Di dời hơn 14.000 căn nhà ven kênh rạch bằng vốn đầu tư công được đánh giá là giải pháp hữu hiệu, giải quyết được nhiều tồn tại. Tuy nhiên, đây cũng là áp lực rất lớn trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp.
>>Doanh nghiệp đầu tư NƠXH mong Nhà nước có cơ chế "bù đắp"
Đó là ý kiến của các chuyên gia về những tồn tại trong việc di dời nhà ven kênh rạch trên địa bàn TP.HCM, sau nhiều năm loay hoay với nhiều giải pháp nhưng chưa mang lại kết quả. Trong đó, đề án thí điểm giải quyết cho hộ gia đình có nhà trên và ven kênh rạch được thuê, thuê mua nhà ở xã hội khi nhà nước thực hiện dự án di dời để chỉnh trang đô thị cũng còn nhiều bất cập.
Đề nghị bổ sung vốn đầu tư công trung hạn
Cụ thể, theo thông báo của Văn phòng UBND TP.HCM về kết luận của Phó chủ tịch UBND Bùi Xuân Cường tại cuộc họp chuyên đề về nhà ở xã hội (NƠXH), nhà lưu trú, nhà ở cho công nhân, nhà ven và trên kênh rạch trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở ngành và đơn vị có liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án "Giải pháp thí điểm giải quyết cho hộ gia đình đang có nhà trên và ven kênh rạch được thuê, thuê mua nhà ở xã hội khi Nhà nước thực hiện dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị", đã được UBND TP chấp thuận chủ trương trước đây, bao gồm cập nhật, tiếp cận các quy định pháp luật có liên quan đến luật Đất đai và luật Nhà ở mới.
Đáng chú ý, đề án này trước đó đã được Sở Xây dựng lên kế hoạch dự thảo, lấy ý kiến các sở, ban, ngành từ đầu năm 2024. Đặc biệt, tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016 - 2020, Sở Xây dựng cho rằng, tổng số lượng nhà trên kênh, ven kênh rạch còn lại trên địa bàn TP dự kiến là 21.386 căn.
Vì vậy, TP đặt ra chỉ tiêu giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo phải bồi thường, di dời 6.500 căn, thuộc 17 dự án, gồm: 3 dự án thực hiện mục tiêu kép vừa giải quyết nhu cầu thoát nước để chống ngập, vừa di dời nhà trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị; cùng 14 dự án đã triển khai các bước chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020. Theo phương án bố trí vốn cho tất cả các dự án hiện nay, dự kiến đến hết năm 2025, TP sẽ hoàn tất công tác bồi thường, di dời thêm 4.051 căn nhà trên và ven kênh rạch, đưa tổng số căn thực hiện di dời được của giai đoạn 2021 - 2025 đạt tỷ lệ 76,72% chỉ tiêu đề ra.
Trường hợp UBND TP.HCM chấp thuận bổ sung vào Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và bố trí vốn để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng cho 3 dự án (gồm cải tạo kênh Hy Vọng; nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh; xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường Kênh Tẻ) sẽ nâng tổng số lượng nhà di dời trên và ven kênh rạch trong giai đoạn 2021 - 2025 lên 6.970 căn, đạt tỷ lệ 107,23%. Số lượng nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn TP còn lại dự kiến là 14.416 căn.
>>9 nhóm giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM 6 tháng cuối năm
Cần nghiên cứu phương án di dời
Liên quan đến những tồn tại đối với các dự án trên sông và ven kênh rạch, trao đổi với PV Diễn đàn doanh nghiệp, TS. Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM, cho rằng, nếu áp dụng đầu tư các dự án này theo phương thức đầu tư công sẽ giải quyết được nhiều tồn tại và những bất cập mà bấy lâu nay chúng ta chưa thể xử lý dứt điểm.
Tuy nhiên, đây cũng là thách thức rất lớn trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn. Trong đó, việc tìm kiếm quỹ đất với vị trí thích hợp để di dời, tái định cư, đặc biệt là tái định cư tại chỗ cho các hộ gia đình cũng là một trong những hạn chế và thách thức.
Do đó, TS Thuận cho rằng, để thực hiện mục tiêu này, TP cần phải nghiên cứu kỹ, trong đó, Sở Xây dựng với vai trò là đơn vị tham mưu có vai trò chính trong đề án này cần phải xác định cần rõ, có phương án để giải quyết bài toán căn cơ, đặc biệt là các vướng mắc đang tồn tại về phương án di dời. Trong đó, phương án thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư đối với các trường hợp bị ảnh hưởng theo quy định của luật Đất đai 2024 (dự kiến có hiệu lực thi hành từ 1/8 tới). Từ đó đề ra lộ trình, kế hoạch và đề xuất các phương án, cơ chế để triển khai thực hiện di dời nhà trên và ven kênh rạch, đầu tư xây dựng dự án ở xã hội, nhà ở tái định cư cho người dân.
Song, nhấn mạnh về các giải pháp, TS Thuận cho rằng, việc sử dụng vốn đầu tư công cho các dự án này cần phải có sự ủng hộ mạnh mẽ từ Trung ương. Bởi, nguồn vốn ngân sách này là nguồn ngân sách từ dự án đầu từ Trung ương 100% (không nằm trong phần ngân sách giữ lại 21% của TP), mới có thể xử lý được bài toán này.
Hiến kế về các giải pháp di dời và tái định cư cho người dân, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết luật Nhà ở 2023 đã có quy định cho phép chính quyền, tổ chức mua nhà ở thương mại để bán, cho thuê đối với người tái định cư hay bố trí cho người được tái định cư mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội. Do đó, hiện TP có quỹ nhà tái định cư lớn vẫn đang bỏ không, có thể lấy để bố trí nhà ở cho các hộ dân trên kênh, rạch khi di dời hoặc sử dụng trong giai đoạn tạm cư.
Cũng theo ông Châu, theo só liệu thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, hiện này TP có gần 9.000 căn hộ tái định cư bỏ trống. Trong đó, riêng khu tái định cư Bình Khánh (TP.Thủ Đức) có hơn 5.300 căn không có người ở, dự án Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh) có gần 2.000 căn bỏ hoang. Đặc biệt, khu dự án ở TP.Thủ Đức tương đối phù hợp dùng để tái định cư cho các hộ dân đang ở trên kênh, rạch cần di dời hoặc sử dụng trong giai đoạn tạm cư. Do đó, ông Châu cho rằng, việc đưa các dự án nhà ở xã hội vào cho thuê cũng là giải pháp khắc phục tình trạng bỏ hoang, đồng thời thực hiện được kế hoạch di dời nhà ở trên kênh, rạch và chỉnh trang đô thị, vẹn cả đôi đường.
Có thể bạn quan tâm
03:00, 23/11/2023
05:00, 24/10/2023
11:56, 22/07/2023
21:01, 16/07/2023
14:37, 30/11/2021