Nuôi tôm công nghệ cao đang trở thành cuộc chơi hấp dẫn đối với nhiều doanh nghiệp.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), năm 2017 con tôm nổi lên như là hiện tượng của ngành thủy sản Việt Nam khi tăng trưởng kinh doanh khá tốt và được dự báo sẽ tiếp tục thành công trong năm 2018. Thực tế, thị trường tôm vẫn cạnh tranh mạnh mẽ lâu nay với 2 đối thủ chính là Ấn Độ và Thái Lan. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể cạnh tranh sòng phẳng vì có nhiều lợi thế về quy trình và công nghệ chế biến đã được đầu tư khá bài bản từ lâu.
Cuộc tăng tốc
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu sản phẩm tôm đến năm 2025 đạt giá trị 10 tỷ USD. Việt Nam có thể hoàn toàn thực hiện mục tiêu tham vọng này, vì sở hữu nhiều điều kiện tự nhiên phát triển bền vững, kỹ thuật nuôi trồng tốt, nhân lực có tay nghề, có các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu trên thế giới cùng với bệ đỡ thị trường thế giới đang tăng trưởng tốt. Nhìn về nấc thang phát triển của Việt Nam trên bản đồ thế giới ngành tôm cũng cho thấy điều này. Cách đây 10 năm, Việt Nam hoàn toàn mờ nhạt trên thị trường tôm, nhưng giờ đây đã vươn lên vị trí thứ 3 trên thế giới, chỉ đứng sau Ấn Độ và Thái Lan.
Nguyên nhân, sự tăng trưởng ngành tôm trong năm 2017 còn nhờ một phần nhờ vào yếu tố thuận lợi thị trường. Trong khi đó, những hạn chế của ngành tôm vẫn còn nguyên như: quản lý môi trường, dịch bệnh, nguồn tôm giống chưa chất lượng, liên kết trong sản xuất còn hạn chế dẫn đến thương hiệu chưa mạnh, tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo hay nền sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ…
Do đó, việc đặt mục tiêu tham vọng khá lớn từ tăng trưởng xuất khẩu cho đến tăng giá trị con tôm nhờ vào chế biến sâu, giờ đây phải dựa vào trụ cột chính là nuôi tôm bằng công nghệ cao mới có khả năng hoàn thành các kỳ vọng trên.
Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Việt- Úc cho biết, để ngành tôm Việt Nam đạt mục tiêu 10 tỷ USD thì phải duy trì được giá tôm ở mức cao một cách bền vững và việc nuôi trồng phải đạt hiệu quả cao, chứ không phải nuôi 3-4 vụ mới thành công một vụ. Mà tât cả điều này chỉ có thể dựa trên nền tảng hình thành các khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao.
Tôm giờ đây được nuôi trong nhà màng, được thiết kế xây dựng một điều kiện môi trường tự nhiên hoàn hảo giúp kiểm soát được vùng nuôi và dịch bệnh, không bị ảnh hưởng các điều kiên thời tiết thất thường, do đó, tôm tăng trưởng nhanh và tỷ lệ nuôi thành công lên đến 85%. Thực tế để bổ trợ cho việc nuôi tôm công nghệ cao còn cần đến hàng loạt các yếu tố khác như: quy trình nuôi hoàn toàn bằng vi sinh; hệ thống lắng, xử lý nước tuần hoàn, lọc bằng tia cực tím, đặc biệt là chủ động được nguồn tôm bố mẹ chất lượng cao mà hiện Việt Úc đã tạo thành công tôm bố mẹ với chất lượng tốt nhất, thay vì phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu như trước đây.
Hiện nay, Việt Úc đã có hơn 300 hec ta vùng nuôi tôm tại tỉnh Bạc Liêu hoàn toàn trong nhà kính với năng suất đạt được từ 120-140 tấn/héc ta/năm.
Vẫn còn khó
Tuy nhiên, việc đầu tư công nghệ cao không hề đơn giản và gần như vượt quá tầm tay những người nuôi ở quy mô nhỏ.
Ông Phùng Quốc Điền, Tổng giám đốc NS BlueScope Lysaght Việt Nam, đơn vị cung cấp các giải pháp nhà màng phục vụ công nghệ cao trong nông nghiệp cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam đang cần thay đổi nhanh để tìm kiếm lợi thế cạnh tranh mới, đầu tư hệ thống nhà màng nuôi tôm là một trong các giải pháp này. Tuy nhiên, ông Điền cũng thừa nhận, chi phí đầu tư cho mỗi mét vuông diện tích cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm công nghệ cao khoảng 500.000 đồng, đó là chưa bao gồm chi phí đất, đào ao, bạt lót ao... khoảng 100.000 đồng/mét vuông. Như vậy, với một ao nuôi tôm công nghệ cao diện tích 1.000 m2, tổng chi phí đầu tư khoảng 600 triệu đồng, tương đương mức đầu tư cho mỗi héc ta lên đến khoảng 6 tỷ đồng.
Chi phí đầu tư nuôi tôm công nghệ cao vượt quá khả năng của những người nuôi quy mô nhỏ. Giải pháp hữu hiệu nhất là tạo ra mô hình liên kết DN và nông dân
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, rõ ràng bằng cách chọn nuôi tôm theo hướng nhà màng, vốn đòi hỏi tính phức tạp về công nghệ chọn tạo, đội ngũ kỹ thuật có trình độ, đầu tư lớn cho trang thiết bị hiện đại, nhưng một khi xây dựng mô hình chuẩn thành công, năng suất cao, tôm sạch bệnh, đáp ứng được các kiểm dịch từ các nước nhập khẩu, tạo được niềm tin trên thị trường khó tính.
“Thế nhưng chi phí đầu tư vượt quá khả năng của những người nuôi quy mô nhỏ. Giải pháp hữu hiệu nhất là tạo ra mô hình liên kết doanh nghiệp và nông dân. Doanh nghiệp là hạt nhân chính chuyển giao các giải pháp công nghệ cũng như hỗ trợ vốn, đầu ra cho nông dân thì vừa có vùng nguyện liệu chất lượng cao, vừa có sản lượng lớn”, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết.
Thực tế, chính quyền tỉnh Bạc Liêu đã nhìn thấy phương án này để đặt quyết tâm xây dựng Bạc Liêu trở thành thủ phủ nuôi tôm công nghệ cao của cả nước. Và Việt Úc được chọn là đầu mối chính để chuyển giao công nghệ cho các nông dân xung quanh. Bởi vì nông nghiệp công nghệ cao không đơn thuần là mua sắm trang thiết bị, máy móc, nông cụ thật hiện đại, đắt giá, cũng như không chỉ nỗ lực tìm giống hay thức ăn chăn nuôi tốt mà còn cần các hướng dẫn canh tác, kỹ thuật nuôi trồng và đảm bảo nguồn đầu ra thì mô hình nuôi tôm công nghệ cao mới phát triển ổn định, hiệu quả và bền vững.