Liệu các doanh nghiệp FDI hoạt động lỗ liên tục nhưng vẫn mở rộng đầu tư có đang thực hiện các hoạt động chuyển giá để tránh phải nộp thuế?
LTS: Kiểm toán nhà nước vừa công bố: 50% về doanh nghiệp FDI hoạt động lỗ liên tục nhưng vẫn mở rộng đầu tư. Điều này khiến dư luận tiếp tục đặt câu hỏi: Liệu các công ty này đang muốn biến Việt Nam thành “thiên đường thuế”?
Không loại trừ khả năng chuyển giá của các doanh nghiệp FDI có thể làm giảm tỷ trọng đóng góp vào ngân sách Nhà nước, trong khi tỷ trọng của khu vực này trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa hàng năm là khoảng 60%.
Thành công trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 đã mang lại một cơ hội vàng thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho Việt Nam, khi ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia coi đây là miền đất lành để dịch chuyển đầu tư tới. Nhưng để biến cơ hội vàng thực sự thành vàng thật, rất cần loại bỏ một loại “virus” khác - đó là “virus” chuyển giá.
Thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) liên tục không đạt dự toán (năm 2018 hụt 14,6%, năm 2019 hụt 1,6%). Không những vậy, số liệu được Kiểm toán Nhà nước công bố mới đây cho thấy, mỗi năm có khoảng từ 40%- 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp lỗ liên tục trong nhiều năm. Một số địa phương thu hút nhiều doanh nghiệp FDI như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, tỉ lệ doanh nghiệp FDI kê khai lỗ lên đến 50% - 60%. Điều đáng chú ý là mặc dù lỗ, thậm chí lỗ luỹ kế đến mức âm vốn nhưng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh thay vì phá sản, đóng cửa sản xuất.
Tỷ lệ doanh nghiệp FDI hoạt động lỗ liên tục nhưng vẫn mở rộng đầu tư cao như vậy đã đặt ra một câu hỏi: Liệu các công ty này có đang thực hiện các hoạt động chuyển giá để tránh phải nộp thuế?
Kết quả thanh tra của cơ quan quản lý thuế năm 2019 đã phần nào đưa ra câu trả lời. Trong năm 2019, Tổng cục Thuế đã kiến nghị truy thu số thuế rất lớn đối với một số doanh nghiệp FDI. Đơn cử, Công ty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd (trụ sở tại Singapore) ký hợp đồng chuyển nhượng 100% cổ phần tại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Hà Nội cho Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam với trị giá hơn 4.800 tỷ đồng.
Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam đã nộp (thay) tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp với số thuế gần 823 tỷ đồng, nhưng Công ty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd sau đó có văn bản gửi Cục Thuế TP. Hà Nội đề xuất được miễn, giảm số thuế nói trên theo Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Chính phủ Việt Nam - Singapore.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế) kết luận Công ty Heineken phải nộp thuế tại Việt Nam nên số tiền 823 tỷ đồng sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước. Ngân hàng Standard Chartered bị truy thu và phạt 19,05 tỷ đồng. Và Công ty Coca-Cola Việt Nam bị truy thu 821,4 tỷ đồng, trong đó các loại thuế 471 tỷ đồng. Trước đó, hoạt động kinh doanh của Coca-Cola Việt Nam cũng đã đặt ra nhiều dấu hỏi, khi tập đoàn đến từ Mỹ có tới 20 năm liên tục thua lỗ ở thị trường Việt Nam. Số tiền thua lỗ của Coca-Cola tính tới cuối năm 2012 lên đến 3.768 tỷ đồng, cao hơn cả số tiền đầu tư ban đầu của tập đoàn này.
Cũng trong năm 2019, Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh thưc hiện thanh tra kiểm soát hoạt động chuyển giá đối với 40 doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Kết quả là cả 40 doanh nghiệp đều bị truy thu thuế, sau khi đã điều chỉnh giảm lỗ 271,4 tỷ đồng.
Ông Đào Văn Dũng, Kiểm toán trưởng tại Kiểm toán Nhà nước, cho biết rất khó xác định hành vi chuyển giá tại các doanh nghiệp FDI, do chưa có quy định rõ ràng về cách xác định giá giao dịch liên kết đối với các doanh nghiệp khi có mối quan hệ với các công ty trong cũng tập đoàn.
“Cơ sở pháp lý hiện nay đều hướng dẫn chi tiết phương pháp xác định giá thị trường nhưng các hướng dẫn này đều mang tính lý thuyết; mặt khác quy định còn yêu cầu các tài liệu, chứng từ, dữ liệu sử dụng làm căn cứ phân tích phải là các thông tin công khai và có nguồn gốc xuất xứ được chấp thuận. Tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam các cơ quan có thẩm quyền không thể tiếp cận được báo cáo tài chính, báo cáo thường niên của các doanh nghiệp”, ông Dũng khẳng định.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cho biết thêm, Việt Nam chưa xây dựng hoàn thiện được cơ sở dữ liệu về giá cả của các loại hàng hóa được giao dịch giữa các công ty độc lập và công ty liên kết với nhau. Vì vậy, khi một nghiệp vụ mua bán nội bộ xảy ra, các cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc tìm kiếm một nghiệp vụ mua bán tương đương để so sánh.
Còn theo TS Bùi Thị Minh Hải (Trường đại học Kinh tế quốc dân), ngay cả với những doanh nghiệp FDI chi mua máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguyên vật liệu… từ bên liên kết với tỷ trọng lớn dù không đến mức tạo nên lỗ nhưng cũng không loại trừ vẫn có hoạt động chuyển giá nếu các loại máy móc, thiết bị... đó có thể mua ở nước sở tại nhưng doanh nghiệp FDI vẫn cứ mua ở doanh nghiệp liên kết.
Bà Hải cảnh báo, với những loại nguyên vật liệu, dịch vụ đào tạo, dịch vụ tư vấn… có tính đặc thù (do độc quyền), trên thị trường không có đối tượng có tính so sánh được và doanh nghiệp FDI có giao dịch với bên liên kết có trụ sở ở “thiên đường thuế” thì khả năng chuyển giá để trốn thuế là vô cùng lớn.
Chính vì vậy, để có thể tận dụng được tốt nhất những lợi ích mà các doanh nghiệp FDI mang lại rất cần có những biện pháp mạnh tay và quyết liệt hơn để chống hoạt động chuyển giá.
Có thể bạn quan tâm
05:01, 30/04/2020
14:00, 28/04/2020
09:56, 21/01/2020
05:40, 17/01/2020