TP.HCM sẽ sử dụng “Thẻ xanh COVID” sau ngày 15/9?

Diendandoanhnghiep.vn Sở Y tế TP.HCM vừa có Tờ trình gửi UBND TP.HCM về việc ban hành kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 giai đoạn sau ngày 15/9, trong đó đề cập tới hình thức áp dụng "Thẻ xanh COVID".

Căn cứ vào tình hình thực tiễn và các giải pháp can thiệp, dự đoán sau ngày 15/9 khả năng cao tình hình dịch bệnh của TP.HCM sẽ chuyển từ mức cao sang mức trung bình và sẽ kiểm soát được dịch theo tiêu chí của Bộ Y tế. Theo đó Thành phố sẽ có 7 chiến lược trọng tâm trong giai đoạn này, cụ thể như sau:

TP.HCM sẽ sử dụng

TP.HCM sẽ áp dụng "Thẻ xanh COVID" từ sau ngày 15/9? - Ảnh chứng nhận đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin trên sổ sức khỏe điện tử.

Một là, bao phủ vắc xin cho người dân sinh sống trên địa bàn Thành phố. Tiến tới bao phủ 100% cho người trên 18 tuổi (đủ 2 mũi), trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu, người có nguy cơ cao (có bệnh nền, trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai). Tiến tới triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em có nguy cơ cao (bệnh nền, béo phì) khi có nguồn cung.

Hai là, giãn cách xã hội gắn liền với "thẻ xanh COVID". Từng bước nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội dựa trên đánh giá mức độ nguy cơ, số liệu giám sát dịch tễ và khả năng đáp ứng của ngành y tế để phục hồi sản xuất, cung ứng dịch vụ thiết yếu, lưu thông hàng hóa.

Phân loại các ngành nghề, đơn vị theo khả năng xuất hiện và bùng phát dịch, theo các tiêu chí an toàn để từng bước khôi phục lại hoạt động.

Sử dụng "thẻ xanh COVID-19" cho phép người dân tham gia các hoạt động lao động sản xuất và sinh hoạt xã hội tùy theo mức độ kiểm soát dịch.

Ba là, hiện thực hóa thông điệp "Sống khỏe trong môi trường có dịch". Xây dựng nội dung về thông điệp "Sống khỏe trong môi trường có dịch": Cung cấp kiến thức về dịch bệnh COVID-19 cho người dân về cách phòng ngừa, vắc xin, cách tự làm xét nghiệm khi có triệu chứng nghi ngờ, tự chăm sóc khi mắc bệnh và cách liên hệ với nhân viên y tế khi cần trợ giúp... Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền để nâng cao sự hiểu biết của người dân.

Bốn là, chăm sóc và quản lý F0 dựa vào cộng đồng. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn phải quản lý được danh sách F0 trên địa bàn, sàng lọc đủ điều kiện cách ly tại nhà theo quy định. Đảm bảo 100% F0 tại nhà được chăm sóc và quản lý tại các tuyến y tế cơ sở và được cấp phát đầy đủ túi thuốc (gói A-B và C).

Tư vấn, hướng dẫn F0 tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe mỗi ngày, nhân viên y tế tổ chức khám chữa bệnh từ xa và theo dõi sức khỏe, khám chữa bệnh tại nhà đối với các trường hợp có nguy cơ cao hoặc có triệu chứng. Kịp thời phát hiện và sơ cấp cứu các trườngbhợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng, chuyển viện kịp thời, không để xảy ra trường hợp F0 tử vong tại nhà.

Nhân rộng mô hình hiệu quả về chăm sóc và quản lý F0 dựa vào cộng đồng. Có cơ chế và giải pháp để huy động tối đa mọi nguồn lực trong cộng đồng bao gồm hệ thống y tế tư nhân tham gia công tác chăm sóc F0 tại nhà.

Tính đến nay, TP.HCM đã tiêm được hơn 6,2 triệu liều vắc xin phòng dịch COVID-19 (trong đó hơn 5,8 triệu người đã tiêm mũi 1 và 363.690 người đã tiêm đủ 2 mũi).

Tính đến nay, TP.HCM đã tiêm được hơn 6,2 triệu liều vắc xin phòng dịch COVID-19 (trong đó hơn 5,8 triệu người đã tiêm mũi 1 và 363.690 người đã tiêm đủ 2 mũi) - Ảnh: Độc Lập.

Năm là, nâng cao hiệu quả điều trị, giảm tử vong do COVID-19. Tiếp tục duy trì và nâng cao năng suất hoạt động, củng cố chất lượng điều trị của các cơ sở y tế trong hệ thống 3 tầng điều trị COVID-19 của Thành phố; bảo đảm nguồn nhân lực y tế có đủ về số lượng và có kiến thức chuyên môn cần thiết...

Tùy theo tình hình dịch bệnh, từng bước chuyển đổi dần các bệnh viện Thành phố, quận, huyện trở về chức năng ban đầu để tiếp nhận và điều trị các bệnh lý không phải COVID-19, đồng thời duy trì một số bệnh viện dã chiến để sẵn sàng thu dung điều trị khi dịch tái phát.

Đảm bảo duy trì khu cách ly điều trị dành cho người bệnh COVID-19 với quy mô số giường tối thiểu là 20 - 40 giường có oxy tại tất cả các bệnh viện trên địa bàn Thành phố.

Sáu là, giám sát dịch tễ để sẵn sàng ứng phó khi dịch bùng phát. Tổ chức xét nghiệm cho tất cả những trường hợp nghi ngờ COVID-19. Giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện kịp thời các chùm ca bệnh mới trong cộng đồng. Điều tra, truy vết khi phát hiện ca F0 không rõ nguồn gốc, kiểm soát và ngăn chặn chuỗi lây nhiễm mới.

Giám sát định kỳ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhóm nguy cơ cao như nhân viên y tế, nhân viên giao hàng, tài xế, công an... và vùng nguy cơ cao ít nhất mỗi 7 ngày.

Bảy là, phục hồi hệ thống y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân. Củng cố nguồn nhân lực của hệ thống y tế cơ sở, nhất là trạm y tế, tiếp tục duy trì mô hình trạm y tế lưu động gắn liền với tổ COVID-19 cộng đồng, tổ dân phố.

Tái cấu trúc lại bộ máy, cơ sở vật chất để có thể sẵn sàng đảm bảo 2 chức năng: điều trị các bệnh lý không COVID-19 và bệnh lý COVID-19.

Chú trọng công tác đào tạo nâng cao năng lực hồi sức, chuyên khoa nhiễm bên cạnh việc tiếp tục triển khai các mũi nhọn chuyên sâu của ngành y tế Thành phố. Có cơ chế để hệ thống y tế tư nhân có thể tham gia vào công tác phòng, chống dịch.

Trước đó, tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ vào chiều ngày 7/9, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM có đề xuất về "thẻ xanh vắc xin" và hiện nay nhóm chuyên gia y tế cùng nhóm chuyên gia kinh tế đang phối hợp để thiết kế thẻ này.

Để chuẩn bị cho chính sách kể trên, UBND TP.HCM vừa lập Tổ công tác xây dựng kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau 15/9.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, nguyên tắc để nới lỏng lưu thông, đi lại là người dân tham gia các hoạt động phải an toàn, địa điểm an toàn với tiêu chí được đề xuất dựa trên nền tảng là vắc xin đi kèm với các biện pháp an toàn khác.

Dự kiến, sau ngày 15/9, các công sở, các hoạt động kinh tế, dịch vụ, vận tải... của TP.HCM sẽ áp dụng một số nới lỏng, tuy nhiên Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, muốn mở lại thì chắc chắn phải đáp ứng các điều kiện an toàn. Đồng thời, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng tiếp tục kiến nghị Trung ương cung cấp thêm vắc xin để TP.HCM tiêm đủ mũi 2 cho người dân trên địa bàn trong thời gian sớm nhất.

Với chính sách “thẻ xanh vắc xin” đang lên kế hoạch, TP.HCM cũng cần song song với nhiệm vụ sớm đạt mục tiêu tiêm phủ 100% vắc xin. Từ đó, thành phố mới có thể mở cửa, duy trì kinh tế; đồng thời mới có thể nới lỏng yêu cầu giãn cách xã hội với những người đã tiêm 1-2 mũi vắc xin phòng COVID-19.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM sẽ sử dụng “Thẻ xanh COVID” sau ngày 15/9? tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713482598 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713482598 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10