TPHCM đã nghiên cứu nguồn vốn cho 6 tuyến metro, gồm: nguồn đầu tư công từ ngân sách TP; phát triển đô thị TOD; huy động vốn BT theo nghị quyết 98...
Xin giữ lại phần thu vượt ngân sách
Theo Đề án metro và mục tiêu từ nay đến năm 2035, TPHCM sẽ xây dựng và hoàn thành khoảng 183km với 6 tuyến đường sắt đô thị. Đến năm 2045 làm thêm 168km để nâng tổng chiều dài lên hơn 351km. Và toàn bộ hệ thống với chiều dài hơn 510km sẽ được hoàn thành vào năm 2060. Đề án dự kiến sẽ trình Bộ Chính trị thống nhất chủ trương trong quý 4/2024. Và trong quý 1/2025, Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để hoàn thành mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị TPHCM vào năm 2035. Giai đoạn 2025 - 2026 sẽ trình thông qua chủ trương đầu tư toàn bộ 6 tuyến. Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện trong giai đoạn năm 2027 - 2028. TP dự kiến khởi công tuyến đầu tiên bắt đầu từ năm 2028 và lần lượt các tuyến cho đến hết năm 2028 và hoàn thành vào năm 2035.
Đặc biệt, trong báo cáo gửi Bộ Tài chính về đánh giá tác động nợ công khi thực hiện đề án metro, UBND TPHCM cho biết các khoản tăng thu ngân sách trung ương từ nguồn thu phân chia theo tỉ lệ trung ương 79% và TPHCM 21%. Trong đó, phần tăng thu của trung ương sẽ điều tiết về ngân sách trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định thưởng vượt dự toán. Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu vốn làm đường sắt đô thị, TPHCM đề xuất giữ lại số tăng thu này để làm metro. Việc này vẫn đảm bảo phần thu 79% của ngân sách trung ương. Và nếu đề án được thông qua, ước tính số vốn cần huy động từ nay đến 2035 khoảng 898.103 tỉ đồng (hơn 37,4 tỉ USD). Từ cơ sở trên, TPHCM đề xuất giữ lại số thu ngân sách vượt dự toán đối với phần thu chia sẻ giữa Trung ương và địa phương giai đoạn 2026 - 2030 để làm đường sắt đô thị.
Đề xuất này nhận được sự đồng tình của các chuyên gia tài chính, giao thông vận tải, bởi càng đầu tư cho hạ tầng, số thu ngân sách càng tăng và TP sẽ đóng góp nhiều thêm cho sự phát triển của đất nước.
Theo TS Nguyễn Viết Thuận – Viện trưởng Viện kinh tế Tài nguyên và Môi trường TPHCM, việc TPHCM xin được giữ lại phần ngân sách thu vượt dự toán để làm metro là hoàn toàn khả thi. Bởi, trong những năm qua, TPHCM đang đối mặt với quá tải hạ tầng, trong khi giao thông công cộng vẫn chưa thể đáp ứng. Điều này dẫn tới các vấn đề kẹt xe, ngập nước... gây thiệt hại kinh tế đáng kể. Do đó, hệ thống metro được đầu tư hoàn thiện sẽ giúp giải quyết những vấn đề trên, thay đổi bộ mặt đô thị và thúc đẩy TPHCM phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
"Việc sử dụng nguồn ngân sách thu vượt dự toán để làm metro có thể thấy là cơ hội giải quyết bớt khó khăn về nguồn vốn làm hạ tầng. Kinh phí để hoàn thiện hệ thống metro là khá lớn nên cần tính toán thêm vốn từ những nguồn khác. Trong đó, có thể kể đến phát hành trái phiếu huy động vốn từ trong nước để phát triển giao thông công cộng đem lại lợi ích cho người dân. Tuy nhiên, muốn thu hút tổ chức tài chính tham gia nắm giữ trái phiếu thì Nhà nước cần đảm bảo lợi ích bền vững, lãi suất hấp dẫn...", TS Nguyễn Viết Thuận nhấn mạnh.
Đã nghiên cứu nguồn vốn cho 6 tuyến đường sắt đô thị
Đáng chú ý, báo cáo về nguồn vốn thực hiện, UBND TPHCM cho rằng đề án xác định ngân sách nhà nước sẽ giữ vai trò chủ đạo trong hành trình đầu tư, hoàn thiện mạng lưới metro. Do đó, để đầu tư đồng loạt 6 tuyến metro từ nay đến 2035, TPHCM đã nghiên cứu sáu nguồn vốn, gồm: nguồn đầu tư công từ ngân sách TP 172.064 tỉ đồng; nguồn thu từ phát triển đô thị theo hình thức TOD dự kiến mang về khoảng 120.529 tỉ đồng, tương đương 5 tỉ USD; Cơ chế huy động vốn từ BT (trả chậm) theo nghị quyết 98 khoảng 4,1 tỉ USD.
Kế đến là huy động từ vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho vay lại. Dự kiến huy động vốn từ trái phiếu địa phương khoảng 10.000 - 30.000 tỉ đồng/năm cho giai đoạn 2027 - 2034 để dành riêng cho phát triển đường sắt đô thị. Và nếu vay trái phiếu chính quyền địa phương theo kế hoạch của đề án là 155.000 tỉ đồng thì hạn mức dư nợ của TP vẫn đảm bảo trong giới hạn 120% số thu điều tiết ngân sách địa phương theo quy định. Ước tính từ nay đến 2035, số vốn huy động từ nguồn này 160.064 tỉ đồng, tương đương khoảng 6,6 tỉ USD.
Nhận xét về đề xuất của TPHCM trong việc giữ lại nguôn thu ngân sách vượt, PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng - nguyên phó hiệu trưởng Trường đại học Giao thông vận tải TPHCM, cho rằng việc TPHCM đề xuất giữ lại phần ngân sách thu vượt kế hoạch và phát hành trái phiếu để làm metro là rất cần thiết. Bởi, trong thời gian qua, một số dự án sử dụng nguồn vốn ODA cũng đã gặp một số vướng mắc và bất cập. Khi tự chủ nguồn vốn, chúng ta sẽ tự chủ về công nghệ làm metro và góp phần phát triển ngành công nghiệp đường sắt.
"Việc phát hành trái phiếu, TPHCM sẽ huy động được nguồn vốn làm metro, thậm chí là những công trình trọng điểm khác nữa. Người dân chắc chắn sẽ ủng hộ bởi đây là đầu tư lâu dài, bền vững. Tuy nhiên, TP phải cân đối về các khoản thu, chi, hoàn trả khoản vay khi đáo hạn cho phù hợp để đem lại hiệu quả cao", ông Hoàng nói.