Từ 6h ngày 6/7 đến 6h ngày 7/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM ghi nhận 1.693 trường hợp nhiễm nCoV, phần lớn trong các khu cách ly, phong tỏa.
Tại cuộc họp tối 7/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết từ 27/4 đến 18h ngày 6/7, TP.HCM ghi nhận 7.385 ca nhiễm, trong đó có 45 bệnh nhân tử vong.
Đáng chú ý, riêng từ 6h ngày 6/7 đến 6h ngày 7/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) ghi nhận 1.693 trường hợp nhiễm nCoV. Phần lớn ca nhiễm ở khu vực cách ly, khu phong tỏa, có 212 trường hợp tầm soát, sàng lọc tại bệnh viện và 682 trường hợp đang điều tra bổ sung thông tin.
TP.HCM đang điều trị 7.118 bệnh nhân dương tính mới. Trong đó, 335 bệnh nhân nặng tại 11 bệnh viện, 8 trường hợp cần can thiệp ECMO.
TP.HCM hiện cách ly, phong tỏa 157 địa điểm. Trong đó, quận 7 đã áp dụng Chỉ thị số 16 toàn bộ phường Tân Thuận Đông, một phần phường Tân Thuận Tây và một phần Phường Bình Thuận (không bao gồm khu chế xuất Tân Thuận).
TP Thủ Đức đã áp dụng Chỉ thị số 16 đối với phường Tân Phú (không bao gồm khu công nghệ cao); huyện Hóc Môn đã áp dụng một phần ấp Hậu Lân, xã Bà Điểm và 5 khu phố thuộc thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn…
Ngoài ra, các địa phương đã cách ly y tế tập trung F1 tại 127 điểm và cách ly y tế tập trung F1 tại 62 khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn.
Thành phố cũng đẩy mạnh công tác lấy mẫu xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là các địa phương có nguy cơ rất cao. Hiện nay, TP.HCM có 2.000 đội lấy mẫu, trong đó 1.200 đội chính và 800 đội dự phòng. Tổng công suất lấy mẫu của thành phố đạt 1,3 triệu/mẫu ngày.
Cũng trong cuộc họp cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế huy động tổng số khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên y tế tham gia hỗ trợ chống dịch tại TP.HCM.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, tình hình dịch tại TP.HCM đang rất phức tạp và có khả năng tăng nhanh trong những ngày tới. Bộ Y tế và Bộ phận Thường trực liên tục làm việc cũng như tăng cường hỗ trợ phòng, chống và giám sát dịch tại TP.HCM.
Hiện nay hơn 3.300 cán bộ, nhân viên y tế thuộc các đơn vị thuộc Bộ Y tế, sinh viên các trường y dược thuộc Bộ Y tế đã có mặt tại TP.HCM. Bộ Y tế sẽ tiếp tục huy động lực lượng y bác sĩ, nhân viên y tế để tham gia phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, lấy mẫu xét nghiệm tầm soát.
Dự kiến, Bộ sẽ thiết lập 24 đoàn công tác cho TP Thủ Đức và tất cả các quận, huyện của TP.HCM để phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ địa phương này. Tổng số nhân lực y tế huy động trợ giúp TP.HCM khoảng 10.000 người.
Đối với các địa phương đang là “điểm nóng” như Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bộ Y tế cũng thành lập và cử 7 đoàn công tác đến hỗ trợ.
Đặc biệt, người đứng đầu Bộ Y tế quyết định ra lời kêu gọi lực lượng cán bộ y tế trên toàn quốc tham gia chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
“Để đối phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, phải chuẩn bị tất cả các kịch bản, phương án ứng phó phù hợp với mức độ lây lan của dịch bệnh”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Về vấn đề xét nghiệm, cuộc họp đã nhất trí cần tăng cường tiếp cận tất cả các loại sinh phẩm, máy và thiết bị xét nghiệm. Cần rà soát lại các quy định, tạo mọi điều kiện cho việc nhập các loại sinh phẩm xét nghiệm (test kit) vào Việt Nam. Đồng thời, cũng tăng cường sản xuất test kit trong nước.
Về chiến lược xét nghiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, tại TP.HCM ưu tiên sàng lọc nhanh 3 ngày/lần tại vùng lõi dịch, vùng phong tỏa; 7 ngày/lần tại vùng nguy cơ rất cao.
Đối với các khu vực khác cần tiến hành lấy mẫu đại diện, giám sát cộng đồng, giám sát tất cả các trường hợp đến khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế nhằm phát hiện sớm ca bệnh, để cách ly, truy vết và điều trị hiệu quả.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục chuẩn bị sinh phẩm và nâng cao công suất xét nghiệm để phục vụ phòng chống dịch trong thời gian tới.
Sáng 5/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, thống nhất TP.HCM tiếp tục án dụng Chỉ thị 10, lập phương án kiểm soát chặt chẽ người ra, vào TP.HCM. Cách thức là kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính với nCoV được cung cấp qua mã QR code. Bộ Thông tin và Truyền thông được giao phối hợp với TP.HCM để hợp mã QR code với hệ thống thông tin về tiêm chủng vaccine, xét nghiệm và khai báo y tế.
Với trên 8.000 ca nhiễm ghi nhận từ 27/4, TP.HCM hiện là ổ dịch lớn nhất cả nước.
Có thể bạn quan tâm
19:10, 07/07/2021
13:00, 07/07/2021
06:00, 07/07/2021
03:00, 07/07/2021
05:30, 04/07/2021
11:58, 04/07/2021