Mỗi văn bản pháp luật như là một con lăn trong chiếc băng tải, nó hoạch định hành lang pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động.
Thực tế cho thấy, phát triển kinh tế tư nhân chính là phương thức quan trọng để giải phóng sức sản xuất, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển đất nước. Chính phủ cũng đã làm rất nhiều để xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Tuy nhiên, để kinh tế tư nhân cất cánh, thực sự trở thành động lực và rường cột của nền kinh tế quốc dân, còn không ít nút thắt cần tháo gỡ, mà một trong số đó chính là thủ tục hành chính.
Có thể bạn quan tâm
13:49, 06/05/2019
21:57, 26/04/2019
18:11, 02/04/2019
13:30, 16/01/2019
Ông Tạ Quyết Thắng – Tổng giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường, người đã từng viết tâm thư lên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng giãi bày trăn trở về những vướng mắc thủ tục hành chính mà công ty ông cũng như các DNNVV luôn mắc phải.
Ông Thắng chia sẻ với DĐDN: “Chúng ta hình dung, mỗi văn bản pháp luật như là một con lăn trong chiếc băng tải, nó hoạch định hành lang pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động. Mỗi một băng tải có kích cỡ và tốc độ khác nhau, đặc trưng cho từng lĩnh vực khác nhau. Hàng loạt các hệ thống băng tải đó cùng hoạt động mà không cái nào gây ảnh hưởng đến cái nào mà ngược lại nó còn tương tác với nhau. Đây chính là một hệ thống văn bản pháp luật hoàn chỉnh khoa học. Nhưng rất tiếc hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta lại chưa thể được như vậy”.
Theo ông Thắng, một số đạo luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường hay PCCC còn lạc hậu, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp. Nhưng rất tiếc không một cơ quan nào nghĩ tới việc tổng kết xem lại tác dụng thật của các luật này trong thời gian qua được gì và mất gì.
Hệ thống pháp luật từ luật, nghị định, các thông tư rất nhiều, nhưng vừa thừa lại vừa thiếu, không đồng bộ, nhiều bất cập, ẩn chứa nhiều mâu thuẫn và thiếu tính khả thi. Vì vậy, các doanh nghiệp cứ loay hoay giữa rừng thủ tục không thể hoạt động tốt được.
Ông Thắng nêu ví dụ, công ty ông phải vượt qua đến 38 quy định để có giấy chứng nhận PCCC, trong khi doanh nghiệp sản xuất bê tông, gần như không hề có nguy cơ cháy nổ. Hay một việc khác, công ty đã cố gắng làm tất cả các thủ tục cần thiết để xin giấy phép xây dựng một nhà máy bê tông nhưng không thể chờ đợi được. Cực chẳng đã doanh nghiệp đành xây dựng không phép. Chỉ sau 8 tháng nhà máy đã hoàn thành đi vào hoạt động nhưng phải mất gần 3 năm sau, cách đây mấy tháng, công ty mới nhận được giấy phép xây dựng.
"Có thể chúng ta chưa đánh giá đúng mức vai trò của các văn bản pháp quy đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Khi ban hành các văn bản cơ quan chức năng chỉ đi theo một chiều, nặng về đáp ứng yêu cầu quản lý nên hoàn toàn không hội tụ đủ các yếu tố khách quan, mất tính khoa học. Đội ngũ những công chức nghiên cứu soạn thảo các văn bản này chưa đủ kiến thức thực tế" - theo ông Tạ Quyết Thắng.
Ngoài ra, một vấn đề khác, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ khu vực DNNVV. Nhưng không phải ở đâu và lúc nào những DNNVV cũng được đối xử công bằng với các doanh nghiệp lớn. Tại Hải Phòng, Quảng Ninh và không ít địa phương đã xuất hiện tiếng kêu, tập đoàn kinh tế tư nhân lớn được địa phương trải thảm đỏ chào đón, còn các DNNVV thì để “tự bơi” giữa muôn vàn song gió. Doanh nghiệp lớn thì được “tiền trảm hậu tấu” trong những thủ tục hành chính còn DNNVV chìm đắm trong rừng thủ tục về đất đai, giấy phép xây dựng, môi trường…
Những ách tắc trong thủ tục hành chính đã kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Gỡ bỏ bằng được nút thắt đó mới mong mở đường cho các doanh nghiệp tư nhân cất cánh, phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.