Đó là khuyến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tại Hội thảo chỉnh trang và phát triển đô thị được tổ chức mới đây tại TP.HCM.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA, nhận định: Năm 2017, nền kinh tế Việt Nam phục hồi và tăng trưởng tốt, giữ vững ổn định vĩ mô, GDP đạt 6,81%, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Thị trường bất động sản TP.HCM và cả nước cũng đã phục hồi và tăng trưởng trở lại với mức tăng khoảng 4,07% so với năm 2016.
9 khuyến nghị của HoREA
Cụ thể, theo ông Châu, phân khúc thị trường nhà ở loại trung cấp và bình dân đáp ứng nhu cầu thực của người tiêu dùng vẫn là phân khúc chủ đạo, chiếm 74% thị phần, có tính thanh khoản cao và phát triển bền vững, nhưng vẫn trong tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu; Phân khúc văn phòng cho thuê (loại A, loại B) phát triển rất tốt, tỷ lệ lấp đầy hơn 90%; Các phân khúc bất động sản công nghiệp, thương mại, du lịch nghỉ dưỡng cũng tăng trưởng tốt. Lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 5,2 tỷ USD (chiếm 50% lượng kiều hối cả nước), tăng 4,5% so với năm 2016 và có khoảng 22% đầu tư vào thị trường bất động sản. Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 35,88 tỷ USD, tăng 1,67 lần so với năm 2016, và tỷ lệ giải ngân vốn FDI đạt 17,5 tỷ USD, đạt mức cao nhất trong 10 năm qua. Trong đó, FDI vào thị trường bất động sản đứng thứ 3 trong toàn quốc và đứng thứ 2 tại TP.HCM.
Năm 2017, Nhật Bản đã thay thế Hàn quốc để trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, vào TP.HCM, và vào thị trường bất động sản. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã tham gia thực hiện các dự án hạ tầng đô thị lớn thuộc nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, như Obayashi, Shimizu, Hitachi, Sumitomo Construction, Mitsui, Maeda...
Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư phát triển các dự án lớn như Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng, Idemitsu Kosan đã hợp tác đầu tư Khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, trong khoảng 05 năm gần đây, đã có một số quỹ đầu tư và doanh nghiệp Nhật Bản đã hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam dưới các hình thức mua cổ phần, góp vốn đầu tư, hoặc cho vay để phát triển các dự án bất động sản theo tiêu chuẩn Nhật Bản và phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, như Tokyu đầu tư vào Hưng Thịnh Corporation, Becamex; Hankyu, Nishi Nippon Railways với Nam Long Corporation; Mitsubishi Corporation với Phúc Khang Corporation; ACA với Sơn Kim Land; Sanyo Home với Công ty Tiến Phát; Creed Group với Công ty An Gia, Công ty Năm Bảy Bảy. Tiềm năng hợp tác đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản Nhật Bản và Việt Nam rất lớn trong thời gian tới đây.
Các doanh nghiệp trong nước tiếp tục khẳng định vai trò thống lĩnh thị trường bất động sản, kể cả trong thị trường mua bán, chuyển nhượng dự án (M&A), thị trường xây lắp, du lịch nghỉ dưỡng, thương mại. Riêng lĩnh vực môi giới văn phòng cho thuê cao cấp, dịch vu môi giới bán nhà cho người nước ngoài, quản lý dự án bất động sản cao cấp thì lợi thế đang thuộc về doanh nghiệp nước ngoài. Từ nhận định trên, Hiệp hội có những khuyến nghị như sau:
Một là, khuyến nghị các doanh nghiệp cần đảm bảo hiệu quả kinh doanh, trước hết là đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận; doanh thu; chuẩn bị được quỹ đất, dự án đầu tư phát triển; chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án; tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp... để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng theo chính sách mới hiện nay, và chuẩn bị sẵn sàng cho việc hạn chế tín dụng vào bất động sản dự kiến áp dụng kể từ ngày 01/01/2019 theo lộ trình của Thông tư 19/2017/TT-NHNN.
Hai là, khuyến nghị các doanh nghiệp luôn luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, giữ chữ tín, đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thi công, bàn giao nhà, hình thành không gian sống xanh, thân thiện môi trường, coi trọng công tác hậu mãi chăm sóc khách hàng, để có thể huy động được nguồn vốn ứng trước của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản (được huy động đến 70% giá trị hợp đồng nếu chưa bàn giao nhà; được huy động đến 95% giá trị hợp đồng nếu đã bàn giao nhà).
Ba là, khuyến nghị các doanh nghiệp luôn luôn phấn đấu trở thành là nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp và có năng lực trong phân khúc thị trường và sản phẩm mà mình đã chọn; Hiệp hội khuyến nghị các doanh nghiệp cần quan tâm phân khúc thị trường nhà ở vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ), có giá bán vừa túi tiền (khoảng trên dưới 01 tỷ đồng/căn) đang là phân khúc chủ đạo của thị trường, có tính thanh khoản cao và bền vững; tham gia các chương trình xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng nặng; chương trình chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch của thành phố; chương trình nhà ở xã hội của thành phố; chương trình phát triển các thiết chế nhà công nhân của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Bốn là, khuyến nghị các doanh nghiệp tăng vốn chủ sở hữu để tăng cường nội lực của doanh nghiệp.
Năm là, khuyến nghị các doanh nghiệp xem xét chuyển đổi thành công ty cổ phần để có điều kiện gọi vốn ngoài xã hội; và định hướng trở thành công ty đại chúng, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
Sáu là, khuyến nghị các doanh nghiệp hội đủ điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu dự án, phát hành cổ phiếu, niêm yết chứng khoán ở nước ngoài.
Bẩy là, khuyến nghị các doanh nghiệp hợp tác, liên doanh, liên kết, sáp nhập để hình thành các tập đoàn bất động sản trong nước có năng lực mạnh.
Tám là, khuyến nghị các doanh nghiệp lựa chọn đối tác là các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài có uy tín và năng lực tài chính, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản để hợp tác đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án, nhằm tăng cường nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp.
Chín là, khuyến nghị các doanh nghiệp nghiên cứu để có thể sớm đề xuất Chính phủ cho phép thực hiện chứng khoán hóa bất động sản.
Chỉnh trang đô thị theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Ông Lê Trần Kiên – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM nhận định: TP. HCM là đô thị đặc biệt, là trung tâm thương mại lớn nhất về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ…, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, có sức hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước. Trong những năm qua, công tác quản lý và phát triển đô thị đạt kết quả thiết thực, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Thành phố đã và đang triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó có chương trình đột phá “Chỉnh trang và phát triển đô thị” giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu phấn đấu di dời và tổ chức lại cuộc sống cho hơn 20.00 người dân đang sống trên các ven kênh, rạch. Cải tạo và xây dựng mới, thay thế chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp được xây dựng trước năm 1975.
Để hoàn thành những mục tiêu trên đòi hỏi phải đưa ra những giải pháp kịp thời, hợp lý, đáp ứng nguyện vọng của người dân và nhu cầu phát triển của Thành phố. Có thể khẳng định, chủ trương xã hội hóa để tiết giảm gánh nặng cho ngân sách là hoàn toàn đúng đắn, nhất là trong bối cảnh tình hình khó khăn của ngân sách như hiện nay. Lãnh đạo Thành phố và các Sở ngành, đơn vị tham mưu đang tập trung nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi nhà đầu tư, đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị theo phương thức đối tác công tư (PPP). Do đó, Hội thảo xúc tiến đầu tư các dự án chỉnh trang đô thị do J-CODE và Hiệp hội Bất động sản TP HCM tổ chức lần này để mời gọi các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, mà cụ thể là Nhật Bản, nhằm tạo cơ hội để Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường hơn nữa những hoạt động hợp tác, thu hút các nhà đầu tư, giới thiệu các chính sách thu hút, tham gia đầu tư xây dựng các dự án chỉnh trang đo thị là thực sự ý nghĩa và rất quan trọng – ông Kiên nhấn mạnh.
Chỉnh trang đô thị, cải thiện được cuộc sống cho người dân
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Shinichi Sakaki – Bộ đất đai và hạ tầng giao thông du lịch Nhật Bản, chia sẻ, tôi rất vui mừng được tới Việt Nam và phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “ Chỉnh trang và phát triển đô thị” tại TP HCM trong ngày hôm nay. Có thể nói, TP HCM của Việt Nam là một Thành phố năng động, có nhiều tiềm năng phát trển kinh tế, văn hóa xã hội… Do đó, việc tổ chức hội thảo chỉnh trang và phát triển đô thị là việc làm hết sức ý nghĩa và cần thiết, mang lại giá trị cho bộ mặt Thành phố, thúc đẩy phát triển cho Thành phố, đặc biệt là cải thiện được cuộc sống cho người dân đang sinh sống tại trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh ngày một tốt hơn.
Năm 1980, Nhật Bản đã có kế hoạch này và từ việc chỉnh trang và phát triển đô thị đã giúp cho Nhật Bản tiết kiệm được nguồn ngân sách đáng kể từ chính sách thu hút đầu tư theo phương thức (PPP), và cuộc sống của người dân được nâng lên đáng kể, được sử dụng những tiện ích hiện đại từ việc chỉnh trang đo thị. Vì vậy mong muốn của Nhật Bản lần này rất cần sự nỗ lực của Việt nam và đặc biệt là TP HCM trong việc xây dựng chính sách thu hút, ưu đãi để doanh nghiệp Nhật bản có thể hợp tác đầu tư góp phần đưa đô thị của TP HCM ngày một đẹp hơn.
Ông Yoshimura đại diện J-CODE, chia sẻ: Năm 1890, chúng tôi đã may mắn được Chính phủ Nhật Bản giao cho dự án chỉnh trang khu đô thị Marunouchi. Sau khi được chỉnh trang đô thị thì khu này đã được nâng tầm và phát triển một cách nhanh chóng. Nhiều tiện tích mà người dân và các doanh nghiệp nơi đây đã được hưởng lợi. Hơn 97.000 doanh nghiệp niêm yết và con số lên tới hàng 1.000 tỷ USD, giá đất được nâng cao gấp 5 lần so với các khu vực lân cận thay vì trước đây chỉ là bãi cỏ.
Chưa dừng lại ở đó, hiện nay chúng tôi đang tiếp tục đầu tư vào giao thông và tập trung chủ yếu vào đường sắt, nhà ở để phục vụ nhu cầu cho người dân. Tiếp tục cải tạo các nhà ga, bến xe buýt, và tất cả các dự án này đều thực hiện theo phương thức công tư (PPP). Nói như vậy có nghĩa là, việc TP.HCM thực hiện công tác chỉnh trang đô thị để phát triển, nâng cao cuộc sống người dân là hết sức cần thiết. Vì vậy thông qua buổi hội thảo này, chúng tôi rất mong muốn TP.HCM có những chính sách phù hợp để khuyến khích được các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào phương thức đầu tư PPP, góp phần giảm ngân sách nhà nước, nâng tầm chỉnh trang đô thị và phát triển cho Thành phố.