Trên "mặt trận" kinh tế, báo chí là người bạn đồng hành của doanh nghiệp. Bên cạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, báo chí là diễn đàn, cầu nối giữa doanh nghiệp và Chính phủ.
>>Báo chí và doanh nghiệp đồng hành trong công cuộc dựng xây đất nước
Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Trần Thị Lan Anh chia sẻ tại Diễn đàn Báo chí – Doanh nghiệp đồng hành vì một Việt Nam phát triển bền vững, ngày 29/6.
Theo Tổng Thư ký VCCI Trần Thị Lan Anh, bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Nhà nước về kinh tế và doanh nghiệp, báo chí là diễn đàn của doanh nghiệp, là cầu nối giữa doanh nghiệp và Chính phủ.
Vai trò của báo chí, truyền thông đối với sự phát triển của doanh nghiệp cần được xác định là bệ đỡ đưa thương hiệu doanh nghiệp đến với người tiêu dùng; là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ công lý, hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn chân chính tồn tại và phát triển.
Thông qua phản ánh của báo chí, các doanh nghiệp tiêu biểu, doanh nhân xuất sắc được tôn vinh, góp phần cổ vũ tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp trong xã hội, đồng thời, các sự việc tiêu cực được đưa ra ánh sáng, tạo môi trường trong sạch để doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế phát triển bền vững.
“Đặc biệt, trong hơn hai năm qua, báo chí đã phát huy vai trò quan trọng, hiệu quả to lớn, luôn đồng hành, sát cánh cùng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong việc thực hiên mục tiêu kép: kiểm soát dịch COVID-19 và khôi phục phát triển sản xuất, kinh doanh”, Tổng thư ký VCCI Trần Thị Lan Anh nhấn mạnh.
Doanh nghiệp đã phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, quyết tâm, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động; đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chia sẻ, đồng hành cùng Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ người dân, cộng đồng, tổ chức cứu trợ, vận chuyển và thực hiện các hoạt động thiện nguyện.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh kỷ nguyên số, báo chí cũng đang phải giải quyết nhiều vấn đề với thách thức từ các dịch vụ công nghệ hiện đại. Nguồn thu của báo chí tiếp tục dịch chuyển sang các nền tảng truyền thông mới, đặc biệt là các nền tảng xuyên biên giới. Chuyển đổi số, báo chí đa phương tiện được xem là hướng đi sống còn với báo chí để tồn tại và phát triển.
Vẫn theo Tổng Thư ký VCCI Trần Thị Lan Anh, qua hơn 35 năm đổi mới, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.
Đến nay, với hơn 850.000 doanh nghiệp đang hoạt động và khoảng 5,4 triệu hộ kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chiếm trên 60% GDP, khoảng 70% thu ngân sách Nhà nước.
Từ năm 1991 đến năm 2021, GDP Việt Nam tăng từ 9,6 tỷ USD lên 363 tỷ USD; GDP bình quân đầu người tăng từ 188 USD lên 3.680 USD, tăng gần 20 lần. Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong thời gian qua đã khẳng định vai trò quan trọng của mình trong sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng thịnh vượng.
Đại hội XIII của Đảng nêu chủ trương: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi” và đặt ra mục tiêu đưa đất nước ta đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Để thực hiện được khát vọng và tầm nhìn này, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, sự hỗ trợ của Chính phủ và nỗ lực của bản thân, cộng đồng doanh nghiệp cần sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị trong đó việc phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong việc khơi dậy tinh thần kinh doanh, thúc đẩy văn hóa kinh doanh và thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, xây dựng môi trường truyền thông lành mạnh, công bằng hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp là hết sức cần thiết.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, tình hình trong nước và quốc tế có cả thuận lợi lẫn thách thức đan xen, việc tăng cường quan hệ hợp tác báo chí và doanh nghiệp, xây dựng môi trường truyền thông báo chí thúc đẩy phát triển doanh nghiệp lớn mạnh trở thành nòng cốt của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII là hết sức quan trọng. Với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, đại diện VCCI có một số kiến nghị về sự hợp tác cụ thể giữa các cơ quan thông tấn báo chí và doanh nghiệp sau.
Thứ nhất, nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền về kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân, đảm bảo tính khách quan, trung thực, công bằng, tạo môi trường kinh doanh trong sạch, cạnh tranh lành mạnh. Hạn chế các hoạt động tiêu cực và thông tin sai lệch, không chính xác ảnh hưởng đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh.
Thứ hai, đẩy mạnh việc xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, đồng thời, phát huy vai trò của báo chí trong việc cổ vũ, thúc đẩy tinh thần kinh doanh, góp phần xây dựng văn hoá, chuẩn mực đạo đức kinh doanh văn minh, hội nhập trong doanh nghiệp.
Thứ ba, tăng cường hợp tác doanh nghiệp và báo chí trong các lĩnh vực chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả báo chí và góp phần xây dựng, phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.
Thứ tư, biểu dương các cơ quan báo chí, người làm báo và doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, có cống hiến, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước.
“Sự nghiệp xây dựng môi trường báo chí truyền thông thúc đẩy phát triển doanh nghiệp lớn mạnh là của toàn xã hội. Ngay sau Diễn đàn này, xin đề nghị bốn cơ quan Ban Tuyên giáo TW, Bộ Thông tin Truyền thông, Hội nhà báo Việt Nam và VCCI trao đổi, thống nhất ký kết chương trình hợp tác để sớm hiện thực hóa những kiến nghị nêu trên”, Tổng Thư ký VCCI Trần Thị Lan Anh đề xuất.
Có thể bạn quan tâm
02:55, 10/06/2022
15:44, 09/06/2022
03:04, 04/06/2022
13:01, 19/05/2022
11:04, 19/05/2022
17:12, 09/05/2022
11:16, 07/05/2022