UBND TP.HCM vừa kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu phương thức giao kế hoạch vốn ODA đảm bảo đáp ứng đủ vốn theo tiến độ giải ngân thực tế của dự án và tiến độ cấp vốn của các nhà tài trợ để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của dự án.
Bên cạnh đó, cho phép TP.HCM căn cứ tiến độ giải ngân của các dự án, chủ động điều chuyển vốn trong tổng mức kế hoạch vốn được Thủ tướng giao.
Đối với dự án Xây dựng đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến số 5, giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn), TP đề nghị Hội đồng thẩm định Nhà nước cần sớm thẩm định trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Ngoài ra, UBND TP cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép sử dụng dự phòng giải ngân vốn nước ngoài nguồn cấp phát từ ngân sách Trung ương để bổ sung cho những dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đang thực hiện có nhu cầu vốn để đẩy mạnh giải ngân và các dự án đã ký hiệp định vay vốn nhưng chưa có trong kế hoạch đầu tư công, tránh bị nhà tài trợ phạt tiền vì triển khai chậm.
Trước đó, hồi tháng 11/2017, UBND TP.HCM đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục hỗ trợ giải ngân để hoàn trả tạm ứng cho ngân sách thành phố - nhằm giải quyết tình hình khó khăn về nguồn vốn ODA tại dự án xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Theo chính quyền thành phố, do kế hoạch vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương năm 2017 phân bổ cho các dự án của TP.HCM không đủ để thanh toán khối lượng công việc hoàn thành trên công trường, dẫn đến nguy cơ đình trệ tuyến metro số 1.
Tính đến nay, TP.HCM đã phải 3 lần phải tạm ứng vốn ngân sách để bảo đảm tiến độ cho tuyến metro số 1. Năm 2016 thành phố tạm ứng 600 tỷ đồng để trả nợ, sau đó phần giải ngân vốn ODA cho metro số 1 tiếp tục bị đóng băng trong thời gian dài.
Hồi tháng 8/2017, lần thứ hai thành phố tạm ứng 500 tỷ đồng. Mới đây nhất, UBND thành phố lại phải tạm ứng hơn 1.200 tỷ đồng để trả nợ nhà thầu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, trong khi chờ bổ sung kế hoạch vốn ODA từ Trung ương.
Việc thiếu vốn làm metro Sài Gòn liên tục được đề cập trong các cuộc họp của UBND TP.HCM.
Được biết, tuyến metro số 5 là một trong 8 tuyến của mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 26 km, bắt đầu từ bến xe Cần Giuộc mới, kết thúc ở điểm cầu Sài Gòn. Trong giai đoạn I, tuyến sẽ có chiều dài 8,9 km đoạn ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn.
Đây cũng là tuyến metro có tổng mức đầu tư lớn (1,562,7 tỷ euro, tương đương 41.607 tỷ đồng) và có thời gian triển khai kéo dài nhất tại Việt Nam (chuẩn bị từ năm 2009 - 2019; thực hiện từ năm 2020 - 2025; bảo hành, chạy thử từ năm 2025 - 2027).