TOP 6 dự án vào vòng Chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2018

Ngọc Hà 26/12/2018 11:58

Sau gần một năm khởi động, 6 dự án xuất sắc nhất trong số 250 dự án đạt giải cao đến từ 37 trường đại học, 27 tỉnh thành đã xuất sắc lọt vào vòng Chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2018.

Trước tiên, phải nói rằng, Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia năm 2018 tiếp tục có nhiều sự thay đổi căn bản về nội dung, quy mô, cách thức tiếp nhận các bài thi và công tác tổ chức.

p/Nhà báo Phạm Hùng - Phó Tổng Biên tập biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp trao giải thưởng chung kết khu vực phía Nam cho các nhóm dự án xuất sắc.

Nhà báo Phạm Hùng - Phó Tổng Biên tập biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp trao giải thưởng chung kết khu vực phía Nam cho các nhóm dự án xuất sắc.

Nỗ lực đổi mới

Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia năm 2018 được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, đây là một trong những điểm mới của công tác tổ chức Chương trình năm nay.

Theo chia sẻ của Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Tổng thư ký Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia: “Đây chính là một trong những điểm mới của BTC nhằm tiến tới việc luân phiên đăng cai tổ chức vòng chung kết hằng năm tại các thành phố lớn. Điều này một lần nữa khẳng định những nỗ lực của BTC trong việc triển khai các hoạt động khởi nghiệp sâu rộng trên toàn quốc”.

Ngoài ra, năm 2018 cũng là năm đánh dấu sự trở lại của việc thực hiện các chuỗi các hoạt động khởi nghiệp ở nhiều tỉnh thành như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Thừa Thiên – Huế.

Các hoạt động như: phát động giao lưu khởi nghiệp, đào tạo cố vấn, huấn luyện viên, giảng viên nguồn, lớp hướng dẫn tìm ý tưởng kinh doanh… đã thu hút được sự tham gia tích cực của các doanh nhân, các giảng viên đại học, thanh niên và sinh viên của các tỉnh thành tham gia.

Nhiều tỉnh thành, các trường đại học sau nhiều năm được Ban tổ chức chuyển giao format đã tự triển khai các hoạt động khởi nghiệp như Lạng Sơn, Yên Bái, Hòa Bình, các trường đại học như đại học Tây Bắc, đại học Lạc Hồng …

  Chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2018 sẽ được tổ chức tại TP HCM vào ngày 26/12/2018.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh các hoạt động khởi nghiệp trên toàn quốc tiếp tục sôi động, Ban tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia đã có nhiều đổi mới về nội dung để phù hợp với xu thế nhằm thu hút và mở rộng cộng đồng khởi nghiệp.

Theo đó, năm 2018 là năm đầu tiên triển khai dự án: “Thúc đẩy Khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận các nguồn lực để khởi sự kinh doanh thành công”. Do đó, các hoạt động khởi nghiệp được thực hiện đa dạng, tập trung nhiều vào các hoạt động đào tạo, huấn luyện, tư vấn. Cụ thể: Đào tạo giảng viên nguồn TOT, tập huấn và huấn luyện về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đào tạo các cố vấn, huấn luyện viên khởi nghiệp, tư vấn – hỗ trợ khởi nghiệp.

Điểm mới tiếp theo của Cuộc thi Khởi nghiệp năm 2018 chính là sự thay đổi căn bản trong việc tiếp nhận bài tham dự cuộc thi. Cụ thể, BTC chỉ nhận bài dự thi đạt giải ở cấp trường, cụm trường, khu vực đối với sinh viên, hoặc các dự án đang triển khai thực tiễn đối với thanh niên

Chính sự đổi mới nội dung, mở rộng quy mô, cách thức tổ chức, và nhận bài dự thi của BTC Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia đã thu hút được ngày càng nhiều các dự án và hàng ngàn các bạn sinh viên trên toàn quốc đến với Chương trình.

Theo đó, đã có gần 250 dự án đạt giải cao của 37 trường đại học, 27 tỉnh thành được tuyển chọn từ các cuộc thi trên cả nước đã gửi về Ban tổ chức để tham dự vòng Chung khảo toàn quốc được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Các dự án có hàm lượng công nghệ cao

Quay trở lại TOP 6 dự án xuất sắc lọt vào vòng Chung khảo toàn quốc Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia 2018, theo đánh giá của các chuyên gia, nhìn chung, bên cạnh tính khả thi cao, các dự án còn mang ý nghĩa xã hội rất lớn và có hàm lượng công nghệ nhất định.

p/Dự án Testkid của Đại học Thủ Dầu Một - Một trong những dự án xuất sắc của khu vực phía Nam.

Dự án Testkid của Đại học Thủ Dầu Một - Một trong những dự án xuất sắc của khu vực phía Nam.

Cụ thể, một là, Dự án APPA Group đồng hành cùng người nông dân và ngành nông nghiệp Việt Nam trong việc xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp thông minh; Hai là, Dự án Trang trại hắc mộc heo; Ba là, dự án sản xuất chế phẩm vi sinh bột bã mía trong nuôi tôm thâm canh; Bốn là, dự án KOKA GROUP – Thực phẩm dược liệu Kontum; Năm là, dự án, iNut platform – hệ sinh thái kết nối vạn vật cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Sáu là, Nhà lưỡng cư thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Như vậy, trong số 6 dự án nêu trên, có tới 4 dự án liên quan tới nông nghiệp, 1 giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và 1 dự án liên quan đến giải pháp công nghệ cao.

Ông Chu Tuấn Anh - Giám Đốc Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech, một trong những chuyên gia tư vấn có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ đánh giá: “Chương trình Quốc gia Khởi nghiệp năm 2018 đã có những dự án có hàm lượng đặc thù về công nghệ, đặc biệt là công nghệ 4.0, ứng dụng IoT, Bigdata và AI... Đây là điều tuyệt vời và kịp thời của các dự án khởi nghiệp hiện nay”.

Ông Chu Tuấn Anh cho rằng, đây là điểm xuất phát để những năm sau, Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia sẽ có thêm ngày càng nhiều các dự án khởi nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0”, ông Chu Tuấn Anh khẳng định.
Vượt qua “rào”

Còn nhớ, tại buổi coaching cho TOP 20 dự án xuất sắc nhất do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức mới đây, các nhà tư vấn hàng đầu trong các ngành như tài chính, đầu tư, công nghệ… đã đưa ra chung nhận định: thứ nhất, những sản phẩm, dịch vụ mà các nhóm dự án triển khai thực hiện đều là những dịch vụ thị trường đang cần; Thứ hai, các nhân sự trong nhóm dự án đều có sự am hiểu sâu về sản phẩm, dịch vụ mà nhóm dự án cung cấp; Thứ ba, nhân sự của mỗi dự án đều là những thành viên đã có kinh nghiệm kinh doanh thực tế.
Chính vì vậy, khi phân tích SWOT, các dự án đã đưa ra được những điểm khác biệt về sản phẩm do nhóm dự án mình cung cấp so với các dịch vụ, giải pháp khác đã có trên thị trường. Đây chính là điểm đã được các nhà cố vấn đánh giá rất cao.

Tuy nhiên, hạn chế chung của các nhóm dự án cũng đã được các nhà tư vấn, BGK chỉ ra, đó chính là lập báo cáo tài chính, định giá cổ phần, vốn kêu gọi đầu tư bao nhiêu là hợp lý và điểm hoà vốn… chưa khả thi hoặc chưa rõ ràng, và logic.

Cụ thể, ông Nguyễn Tiến Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty Kankyo Việt Nam, Cố vấn Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia nhận định: “Mặc dù, đã có những dự án đã triển khai trong thực tế, có doanh thu, lợi nhuận, song khi viết tài liệu, hồ sơ khởi nghiệp, thì lại rất đơn giản nếu không muốn nói là sơ sài. Chính việc thiếu các kỹ năng căn bản sẽ làm cho các dự án cảm thấy khó khăn khi triển khai thực hiện dự án ở những giai đoạn tiếp theo”.
Những điểm hạn chế này cũng đã được các nhà tư vấn đề xuất các giải pháp khắc phục cho các nhóm dự án tại buổi coaching. Hy vọng, các nhóm dự án sẽ có được sản phẩm hoàn thiện nhất, bình tĩnh, tự tin và “chiến đấu” hết mình tại Chung kết toàn quốc Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia năm 2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TOP 6 dự án vào vòng Chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO