Tối ưu hoá việc sử dụng năng lượng, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững đang là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp, khu công nghiệp.
Ngày 22/5, Hội thảo “Hợp tác thúc đẩy các giải pháp tiết kiệm và chuyển đổi năng lượng, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững cho doanh nghiệp, khu công nghiệp” diễn ra tại tỉnh Hà Tĩnh đã thu hút đông đảo các doanh nghiệp và khu công nghiệp đóng trên địa bàn.
Hội thảo này nằm trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên hợp quốc (UNOPS) và các nguồn khác tài trợ.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Trung Thực – Phó Viện trưởng phụ trách điều hành Viện Tin học doanh nghiệp VCCI–ITB, đại diện Ban Quản lý dự án cho biết: Ngày 25/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26).
Đề án với mục tiêu để Việt Nam tham gia xu thế toàn cầu phát triển các-bon thấp, huy động nguồn lực, đổi mới công nghệ để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, đóng góp vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu; chuyển dịch năng lượng nhằm thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Trên cơ sở đó, VCCI được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và môi trường, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và cá nhân nhằm tiếp cận và tham gia thị trường các-bon.
Ông Nguyễn Trung Thực đánh giá, tại Hà Tĩnh nói riêng và Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp có tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng và tiềm năng lớn về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng do còn thiếu thông tin về năng lượng hiệu quả, do hạn chế về tài chính, kỹ thuật, năng lực kiểm toán mức tiêu thụ năng lượng, năng lực phát triển các dự án để tiếp cận các nguồn tài chính đầu tư phù hợp.
“VCCI đang nỗ lực phối hợp với các đối tác, chờ đón các ý kiến góp ý và đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội tại địa phương để cùng nhau đưa ra các định hướng chiến lược, các giải pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành chế biến thực phẩm và công nghiệp hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển theo hướng xanh và bền vững” – ông Nguyễn Trung Thực nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Trịnh Quốc Dũng - Trường Cơ khí Đại học Bách khoa Hà Nội, Chuyên gia tư vấn Dự án cũng đã nêu rõ những chính sách pháp luật hiện hành trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm phát thải và kiểm kê khí nhà kính. Bên cạnh đó, ông Đỗ Thế Duyệt – Chuyên gia Công ty TNHH Yuko Việt Nam cũng đã có những chia sẻ về các giải pháp tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải nhà kính thông qua biện pháp quản lý năng lượng và đầu tư theo Cơ chế Tín chỉ chung (JCM) mà đơn vị đang triển khai.
Theo ông Đỗ Thế Duyệt, quy trình cung cấp giải pháp năng lượng hiệu quả của công ty sẽ được chia ra thằng từng công đoạn cụ thể, đầu tiên là thực hiện chuẩn đoán năng lượng, sau đó dự vào những dữ liệu thu thập được sẽ cân nhắc phương thức điều khiển phù hợp để thực hiện việc tính toán sơ bộ, ghi các tiềm năng tiết kiệm năng lượng và phương pháp giải quyết các vấn đề còn tồn đọng.
“Trong bước hỗ trợ vận hành, dựa trên báo cáo đã đưa ra, chúng tôi sẽ quyết định thứ tự thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, rồi kiểm chứng, đánh giá kết quả của các giải pháp này” – ông Đỗ Thế Duyệt cho biết thêm.
Ngoài ra, ông Đỗ Thế Duyệt cũng giới thiệu về JCM. Theo đó, chính phủ Nhật Bản sẽ chi trả một phần cho việc lắp đặt các thiết bị tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo để đổi lấy tín chỉ các-bon. Điển hình như dự án tại các nhà máy phân phối điện EVN trên khắp cả nước; các máy biến áp công suất cao Amorpheus đã được đưa vào lưới điện. Tại giai đoạn 4 của dự án, tổng cộng đã có 11.853 máy biến áp được lắp đặt, góp phần không nhỏ vào việc tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ nội dung buổi Hội thảo, các đại biểu đã được cập nhật thông tin về những quy định, chính sách hiện hành về năng lượng, các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phù hợp, giải pháp tài chính ưu đãi và các hỗ trợ dành cho doanh nghiệp hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững.
Chiều cùng ngày, các doanh nghiệp tiếp tục được tập huấn chi tiết về các nội dung liên quan đến việc đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp lớn thông qua hệ thống quản lý năng lượng, tối ưu hoá hệ thống và thực hành tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.