Trải nghiệm “tinh hoa của núi rừng”

THUỲ LINH 22/12/2022 11:00

Xác định du lịch là một trong ba khâu đột phá về phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tuyên Quang đã và đang phát huy tiềm năng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.

>>Du lịch Tuyên Quang “cất cánh”

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang với Diễn đàn Doanh nghiệp.

- Thưa ông, với phong cảnh hữu tình, núi non hùng vĩ, nhiều di tích lịch sử, văn hóa... tỉnh Tuyên Quang có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch?

Tuyên Quang có vị trí chiến lược quan trọng, nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Trong Cách mạng Tháng Tám và thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Tuyên Quang vinh dự được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm "Thủ đô Khu giải phóng”, Thủ đô kháng chiến", nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh dân tộc.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào tại Tuyên Quang với hơn 600 di tích lịch sử văn hóa, được đánh giá là bảo tàng sống, là kho tư liệu vô giá của lịch sử Cách Mạng Việt Nam. Khu di tích nằm trong hệ thống di tích lịch sử Cách mạng Việt Nam, quan trong bậc nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20, trong đó, có những di tích đặc biệt đã đi vào huyền thoại như Lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào… đó là những di tích không thể thiếu trong hành trình tham quan, nghiên cứu, học tập của du khách trong và ngoài nước.

Tuyên Quang còn là vùng đất "sơn thủy hữu tình", nhiều danh lam, thắng cảnh, tiêu biểu là Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình nằm giữa những cánh rừng nguyên sinh đại ngàn, dọc đôi bờ sông Gâm và sông Năng. Tuyên Quang có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, hệ thống hang động, thác nước độc đáo, kỳ thú, những dãy núi trùng điệp nối tiếp nhau và những đảo đá vôi được ví như “Vịnh Hạ Long trên núi”…

Đến nay, Tuyên Quang có 12 di sản được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, Công trình Quảng trường Nguyễn Tất Thành - Tinh hoa của núi rừng đã được trao Giải thưởng "Phong cảnh thành phố châu Á" (Asian Townscape Awards) năm 2022. Đây cũng là công trình duy nhất trong cả nước đạt được giải thưởng danh giá này.

- Du lịch xanh, gắn với giữ gìn và bảo tồn thiên nhiên đang là mục tiêu của ngành du lịch Tuyên Quang, thưa ông?

Đúng vậy. Thời gian qua, trong bối cảnh thích ứng linh hoạt với dịch bệnh Covid-19, công tác phát triển du lịch của tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Từ đầu năm 2022 đến nay, Tuyên Quang đã thu hút được trên 2,2 triệu lượt khách, đạt 99% kế hoạch năm, tăng 63% so với cùng kỳ 2021. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 2.300 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch năm, tăng 74% so với cùng kỳ. Tỉnh cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, xây dựng Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí khu du lịch Quốc gia; Khu Du lịch suối khoáng Mỹ Lâm thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp; Phát triển Lễ hội Thành Tuyên thành sản phẩm đặc trưng, riêng có, mang thương hiệu quốc gia; Danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình thành trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và khám phá có thương hiệu quốc gia, tiến tới quốc tế…

>>Nhiều giải pháp kích cầu du lịch Tuyên Quang

 Na Hang không những có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn là nơi có rất nhiều lễ hội và đặc sản hấp dẫn.

Na Hang không những có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn là nơi có rất nhiều lễ hội và đặc sản hấp dẫn.

- Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh sẽ tập trung vào những giải pháp nào thưa ông?

Trước hết, tỉnh sẽ thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch; từng bước phát triển đồng bộ hạ tầng các khu, điểm du lịch quan trọng như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, khu du lịch Na Hang - Lâm Bình...

Thứ 2, nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm du lịch, ưu tiên các sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có đáp ứng thị trường như: Du lịch lịch sử, nghỉ dưỡng, tâm linh, lễ hội, sinh thái, cộng đồng… Gắn kết chặt chẽ việc phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc…

Thứ 3, đẩy mạnh ứng dụng KHCN, nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch, tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch…

Thứ 4, tạo môi trường thuận lợi, để thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư, khai thác hoạt động du lịch, dịch vụ tại tỉnh, nhất là các dự án có quy mô lớn, khách sạn, khu giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn liền với sản xuất nông nghiệp...

Thứ 5, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, tăng cường quản lý, bảo vệ cảnh quan, môi trường hệ sinh thái, tại các khu, điểm di tích, khu bảo tồn thiên nhiên, hạn chế các hoạt động có tác động tiêu cực đến cảnh quan, môi trường…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục tập trung đầu tư hệ thống đường giao thông kết nối liên vùng, liên tỉnh, trong đó có đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với cao tốc Hà Nội – Lào Cai, cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang… rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại cho du khách.

Tuyên Quang đã và đang nỗ lực hết mình để cải thiện, phát triển môi trường du lịch của tỉnh theo hướng thân thiện, an toàn, đa dạng, hấp dẫn.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Hiệp hội Doanh nghiệp Tuyên Quang: Cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp và chính quyền

    Hiệp hội Doanh nghiệp Tuyên Quang: Cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp và chính quyền

    15:46, 23/10/2022

  • Tuyên Quang: Nâng cao chỉ sốp/tiếp cận đất đai

    Tuyên Quang: Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai

    18:53, 22/10/2022

  • Tuyên Quang: Đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư

    Tuyên Quang: Đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư

    17:02, 22/10/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trải nghiệm “tinh hoa của núi rừng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO