Giá nhà không ngừng tăng, nguồn cung mới bị tắc nghẽn khiến người có thu nhập trung bình tại TP HCM khó có thể mua nhà.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, vào năm 2012, giá căn hộ tại TP HCM dao động từ 22-25 triệu đồng/m², trong khi căn hộ cao cấp khoảng 30 triệu đồng/m².
Với mức lương trung bình 20 triệu đồng/tháng, người lao động văn phòng khi đó vẫn có thể tính toán để mua nhà. Tuy nhiên, đến năm 2024, giá căn hộ trên thị trường thứ cấp đã tăng gấp đôi, dao động từ 50-65 triệu đồng/m², trong khi lương chỉ tăng nhẹ lên 25 triệu đồng/tháng.
Ông Hiển nhận xét rằng nhóm nhân viên văn phòng - đối tượng có khả năng mua nhà tốt nhất hiện nay cũng rất khó tiếp cận bất động sản. Những vị trí trung tâm TP HCM có giá lên tới 150-200 triệu đồng/m², vượt xa khả năng chi trả của hầu hết người dân.
Cùng nhận định, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cũng cho rằng, thị trường bất động sản hiện tại có nhiều điểm tương đồng với giai đoạn khủng hoảng năm 2011-2012. Khi đó, nguồn cung hạn chế và giá giảm mạnh trước khi phục hồi vào năm 2013. Tuy nhiên, bà Dung nhấn mạnh, thị trường năm 2024 đã khác khi nguồn cung chủ yếu thuộc phân khúc cao cấp và hạng sang, khiến giá căn hộ khó giảm trong tương lai gần.
Trong khi đó, số liệu vừa công bố của Sở Xây dựng TP HCM cho thấy trong 11 tháng của năm 2024 chỉ có 12 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, trong đó chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội. Đáng nói, không có dự án nhà nào được giao đất, cho thuê đất và chỉ có 2 dự án nhà ở thương mại được cấp giấy phép xây dựng.
Số lượng dự án và căn hộ thương mại đang triển khai và đủ điều kiện huy động vốn trong 11 tháng giảm thấp nhất trong giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 11.2024, chỉ 31 dự án với 31.167 căn hộ, bằng khoảng 1/3 trước đây. Trong số này chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện huy động vốn đưa sản phẩm ra thị trường, với 1.611 căn nhà và tất cả đều là nhà ở cao cấp.
Không chỉ dự án ách tắc, hoạt động chuyển nhượng dự án (M&A) cũng không có lối ra khi nhu cầu chuyển nhượng dự án trong thực tế rất lớn của nhiều chủ đầu tư để tái cơ cấu, vượt qua khó khăn, tạo dòng tiền. Đây cũng là "quyền" của doanh nghiệp được tự chủ kinh doanh, nhưng luật Kinh doanh bất động sản 2024 chỉ cho phép dự án được chuyển nhượng khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính đã dẫn đến hạn chế quyền chuyển nhượng dự án của doanh nghiệp là chưa hợp lý và chưa sát thực tiễn.
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng, những con số trên đã cho thấy rõ các vướng mắc trong quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng tại TP HCM.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng bên cạnh việc đẩy nhanh việc thực thi các luật mới, tháo gỡ vướng mắc thủ tục đầu tư dự án, cần có những chính sách đột phá để giải quyết tình trạng giá bất động sản tăng quá cao.
Bà Dương Thùy Dung đề xuất mở rộng hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến metro, để giãn dân ra vùng ngoại ô. Các khu vực như Nhà Bè với giá căn hộ 45-50 triệu đồng/m² sẽ trở nên hấp dẫn hơn nếu được đầu tư đồng bộ.
Còn theo ông Lê Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP HCM, cần đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà bình dân. Hiện nay, thị trường bất động sản như một kim tự tháp ngược với nguồn cung lớn nhất thuộc phân khúc cao cấp, trong khi nhu cầu thực sự của người dân lại nằm ở nhà giá rẻ.
Ông đề xuất tinh giản thủ tục pháp lý để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội, đồng thời tạo điều kiện để họ thấy “lợi nhuận và hạnh phúc khi trao nhà cho người dân”.