Đó là khẳng định của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2023 (HEF), với chủ đề "Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không".
>>>TP.HCM cam kết thực hiện mục tiêu Net Zero trước năm 2050
Phát biểu Khai mạc Diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, TP.HCM cùng với nhiều đô thị khác trên thế giới đã chứng kiến rõ ràng những tác động của biến đổi khí hậu cùng với những bất cập, thiếu đồng bộ cần phải được giải quyết, càng thúc giục chúng ta phải gắn kết chặt chẽ, hành động mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa để ứng phó.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, TP.HCM nhận thức rằng, sự phát triển kinh tế truyền thống không còn là lựa chọn tối ưu nữa nên đã chuyển hướng kiến tạo một hành trình mới, một hành trình tăng trưởng xanh, với tầm nhìn một tương lai bền vững.
Theo đó, Thành phố đang khẩn trương hoàn thiện khung Chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm xây dựng Thành phố trở thành đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình; là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư và du khách.
“Khung chiến lược xác định người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; đồng thời, thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế nhằm thực hiện 4 trụ cột. Đó là phát triển nguồn lực xanh; xây dựng hạ tầng xanh; phát triển hành vi xanh; xác định ngành hoặc lĩnh vực tiên phong”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM cho rằng, Diễn đàn Kinh tế lần thứ 4 là một trong những hành động nhằm hiện thực hóa các nội dung hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn kinh tế thế giới đã ký kết ngày 26/6/2023. Đồng thời, thảo luận về nội dung thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại TP.HCM nhằm tăng cường hợp tác với các Trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên thế giới.
Cùng với đó là hỗ trợ những giải pháp có tính đột phá của Thành phố phù hợp với quốc gia và xu hướng quốc tế. Huy động các nguồn lực đầu tư vào năng lượng tái tạo, giảm phát thải nhà kính, xây dựng hệ thống giao thông công cộng, giảm ô nhiễm không khí kết hợp với đô thị hóa thông minh, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên...
“TP.HCM đang triển khai các biện pháp khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy đổi mới và phát triển, tạo môi trường thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng hành trình tăng trưởng xanh, hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá, TP.HCM là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 1/5 GDP, hơn 1/4 thu ngân sách quốc gia, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI và xuất nhập khẩu, số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm gần 30% cả nước.
“Tuy nhiên, Thành phố cũng là địa phương có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất - 57,6 triệu tấn, chiếm 23,3% cả nước. Về cơ bản, nền kinh tế của Thành phố chủ yếu vẫn phát triển theo hướng kinh tế tuyến tính và chưa được xanh hóa; công tác bảo vệ môi trường có nhiều tiến bộ song còn nhiều vấn đề đặt ra, nhiều việc phải làm tích cực hơn", Phó Thủ tướng Lê Minh Khải đánh giá.
Để thực hiện hóa những chuyển biến từ chủ trương đến hành động, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, Diễn đàn cần tập trung vào 3 vấn đề chính: Một là, tận dụng cơ hội để trao đổi, học hỏi cùng tiến tới nhận thức chung để hành động; Hai là, tận dụng tốt cơ hội kết nối và hợp tác về tài chính, nhân lực và đặc biệt là công nghệ; Ba là, tiếp nối các hành động sau diễn đàn, trong đó, hành động đòi hỏi một sự tương tác, phối hợp ở nhiều mức độ, cấp độ từ Trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến người dân.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, các bộ, ngành liên quan lắng nghe, trao đổi về các ý kiến từ các bài học kinh nghiệm, đề xuất của doanh nghiệp, từ đó đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, các tiêu chí xanh, các mô hình thử nghiệm. Đặc biệt chú trọng quan điểm về đặc thù về đô thị, quy mô dân số, tính năng động của nền kinh tế, TP.HCM là nơi thử nghiệm rất tốt các chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Về TP.HCM và các địa phương, Phó Thủ tướng lưu ý, cần phát huy tinh thần chủ động trong việc triển khai thực thi hiệu quả các chủ trương, chính sách và chiến lược từ Trung ương. Với các nội dung phong phú từ diễn đàn, các địa phương cần tham khảo để xây dựng định hướng hay chiến lược phát triển kinh tế xanh phù hợp, xác định rõ lợi thế và các ngành, lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên, nguồn lực triển khai và huy động các doanh nghiệp và người dân.
Về phía các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, đây là cơ hội tốt nhất để nhận thức lại mô hình kinh doanh truyền thống, tiếp cận với các cơ hội kinh doanh mới, mạnh dạn liên kết hợp tác và huy động nguồn lực để từng bước chuyển đổi mô hình kinh doanh và hướng đến hiệu quả về lâu dài.
Có thể bạn quan tâm
Dự án Vành đai 2 TP.HCM: Áp lực chi phí giải phóng mặt bằng
05:32, 15/09/2023
TP.HCM cam kết thực hiện mục tiêu Net Zero trước năm 2050
17:30, 14/09/2023
TP.HCM: Liên tiếp phát hiện nhiều hàng hoá không rõ nguồn gốc
12:30, 14/09/2023
TP.HCM sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn
00:30, 14/09/2023
Giá nhà ở TP.HCM, Hà Nội đắt đỏ ra sao?
05:00, 13/09/2023