TP.HCM mất đà tăng trưởng nhưng chưa thể tháo gỡ cơ chế thực thi

Diendandoanhnghiep.vn Rất nhiều vấn đề phát triển của TP HCM đã được xác định, nhận diện từ những thập niên trước nhưng do cơ chế thực thi thiếu hiệu lực nên TP đang dần mất đà tăng trưởng.

TP HCM sẽ trở thành siêu đô thị khu vực

Định vị vị thế phát triển thành phố là vấn đề quan trọng hàng đầu. Nếu TP HCM chỉ coi mình là "đầu tàu kinh tế và động lực tăng trưởng của cả nước" thì đúng nhưng chưa đủ. Với quy mô dân số hiện nay, TP HCM đã là một "siêu đô thị", tiến tới TP cần phấn đấu để trở thành một siêu đô thị toàn cầu, trung tâm kinh tế, tài chính, văn hoá của châu Á.

TP HCM được chuyên gia đánh giá đã đuối sức, mất đà tăng trưởng trong những năm gần đây

TP HCM được chuyên gia đánh giá đang dần đuối sức, mất đà tăng trưởng 

Nếu chúng ta muốn muốn thi đấu ở V-League, chúng ta sẽ đá kiểu khác, thuê HLV kiểu khác, nguồn lực đầu tư khác. Còn nếu chúng ta muốn thi đấu ở Champion League chắc chắn chúng ta sẽ cần những nguồn lực khác hoàn toàn. Như vậy, cách thức chúng ta lựa chọn và định vị mình như thế nào thì sẽ có một cuộc chơi ở tầm mức ấy. Cuộc chơi của toàn cầu cách đây 10 năm, 20 năm so với bây giờ hoàn toàn khác. Vậy nên, chúng ta phải có một chiến lược hoàn toàn khác.

Để thực hiện được vị thế này, cần phải đặt ra một loạt ưu tiên chiến lược trong bối cảnh nguồn lực, thời gian, thể chế và con người của thành phố. Theo đó, đặt thứ tự ưu tiên để đảm bảo hiệu quả dứt điểm của mục tiêu.

Ví dụ bây giờ chúng ta có muốn chọn làm công nghiệp hay không? Tôi nghĩ thành phố nên hạn chế và tiến tới không còn những ngành công nghiệp đang làm. Cần phải chuyển một cách quyết liệt sang dịch vụ, bởi tương lai sẽ là một xã hội hậu công nghiệp. Nếu thành phố tiếp tục định vị phát triển công nghiệp sẽ không chỉ bất khả thi mà còn đánh mất các cơ hội phát triển khác trong 10-20 năm tới.

Xác định động lực phát triển năng suất

Thứ nhất, nếu như trước đây nền kinh tế của thành phố phụ thuộc nhiều vào chi phí rẻ, thu đầu tư, đặc biệt thu đầu tư nước ngoài và đầu tư của khu vực tư nhân trong nước và dân nhập cư. Trong một thời kỳ dài, các yếu tố này đã thúc đẩy thành phố phát triển. Nhưng mặt khác cũng bộc lộ hạn chế về tốc độ tăng trưởng năng suất chưa cao. Theo đó, động lực phát triển của thành phố trong một thập kỷ tới phải là năng suất. Để thực hiện năng suất, TP HCM phải phát triển khu vực doanh nhân nội địa.

Đây là thế mạnh nổi bật, nổi trội của TP HCM so với cả nước, thậm chí so với Hà Nội và Đà Nẵng.

Thứ hai, thành phố phải tăng cường cạnh tranh nội địa, tạo ra một môi trường cạnh tranh có tính thị trường thực sự. Theo ông, điều này phải được coi là "mệnh lệnh" vì nếu không làm được điều này thì TP HCM sẽ tụt lùi.

Thứ ba, thành phố phải mở cửa thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế và đi tiên phong cả nước trong vấn đề này.

Thứ tư, thành phố phải có các quy định khuyến khích tăng năng suất, phát triển cơ sở hạ tầng. Trong đó, cần xác định lại khái niệm cơ sở hạ tầng cho phù hợp thực tiễn phát triển. Cuối cùng, thành phố phải hình thành một số cụm ngành then chốt ví như Trung tâm tài chính quốc tế của cả nước đặt tại TP HCM (chứ không phải trung tâm tài chính của riêng thành phố).

Về tầm nhìn xa hơn, chúng ta phải chuyển đổi năng lực cho 10 năm tới để chuyển sang một nền kinh tế có tính đổi mới sáng tạo, không thuần túy chỉ dựa vào đầu tư hay năng suất. Điều này đòi hỏi nguồn nhân lực có kỹ năng rất cao, các cơ sở khoa học và công nghệ, các chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo và phải tạo ra được các cụm ngành có năng lực cạnh tranh nổi trội. Chúng ta không cần chọn nhiều, chỉ cần chọn một số ngành trọng điểm.

Tầm nhìn xa

Tầm nhìn xa, cụ thể đó là sự bứt phá tư duy để nhìn các vấn đề phát triển của thành phố theo một khung tư duy mới. TP HCM đứng đầu cả nước nhưng nếu tiếp tục tư duy phát triển như cũ sẽ không thể bứt phá, thậm chí mất đà và hụt hơi.

"Dù hội nhập là xu thế không thể tránh khỏi nhưng Việt Nam đã đánh mất một điều rất quan trọng: đó là thị trường trong nước và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước"

Ví dụ, vấn đề cơ sở hạ tầng trước đây được hiểu là điện, đường, trường trạm, hàng không, sân bay... nhưng cơ sở hạ tầng giờ đây còn là cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, truyền thông, khả năng tiếp cận, chia sẻ, bảo mật dữ liệu. Dữ liệu giờ được coi là nguồn lực của thế kỷ 21. Do đó, quan niệm về cơ sở hạ tầng cũng phải được điều chỉnh để thích ứng với nền kinh tế mới. Ngoài ra, trong một giai đoạn dài, Việt Nam hào hứng và hồ hởi hội nhập kinh tế quốc tế. Dù hội nhập là xu thế không thể tránh khỏi nhưng Việt Nam đã đánh mất một điều rất quan trọng: đó là thị trường trong nước và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

Đây là hai điều mà tôi nghĩ là chí tử. Hội nhập là quan trọng nhưng nội lực mới là then chốt. Phải luôn tâm niệm, không có một đô thị lớn, không một quốc gia nào phát triển chỉ nhờ vào ngoại lực. Chúng ta phải trau dồi nội lực. Nếu may mắn, với tốc độ tăng trưởng hiện nay của Việt Nam thì đến năm 2035 hơn 50% dân số sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu. Và đây là nội nhu, là nhu cầu nội địa cực kỳ quan trọng. Nếu chúng ta không nắm bắt điều này để tận dụng thì chúng ta lại biếu miếng bánh này cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu thua thiệt.

Ngoài ra, còn một số vấn đề khác đòi hỏi thành phố có tầm nhìn xa đó là biến đổi khí hậu và già hóa dân số - những xu thế không thể đảo ngược. Và cuối cùng là xem xét hệ quả của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc đối với Việt Nam và TP.HCM. Thành phố cần có những chiến lược để ứng xử trong bối cảnh thế giới đa cực, thậm chí có những xung đột gay gắt.

Cải cách thể chế là chìa khóa

TP HCM hiện có ba nút thắt tăng trưởng lớn: Cơ sở hạ tầng, cải cách thể chế, và chất lượng nguồn nhân lực. Để thực hiện được những chiến lược tổng thể như đã nêu trên, thành phố cần những giải pháp tháo gỡ các nút thắt tăng trưởng với một tư duy mới. Theo đó, vấn đề cái cách thể chế như ưu tiên số một. Tôi xin nhận xét thẳng thắn và thật lòng: TP.HCM đã đánh mất vị trí là niềm cảm hứng cho cả nước về cải cách và đột phá thể chế trong 10 năm qua.

Tại sao chúng ta lại đánh mất điều đó? Nếu muốn phát triển, đi đầu trở thành đô thị sánh ngang với các đô thị lớn như Seoul hay Singapore mà không làm được điều này thì chúng ta tự loại mình ra khỏi cuộc chơi. Cải cách thể chế là một trong những yêu cầu hàng đầu. Nhưng khi nói đến cải cách thể chế phải nói rõ ràng, không thể chung chung.

Về cải cách thể chế, đối với TP HCM bao gồm cải cách về quản lý và phát triển cho một siêu đô thị hiện đại, và cải cách thể chế về môi trường kinh doanh và đầu tư. Nếu như trước đây thành phố chỉ tập trung vào việc thu hút lao động chi phí rẻ và kỹ năng trung bình, thì bây giờ phải thu hút những tập đoàn lớn nhất toàn cầu đến đầu tư. Điều đó có nghĩa thành phố phải tạo ra "đất lành chim đậu" cho người dân và tạo ra được những cái ổ để đón "chim đại bàng" cho doanh nghiệp. Nếu không làm được điều này, TP.HCM sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi khu vực và toàn cầu.

Đối với vấn đề nguồn nhân lực, nếu như trước đây thành phố chỉ chú trọng đào tạo phổ thông hoặc đào tạo đại học càng nhiều càng tốt, thì bây giờ thành phố cần nguồn nhân lực chất lượng cao, cần tập trung vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để có những trung tâm nghiên cứu hàng đầu của khu vực. Về nguồn lực tài chính, Nhà nước không cần bỏ nguồn lực nhiều mà chỉ sử dụng ngân sách như một cơ chế tài chính phù hợp để làm "đòn bẩy" cho các nguồn lực tài chính khác, còn thị trường sẽ hoàn thành nốt phần còn lại.

Về vấn đề hiệu quả thực thi các chính sách cho sự phát triển của thành phố, những giải pháp nêu ra bởi các chuyên gia không mới, vấn đề làm sao thực thi hiệu quả dứt điểm.

Rất nhiều vấn đề chúng ta nhìn thấy phải làm, chẳng hạn như sự quá tải về cơ sở hạ tầng có phải chúng ta không nhìn thấy đâu? Chúng ta đã nhìn thấy trước 20 năm. Nhưng tại sao không làm được? Chủ trương xây dựng Thủ Thiêm chỉ sau Phố Đông của Thượng Hải có 2-3 năm mà đến bây giờ họ có đã một trung tâm tài chính quốc tế còn chúng ta vẫn chưa giải tỏa xong mặt bằng. Vấn đề không phải tầm nhìn nữa, vấn đề cũng không thuần túy là chúng ta không biết, vấn đề tại sao cơ chế thực thi không làm được điều mà chúng ta nhìn thấy phải làm và điều mà chúng ta biết nếu không làm được sẽ tụt hậu? Đây là bài toán cực kỳ nan giải.

Cơ chế thực thi là một bài toán nan giải và thực thi nên trở thành ưu tiên trọng yếu của công tác điều hành và quản lý của chính quyền thành phố trong nhiệm kỳ này.

Mong rằng đây sẽ là ưu tiên cực kỳ trọng yếu về công tác điều hành, về công tác quản lý trong nhiệm kỳ này. Làm sao để chúng ta đã quyết cái gì là phải làm bằng được và lấy lại uy tín cho chính quyền. Điều này rất quan trọng.

*Bài chia sẻ của TS. Vũ Thành Tự Anh tại Hội thảo khoa học định hướng phát triển TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do UBND TP HCM tổ chức. 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM mất đà tăng trưởng nhưng chưa thể tháo gỡ cơ chế thực thi tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714025806 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714025806 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10