Đây là một trong những đề xuất của UBND TP.HCM với Chính phủ trong số nhiều giải pháp nhằm duy trì, ổn định sản xuất cho doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định, các doanh nghiệp đã rất nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để tổ chức phương án sản xuất theo mô hình sản xuất "3 tại chỗ", "1 cung đường - 2 điểm đến", song không thể kéo dài.
Do vậy, trong số rất nhiều nhóm giải pháp, UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện mô hình sản xuất "3 tại chỗ" hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 cho công nhân miễn phí, hỗ trợ phun thuốc khử khuẩn, tiêm vaccine cùng với giảm chi phí như giá điện sản xuất hoặc miễn giá điện sinh hoạt của công nhân như đối với các khu cách ly.
Thực tế hiện nay, chi phí xét nghiệm đang là áp lực tài chính rất lớn đối với các doanh nghiệp thực hiện theo các phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm”.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP HCM, Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh bày tỏ sự hy vọng vào đề xuất này. “Rất mừng là TP HCM đã nhìn nhận ra những chi phí phòng, chống dịch này không thể để doanh nghiệp gánh chịu. Nhà nước đang thực hiện xét nghiệm miễn phí cho cộng đồng. Doanh nghiệp cũng là một cộng đồng dân cư nên cũng phải được miễn phí. Được chia sẻ khoản này là sự hỗ trợ rất lớn với các doanh nghiệp”, ông Tống nói.
Thời gian đầu khi thực hiện “3 tại chỗ”, Công ty Cơ khí Duy Khanh hợp đồng với một bệnh viện vào xét nghiệm cho công nhân, chi phí từ 200.000-300.000 đồng/lượt. Sau này, doanh nghiệp có thể mua thiết bị test và mời y tế địa phương lấy mẫu, giảm bớt chi phí.
“Mỗi công nhân xét nghiệm hằng tuần thì chi phí xét nghiệm cũng xấp xỉ 1 triệu đồng/người/tháng”, ông Tống tính toán.
Bà Đặng Thị Phương Ninh - Giám đốc Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải (Cofidec) - cho rằng chi phí xét nghiệm đang khiến doanh nghiệp tốn một khoản tiền rất lớn.
"Hiện nay, mỗi kit test nhanh Covid-19 doanh nghiệp mua giá 150.000 đồng để test cho công nhân. Cứ 7 ngày một lần công ty lại phải chi 127,5 triệu đồng, và một tháng khoảng 510 triệu đồng cho riêng chi phí này", bà cho biết.
Tương tự, để duy trì "3 tại chỗ", Công ty Cổ phần Thực phẩm CJ Cầu Tre (quận Tân Phú, TP.HCM) cũng còn phải lo chi phí xét nghiệm 7 ngày/lần cho gần 700 công nhân đang hoạt động tại nhà máy.
Với khoảng 700 công nhân, cứ 7 ngày công ty này phải chi hơn 100 triệu đồng để xét nghiệm cho công nhân. Tính ra, một tháng, doanh nghiệp này cũng mất gần nửa tỷ đồng cho riêng chi phí này.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho rằng thời điểm này những biện pháp, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp "3 tại chỗ" như: Giảm giá điện hoặc miễn giá điện sinh hoạt của công nhân thực hiện 3 tại chỗ như đối với các khu cách ly; hỗ trợ xét nghiệm Covid 19 cho công nhân miễn phí là rất cần thiết.
"Để hỗ trợ giảm chi phí xét nghiệm, Hiệp hội đã ký hợp tác với Hội thầy thuốc trẻ TP.HCM để tiến hành xét nghiệm tại doanh nghiệp theo hợp đồng với giá chỉ 280.000 đồng/lần/người", ông nói.
Theo Chủ tịch HUBA, hiệp hội thỏa thuận giá 280.000 đồng/lần/người xét nghiệm tại doanh nghiệp, do đó người lao động sẽ không phải xếp hàng tại cơ sở y tế tránh nguy cơ lây nhiễm.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư kí Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cho biết qua khảo sát khoảng 200 doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” với tổng số lao động 70.000 công nhân, chi phí xét nghiệm xấp xỉ 1 triệu đồng/người/tháng.
“Như vậy trung bình khoảng 350 người tương đương 350 triệu đồng/tháng cho việc xét nghiệm. Đấy là chi phí trung bình, trong khi có nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì cả nghìn lao động ở nhiều nhà máy thì phí xét nghiệm cả tỷ đồng/tháng”, ông Phương phân tích.
Mặc dù rất hy vọng vào đề xuất miễn phí xét nghiệm cho các doanh nghiệp nhưng ông Nguyễn Chánh Phương cho rằng phải sớm có hướng dẫn. Ví dụ chi phí xét nghiệm tính trên thiết bị xét nghiệm doanh nghiệp đã mua hay bao gồm cả tiền dịch vụ xét nghiệm và hoàn trả chi phí này cho doanh nghiệp như thế nào.
"Cách ghi nhận các chi phí như thế nào khi doanh nghiệp đang mua thiết bị xét nghiệm nhanh và PCR của các cơ sở y tế dịch vụ. Nếu có hướng dẫn triển khai chi tiết thì xác định nguồn quyết toán các khoản này không khó, sử dụng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là hợp lý nhất”, ông Phương nêu đề xuất. Ví dụ, thuốc điều trị cho F0 nếu cách ly, điều trị ngay tại nhà máy thì do bảo hiểm y tế chi trả. Chi phí test Covid-19 người lao động do bảo hiểm xã hội chi trả.
Về chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng cho DN, UBND TP HCM đã đề xuất hàng loạt giải pháp. Trong đó, cần phân loại DN thành 3 nhóm để xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp tình trạng hoạt động của DN: DN đã giải thể, phá sản; DN đang tạm ngừng hoạt động; DN đang còn hoạt động. Theo dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về thu ngân sách nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch COVID-19, thời hạn áp dụng giảm thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng cho DN, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là hết tháng 12/2021. UBND TP HCM kiến nghị kéo dài thời hạn áp dụng ít nhất đến hết quý I/2022 và có thể đến hết tháng 6/2022. Đối với DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch (như du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, vận tải, chiếu phim, hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí...), cần nâng mức giảm VAT lên 50% (thay vì 30% như dự thảo). Về chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, UBND TP HCM kiến nghị tiếp tục thực hiện chính sách giảm tiền thuê đất cho người thuê đất gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19 với mức giảm là 30% trong năm 2021, riêng các DN ngành du lịch bị ảnh hưởng trực tiếp và liên tục trong hai năm 2020 và 2021 thì mức giảm là 50%. Đặc biệt, UBND TP HCM kiến nghị chấp thuận dịch COVID-19 đang diễn ra là tai nạn bất khả kháng, để DN được giảm 50% tiền thuê đất trong thời gian ngừng sản xuất, kinh doanh. |
Có thể bạn quan tâm
06:55, 19/08/2021
12:19, 18/08/2021
12:00, 18/08/2021
11:08, 18/08/2021
21:27, 17/08/2021
20:13, 17/08/2021
16:30, 17/08/2021
13:25, 17/08/2021
11:38, 17/08/2021