Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn vừa về tìm hiểu đầu tư các dự án logistics, khảo sát dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh.
>>>Doanh nghiệp ngành gỗ đề nghị nhanh hoàn thuế
Tại buổi làm việc với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và IPA Quảng Ninh đã giới thiệu về tiềm năng, lợi thế phát triển logistics của Quảng Ninh. Các dự án, chủ trương phát triển cảng biển và logistics đều được nghiên cứu kỹ trong nhiều năm, đưa vào các quy hoạch của tỉnh và gần nhất là Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Để phát triển logistics, cùng với việc quy hoạch hệ thống cảng biển hàng hải nước sâu, cảng đường thủy nội địa, trong năm nay, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm khởi công cảng hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Hệ thống các bến cảng, cảng hàng không, khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn đều được kết nối trực tiếp với hệ thống đường cao tốc chạy dọc chiều dài của tỉnh với 176km đấu nối vào tuyến cao tốc quốc gia.
Đặc biệt đối với khu vực Cảng Vạn Ninh, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch các bến cảng thủy và cảng hàng hải. Trong đó giai đoạn I với tổng mức đầu tư 2.248 tỷ đồng được thiết kế hạng mục bến cầu chính dài 500m, có thể đậu đồng thời 2 tàu trọng tải lên đến 20.000 DWT hoặc 3 tàu trọng tải 10.000 DWT và đậu các sà lan ở mặt sau, khu kho bãi sẽ được đầu tư đồng bộ, trang bị hạ tầng hiện đại đáp ứng tốt nhất yêu cầu làm hàng tổng hợp và container.
Dự án đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công nạo vét luồng hàng hải và đắp nền bến cảng, đường kết nối với cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Dự kiến giai đoạn I Cảng Vạn Ninh sẽ được hoàn thành vào dịp 30/4/2024 để đón đầu xu hướng vận tải đường biển, đường thủy và logistics …
Trên cơ sở điều kiện và lợi thế cạnh tranh của khu vực Cảng Vạn Ninh và các cảng biển trên địa bàn tỉnh, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn khẳng định mong muốn đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh.
Đồng thời mong muốn hợp tác cùng với cộng đồng các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, cùng hỗ trợ phát triển mạnh mẽ vận tải đường biển, đường bộ và hoạt động logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hướng tới toàn quốc và quốc tế.
Theo ông Bùi Văn Khắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh là một trong những dự án trọng điểm được đặc biệt quan tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng chí mong muốn, với bề dày kinh nghiệm trong phát triển cảng biển và logistics của mình, khi Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh nói chung và TP Móng Cái nói riêng sẽ góp phần quan trọng để thúc đẩy phát triển TP Móng Cái thành trung tâm dịch vụ trung chuyển hàng hóa, logistics của tỉnh, của cả Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Trước đó, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đã đề xuất đầu tư hệ thống cảng biển phục vụ KCN Hải Hà theo 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1, đầu tư 1 bến thủy nội địa (bến cho tàu container 3.000 DWT) phục vụ trung chuyển hàng giữa KCN Hải Hà và cảng Lạch Huyện, tổng mức đầu tư dự kiến 171,7 tỷ đồng. Giai đoạn tiếp theo, sẽ có phương án đầu tư phù hợp với nhu cầu lưu thông hàng hóa, sự phát triển của KCN Hải Hà và các KCN, KKT lân cận.
Về phương án kinh doanh, kinh doanh mọi lĩnh vực trong hoạt động khai thác cảng như dịch vụ xếp dỡ hàng tổng hợp, hàng container, hàng rời, hàng lỏng, tiếp nhận tàu khách, dịch vụ logistics, kho bãi, vận tải đa phương thức... Về phương thức đầu tư, trong điều kiện tuyến luồng hàng hải chưa triển khai, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn sẽ cùng các đơn vị liên quan đầu tư 1 bến thủy nội địa tại KCN Hải Hà cho tàu 3.000 DWT.
Mới đây, Để đẩy nhanh tiến độ thi công Bến cảng Vạn Ninh đón đầu sự hồi phục vận tải và logistics thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng đã có buổi kiểm tra hiện trường tiến độ và tháo gỡ khó khăn dự án Bến Cảng tổng hợp Vạn Ninh và hạ tầng hàng hải trong khu vực.
Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh được đầu tư xây dựng trên diện tích 82,79ha, tại xã Vạn Ninh, TP Móng Cái, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 trên 2.248 tỷ đồng, do Công ty CP Cảng Quốc tế Vạn Ninh làm chủ đầu tư. Thời gian đầu tư, xây dựng dự kiến trong 3 năm, hoàn thành và đưa vào khai thác trong quý IV năm 2024.
Bến cảng được thiết kế hạng mục bến cầu chính dài 500m, có thể đậu đồng thời 2 tàu trọng tải lên đến 20.000 DWT hoặc 3 tàu trọng tải 10.000 DWT và đậu các sà lan ở mặt sau. Khu kho bãi sẽ được đầu tư đồng bộ, trang bị hạ tầng hiện đại đáp ứng tốt nhất yêu cầu làm hàng tổng hợp và container…
Cùng với việc triển khai các thủ tục thẩm định bản vẽ kỹ thuật chi tiết các hạng mục mặt cảng, chủ đầu tư và đơn vị nhà thầu đang triển khai thi công nạo vét luồng và san lấp bến cảng. Trong đó, việc nạo vét khu nước trước bến, bơm cát vào ống địa kỹ thuật của đê bao quanh dự án đã đạt 55%; thi công nạo vét san lấp nền bãi dự án đạt gần 30% khối lượng. Việc triển khai thi công đang gặp khó khăn chủ yếu liên quan đến thiếu vật liệu san lấp …
Có thể bạn quan tâm