100 ngày đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden được đánh giá là khá ấn tượng mặc dù ông phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức.
Giới quan sát nhận định, Tổng thống Biden được coi là lựa chọn an toàn cho đảng Dân chủ: một chính trị gia kiểu mẫu ở Washington mà mọi người có thể chấp nhận, nhưng không ai quá yêu thích.
Và sau khi vượt qua khỏi cuộc bầu cử đầy tranh cãi, Tổng thống Biden nhậm chức trong những hoàn cảnh đặc biệt, khi nước Mỹ phải đương đầu với cái mà ông gọi là bộ tứ “khủng hoảng hội tụ”: đại dịch Covid-19, sự bất ổn kinh tế, biến đổi khí hậu và làn sóng phân biệt chủng tộc.
Chính vì vậy, những hành động chính sách táo bạo là cần thiết. Và đó cũng là tất cả những điều mà ông phải giải quyết trong ba tháng đầu tiên trên cương vị mới. Và mặc dù 100 ngày đầu tiên của ông Biden có thể không hoàn hảo, nhưng những kết quả đạt được cho đến thời điểm này đã phản ánh rõ ràng về lý do tại sao ông Biden được bầu làm Tổng thống và những gì người dân Mỹ hiện đang mong đợi ở vị Tổng thống của mình.
Thành tựu đáng chú ý nhất của ông Biden trong 100 ngày cầm quyền là đưa đất nước thoát khỏi đại dịch Covid-19. Ông đã yêu cầu Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua một gói cứu trợ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, và điều này đã trở thành hiện thực.
Mặc dù các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa đã phản đối gói cứu trợ này. Nhưng dự luật đầy tham vọng đã thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng lưỡng đảng. Điều đó đã đủ cho Nhà Trắng. Nhờ vậy, Tổng thống Biden đã thực hiện được cam kết sẽ tăng tốc chương trình tiêm chủng và đặt mục tiêu tiêm được 100 triệu liều.
Đồng thời, hơn 6 tỉ USD đã dược chi để mở rộng mạng lưới tiêm chủng, hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương tiếp cận vắc xin. Ông kêu gọi các bang vào cuộc và giải quyết những nghi kỵ về mức độ hiệu quả vắc xin bằng 3 tỉ USD.
Theo thống kê của Reuters, khoảng 290 triệu liều vắc xin đã được phân phát trên toàn nước Mỹ, trong đó có 230 triệu liều đã được sử dụng. Con số này tương đương 2,3 triệu liều vắc xin được tiêm mỗi ngày kể từ 20-1. Tính đến ngày 26-4, hơn 95 triệu người đã được tiêm đầy đủ 2 liều vắc xin, chiếm khoảng 37% dân số trưởng thành, khoảng 44 triệu người được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin. Điều này đã giúp nước Mỹ cơ bản thoát ra khỏi khủng hoảng dịch bệnh và có dấu hiệu thuyên giảm.
Giáo sư Daniel Ziblatt, nhà khoa học chính trị tại Đại học Harvard, nhận xét. “Ông Biden hiểu rằng cần phục hồi kinh tế trước khi sửa chữa những lỗ hổng của nước Mỹ. Đó chính là điều ông đang hướng tới”.
Mặt khác, những cam kết trong giai đoạn tranh cử cũng đã và đang được ông Biden thực hiện mạnh mẽ. Trong 100 ngày đầu tiên, ông đã bãi bỏ lệnh cấm các công dân thuộc các nước Hồi giáo của Cựu Tổng thống Donald Trump.
Về chính sách đối ngoại, ông Biden đã đưa Hoa Kỳ trở lại Tổ chức Y tế Thế giới và hiệp định khí hậu Paris và thiết lập lại quan hệ với các nước đồng minh lâu năm của Mỹ để đối phó với những thách thức từ Trung Quốc.
Trên thực tế, phần lớn chính sách đối ngoại của chính quyền Biden trong 100 ngày đầu tiên đều xoay quanh Trung Quốc. Các tuyên bố của đội ngũ quan chức thuộc chính quyền ông Biden cũng cho thấy Mỹ vẫn sẽ tiếp tục duy trì đường lối cứng rắn với Bắc Kinh, đồng nghĩa với việc những căng thẳng giữa hai nước sẽ còn kéo dài, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược.
Thậm chí trong cuộc gặp giữa các quan chức đối ngoại cấp cao Mỹ - Trung ở Alaska vào tháng 3 có thể xem là một cột mốc trong quan hệ song phương dưới thời ông Biden. Trong cuộc tiếp xúc đó, Ngoại trưởng Antony Blinken đã thể hiện rõ quan điểm của Mỹ: không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc, sẵn sàng hợp tác nhưng cũng chuẩn bị sẵn tinh thần đối đầu khi cần thiết.
Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ đã tuyên bố rút tất cả binh lính Mỹ khỏi Afghanistan trước ngày 11/9. Mặc dù nhiều chuyên gia đánh giá đây là nước đi mạo hiểm của Tổng thống Biden, nhưng điều này đã thế hiện rõ quyết tâm của ông trong việc chấm dứt cuộc chiến kéo dài dai dẳng, gây nhiều tổn thất cho nước Mỹ.
Hiện nay, các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy, đa số người dân đều hài lòng với cách thức đối phó dịch bệnh của ông Biden trong 100 ngày đầu tiên năm quyền. Theo kết quả các cuộc thăm dò, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Biden ở mức trung bình khoảng 55%, trong khi tỷ lệ không tán thành là 41%. Bên cạnh đó, ông Biden cũng được đánh giá tích cực về vấn đề kinh tế.
Cuộc thăm dò của NBC News công bố cuối tuần qua cho biết, 69% cử tri ủng hộ cách ông xử lý dịch bệnh và 52% đánh giá tích cực về cách thức quản lý nền kinh tế. Trong cuộc khảo sát của ABC News/ Washington Post, các con số này lần lượt là 64% và 52%.
Tất nhiên, đối với nhiều cử tri, họ bị thu hút bởi thông điệp đoàn kết của ông, cam kết xoa dịu sự chia rẽ đang bao trùm nước Mỹ. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng tuổi tác và kinh nghiệm giúp Tổng thống Biden xử lý các vấn đề của nước Mỹ tốt hơn so với những người tiền nhiệm.
Hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá những thành quả của Tổng thống Biden trong những ngày đầu nhậm chức. Tuy vậy, về cơ bản, ông Biden dường như đang đạt được sự tiến bộ nhất định. Và nếu ông Biden có thể đáp ứng kỳ vọng của người dân Mỹ trong 4 năm tới, nước Mỹ có thể đạt được những kết quả đáng mong đợi hơn nữa.
Có thể bạn quan tâm
Tận dụng cơ hội Vàng cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường Châu Mỹ
17:06, 27/04/2021
Mỹ tìm cách cân bằng với Nga và Trung Quốc tại Bắc Cực
05:56, 27/04/2021
"Ván cược" Afghanistan của Tổng thống Joe Biden
05:00, 18/04/2021
Quan hệ Mỹ - Nga sẽ ra sao dưới thời Tổng thống Biden?
05:09, 04/03/2021