Nếu không quản lý chặt chẽ thì rất có thể dẫn đến các trường hợp lạm dụng việc dùng vũ khí gây hậu quả đáng tiếc.
Thời gian gần đây xuất hiện nhiều vụ chống đối lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ với tính chất côn đồ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí là tính mạng của các cán bộ, chiến sĩ CSGT.
Do đó, Bộ Công an đã đề xuất Dự thảo quy định quyền hạn, chức năng, hình thức, nội dung tuần tra kiểm soát trên đường của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) để lấy ý kiến đóng góp.
Đáng chú ý, trong Dự thảo có đề xuất nội dung CSGT được trang bị thêm súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, đã và đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận những ngày qua.
Theo đó, có ý kiến cho rằng việc trang bị súng trường và tiểu liên cho lực lượng CSGT có thể phần nào giúp giảm tình trạng này và có lẽ Bộ Công an cũng đã tiếp thu từ thực tiễn nên đã có đề xuất trên.
Thế nhưng, việc giải quyết bài toán xử lý một số đối tượng có thái độ coi thường pháp luật quá mức cũng cần phải được luật hóa cụ thể. Thực tế, tình huống xảy ra ở ngoài hiện trường thì quy định không thể bao quát được hết. Dù bản thân mỗi CSGT trước khi làm nhiệm vụ ở các chốt cũng đã được huấn luyện rất kỹ về nghiệp vụ. Nhưng có thể vẫn có những sai sót khi thực hiện, không ai có thể hoàn thành tốt 100% trong cả quá trình công tác của mình.
Liên quan đến vấn đề này, rất nhiều ý kiến chuyên gia tỏ vẻ không đồng tình vì cho rằng việc trang bị súng trường, tiểu liên cho lực lượng này là không cần thiết và phải hết sức thận trọng và cân nhắc.
Vì chúng ta đã có các lực lượng cảnh sát khác nhau: An ninh, kinh tế, ma túy, trật tự, cơ động, vũ trang... khi các đối tượng vi phạm thì liên quan lĩnh vực nào thì cảnh sát lĩnh vực đó xử lý. Hơn nữa, danh hiệu Công an nhân dân đã nói lên tất cả. CSGT là bảo vệ pháp luật giao thông nói chung, có chế tài phù hợp với người vi phạm. Đối tượng làm việc của CSGT với dân là chính, vậy CSGT dùng súng với dân để làm gì?
Còn nói đến cái gọi là rủi ro nghề nghiệp thì ngành nghề nào cũng có. CSGT cũng thế, nhưng lực lượng này cũng được đền đáp bằng việc hưởng các chế độ đặc biệt, công nhận liệt sĩ... nghĩa là lực lượng CSGT đã được bảo vệ, đã được ghi nhận khi gặp rủi ro trong nghề nghiệp hơn những ngành nghề khác rồi, không nhất thiết phải trang bị thêm súng bảo vệ mình nữa.
Theo ông Lê Việt Trường - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thì “CSGT không nên được trang bị vũ khí quân dụng, bởi đây là loại vũ khí gây ra khả năng sát thương rất lớn. Trong khi, nhiệm vụ chính của lực lượng CSGT là đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Khi xảy ra vi phạm giao thông thì tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với người vi phạm, đối tượng chính tác động tới là người dân tham gia giao thông. Cần phải xem tính chất, nhiệm vụ, đối tượng quản lý của CSGT là ai?”
“Vũ khí như súng ngắn, súng trường theo tôi hiểu thì được sử dụng khi lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt, và để tự vệ lúc cần thiết. Nếu CSGT trong khi tuần tra kiểm soát trên đường được trang bị những vũ khí như vậy thì cần phải hết sức cân nhắc. Nếu không quản lý chặt chẽ thì rất có thể dẫn đến các trường hợp lạm dụng việc dùng vũ khí gây hậu quả đáng tiếc” - PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu quốc hội khóa XIII cũng nêu quan điểm.
Chúng ta đừng nhìn qua môi trường sống của nước Mỹ hoặc một số nước phương Tây mà biện minh cho lý luận cần phải trang bị súng cho CSGT. Bởi môi trường, chế độ… của họ khác Việt Nam. Ví như, nước Mỹ chỉ chiếm 4% dân số thế giới nhưng họ lại sở hữu tới 40% số lượng súng đạn trên toàn cầu. Đặc biệt là nó nằm ở văn hóa sở hữu súng của người Mỹ khi có tới 74% số người sở hữu súng tại Mỹ cho rằng quyền sở hữu súng là cần thiết đối với sự tự do của họ.
Một hệ lụy kéo theo là bạo lực súng đạn trở thành vấn đề gây nhức nhối tại Mỹ từ lâu, song việc siết chặt quy định sở hữu súng vẫn là vấn đề chính trị gây tranh cãi và chia rẽ ở nước này. Cho đến nay, các nhà lập pháp Mỹ vẫn chưa đưa ra được hành động cụ thể nào để quản lý súng đạn.
Thay vào đó, chúng ta hãy nhìn gần hơn một chút là môi trường, luật pháp của nước Nhật Bản mà học hỏi. Cảnh sát Nhật không được phép mang theo súng dự phòng như cảnh sát Mỹ. Nhiều khi họ mang theo đèn pin hoặc còng tay để trong bao súng ngụy trang làm khẩu thứ hai. Khi không làm nhiệm vụ, cảnh sát không được phép mang theo súng. Những nhân viên cảnh sát ngồi bàn giấy, cảnh sát giao thông, thám tử mặc thường phục không được mang súng.
Thay vì dùng súng, cảnh sát Nhật thường dùng võ thuật trong các trường hợp không cần thiết sử dụng vũ khí. Họ được huấn luyện 90 giờ võ judo và 90 giờ võ kendo so với 60 giờ đào tạo sử dụng súng. 60% cảnh sát Nhật có đai đen judo.
Nói ra những điều đó để thấy rằng, đừng có tuyệt đối hóa mọi thứ, các đối tượng hung hãn, giang hồ, phạm tội… suy cho cùng cũng chỉ là thiểu số trong dân, và CSGT cũng có các công cụ hỗ trợ đảm bảo để làm nhiệm vụ như súng cao su, roi điện, súng phóng điện, dùi cui nhựa…là đủ.
Nên, quan trọng nhất vẫn là huấn luyện kỹ năng võ thuật, nghiệp vụ, nắm vững pháp luật, quy trình công tác cho CSGT, hơn là trang bị vũ khí quân dụng cho CSGT - lực lượng thường xuyên phải “va chạm” với dân.