Đứng đầu cả nước về xếp hạng năng lực cạnh tranh logistics và hạ tầng logistics, TP HCM được ví là ngọn cờ tiên phong trong ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics.
Phát biểu tại Hội nghị Quốc tế và công bố nền tảng số "E-pricing", ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết, logistics trên địa bàn TP HCM là một lĩnh vực quan trọng mà Thành phố đã xác định là một trong những dư địa phát triển trong hiện tại và tương lai.
Theo ông Hoàng Vũ, trong quy hoạch phát triển của TP HCM, logistics cũng được định vị là một ngành phải đầu tư trong giai đoạn từ 2025 - 2030 và những năm tiếp theo, để logistics phải là động lực trong quá trình tăng trưởng và để TP HCM khai thác được hành lang về giao thông, về lợi thế về không gian kinh tế, là một HUP logistics của khu vực Đông Nam Bộ, của các tỉnh miền Tây và trở thành một trung tâm lớn về logistics của khu vực.
“Những thông tin được cập nhật một cách liên tục, như cảng trung chuyển Quốc tế cần giờ, những tuyến đường, vành đai 3, vành đai 4, đường sắt đô thị và hàng loạt các công trình đã được xác lập sẽ thực hiện trong thời gian sắp tới, đã thể hiện quyết tâm của Thành phố và của Trung ương trong xây dựng nền tảng phát triển kinh tế, trong đó có nền tảng logistics”, ông Vũ chia sẻ.
Cũng theo ông Vũ, tổng doanh thu về logistics trên địa bàn TP HCM năm 2024 được ước tính khoảng 180.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% GRDP của TP HCM. Về chi phí về logistics, nếu như trước đây là khoảng 20% GRDP, thì hiện nay con số này nó đang giảm và Thủ tướng cũng yêu cầu phải giảm mạnh mẽ hơn nữa để tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp, đồng thời giảm về chi phí, giá thành để giúp cho doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh.
Về chuyển đổi số, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM Bùi Tá Hoàng Vũ đánh giá đây cũng là một trong những giải pháp rất quan trọng mà ngành logistics TP HCM đã xác lập trong đề án phát triển của Thành phố.
“Việc tích hợp về thông tin, những quy định về xuất nhập khẩu, về pháp lý,..của từng quốc gia, từng điểm đến trong nền tảng số "E-pricing" sẽ trở thành một giá trị sử dụng chung mà các doanh nghiệp cũng như người dùng logistics trên địa bàn TP HCM cũng như cả nước có thể khai thác trong thời gian tới”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ đánh giá.
Theo PGS TS Tô Thị Thu Hòa – Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI), có 5 hợp phần chính cấu thành lên một hệ thống Logistics của một quốc gia. Đầu tiên là liên quan đến những vấn đề về chính sách, về pháp lý. Tiếp theo là liên quan tới vấn đề về hạ tầng, bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, trong đó, hạ tầng mềm là về công nghệ và về chuyển đổi số.
Thứ ba, liên quan tới 2 đối tượng rất quan trọng để xây dựng lên một hệ thống logistics, đó là người sử dụng dịch vụ và cộng đồng những người cung cấp các dịch vụ logistics.
Thứ tư, là phát triển nguồn nhân lực. Đây là một hợp phần rất quan trọng để chúng ta có thể gắn kết tất cả các hệ thống lại với nhau, để có được một hệ thống logistics hiệu quả hướng tới cung cấp các dịch vụ cho các chuỗi cung ứng.
PGS TS Tô Thị Thu Hòa cho biết, theo báo cáo năm 2023, báo cáo định kỳ 2 năm một lần của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam đã được xếp vào vị trí 43 trên tổng số 160 quốc gia trên toàn thế giới về hiệu quả hoạt động của ngành logistics.
“Điều đó cho chúng ta thấy rằng, bạn bè quốc tế sẽ có niềm tin trong việc hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp Logistics Việt Nam. Bởi chúng ta đang ở một vị trí cũng rất quan trọng là nằm trong TOP 50 các nước có ngành logistics phát triển trên thị trường thế giới”, bà Hòa đánh giá.
Bên cạnh đó, trong năm 2023, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam cũng có báo cáo đánh giá về năng lực cạnh tranh logistics của các địa phương của Việt Nam. Trong đó, có 26 tỉnh thành có hoạt động logistics sôi động được chọn để đánh giá, kết quả, TP HCM được các doanh nghiệp đánh giá là đứng số 1 cả nước về xếp hạng năng lực cạnh tranh logistics.Điều đó cho chúng ta thấy thêm một động lực trong việc phát triển logistics tại TP HCM.
“Hiện nay số lượng doanh nghiệp logistics tại TP HCM chiếm khoảng hơn 50% của cả nước. Đặc biệt là về hạ tầng (hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, TP HCM cũng được đánh giá ở vị trí số 1 trong số 26 tỉnh, thành được chọn trong đợt xếp hạng này. Điều này cũng cho thấy, TP HCM là ngọn cờ tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ và ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics”, PGS TS Tô Thị Thu Hòa đánh giá.
Đồng thời, bà cũng cho rằng, tại TP HCM cũng đang triển khai các chương trình, ứng dụng để có thể tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc sử dụng các dữ liệu để ứng dụng vào trong hoạt động kinh doanh. Đặc biệt là ứng dụng liên quan tới vấn đề phát triển bản đồ số thể hiện các hạ tầng, các kho hàng, các trung tâm phân phối logistics, từ đó giúp cho các doanh nghiệp, các chuỗi cung ứng có thể biết được thông tin của các hạ tầng logistics. Qua đó, sẽ có sự lựa chọn phù hợp về mặt thời gian, quãng đường… giúp các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics có thể kết nối được với nhau thông qua các nền tảng được phát triển bởi cơ quan quản lý Nhà nước.