần trích lập dự phòng đủ nhưng mức an toàn ở Việt Nam sẽ khoảng 85% trên tổng nợ xấu nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5. Hiện nay tỉ lệ nợ xấu tăng, tổng nợ xấu cũng tăng nhanh, trong khi chi phí trích lập dự phòng gần như không tăng, vì thế tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã giảm từ 150% xuống gần 94%.
Riêng nhóm bất động sản dân cư, Vinhomes gần như chiếm gần hết thị phần và tầm quan trọng của Vinhomes càng ngày càng cao. Trong khi các đơn vị khác không bán được hàng thì Vinhomes vẫn ghi nhận doanh thu, lợi nhuận tốt. Một điều bất ngờ là lợi nhuận quý 3/2023 của Vinhomes và cả năm nay rất tích cực, đi ngược lại xu hướng thị trường vì các dự án được bán ra khá tốt.
Bước sang quý 4, dựa trên dự phóng của các công ty chứng khoán và dự phóng của WiGroup, lợi nhuận của Vinhomes đâu đó đạt mức tương đương quý 3 là khoảng 10.000 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận toàn thị trường có thể sẽ tăng trưởng nhẹ so với năm ngoái. Như vậy ngành bất động sản có một quý 4 khả năng sẽ là lình xình đi ngang hoặc tăng trưởng rất nhẹ.
Nhận xét về chỉ số VN-Index, nhiều người cho rằng hiện nay đã là thời điểm đáy và kỳ vọng rủi ro thị trường đã qua, nhưng tôi cho rằng đáy của thị trường chỉ thỏa mãn hai tiêu chí bao gồm chu kỳ về nới lỏng chính sách tiền tệ và chu kì về kinh doanh. Trong khi quý 4 này vẫn được đánh giá là một chu kỳ chưa mấy tích cực và triển vọng nền kinh tế hai quý nữa mới có thể phục hồi tốt, vì vậy để thị trường có sự bứt tốc mạnh trong cuối năm nay và giai đoạn tháng 1, tháng 2 năm sau là chưa thể.
Nguyên nhân chính là câu chuyện kinh doanh vẫn chưa khởi sắc, lãi suất đã đi đến trạng thái khó nới lỏng thêm, ngoài ra trong quý 4 này chúng ta có khả năng đón nhận một số thông tin không thực sự tích cực như lạm phát bắt đầu quay trở lại thành tiêu điểm. Mặt khác, chính sách tiền tệ sẽ không thể duy trì nới lỏng như năm 2021, mà vẫn phải duy trì nền lãi suất liên ngân hàng ở mức khoảng trên 2% để đảm bảo tỷ giá không bị biến động quá mạnh.
Có thể bạn quan tâm
05:25, 25/10/2023
03:00, 07/10/2023
03:10, 01/10/2023
14:43, 27/09/2023