Tranh cãi Dự án Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (Kỳ cuối): Không thể cầu toàn

Huỳnh Khởi 22/09/2018 02:28

Hiệu quả kinh tế - xã hội từ Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đến đâu là một trong những vấn đề cốt yếu mà các nhà khoa học đang tập trung phản biện.

Theo GS.TS Tăng Đức Thắng, Phó giám đốc Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam: Đối với vùng Bán đảo Cà Mau (BĐCM) nói chung và vùng dự án nói riêng đang tồn tại một số hạn chế.

p/Vị trí vùng dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé trong khu vực ĐBSCL.

Vị trí vùng dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé trong khu vực ĐBSCL.

Xung đột nguồn nước mặn - ngọt

Vùng sản xuất theo hệ sinh thái ngọt là chủ đạo (Vùng Tây Sông Hậu) nhưng thường bị mặn xâm nhập (tần suất 50%; mặn xâm nhập bất thường theo một số thời điểm trong mùa khô) và thiếu nước ngọt vào đầu và cuối vụ để sản xuất.

Vùng sản xuất theo hệ sinh thái mặn (Vùng chuyên tôm ven biển Kiên Giang, Cà Mau, huyện Hồng Dân tỉnh Bạc Liêu) có những thời điểm trong năm độ mặn quá cao gây khó khăn cho sản xuất và thiếu nguồn nước ngọt để pha loãng nuôi tôm.

Vùng sinh thái mặn - ngọt luân phiên (tôm - lúa) thuộc khu vực An Minh, An Biên Kiên Giang: Có những thời điểm khi cần nước ngọt cho lúa thì lại bị mặn xâm nhập, khi cần nước mặn thích hợp để nuôi tôm thì độ mặn lại quá cao.

Để khắc phục tình trạng thiếu ngọt, thừa mặn, người dân trong vùng đã và đang khai thác nước ngầm quá mức, thiếu kiểm soát và quản lý, gây lún sụt đất gia tăng ngày càng nghiêm trọng hơn.

Từ trước cho tới nay để giải quyết xung đột, tranh chấp nguồn nước mặn – ngọt, giải pháp được các địa phương và người dân áp dụng là đắp đập tạm tại những vị trí chưa có cống để kiểm soát mặn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc đắp đập tạm chỉ giải quyết mâu thuẫn một cách tạm thời, mang tính thời vụ rất tốn kém kinh phí đầu tư trong khi hiệu quả không cao.

Ổn định vùng sinh thái

Trọng tâm của hệ thống thủy lợi (HTTL) Cái Lớn, Cái Bé như đã đề xuất trong các nghiên cứu, quy hoạch là nhằm kiểm soát soát được nguồn nước, cũng như chế ngự được các tác động bất lợi do thiên tai gây ra qua cửa sông Cái Lớn và Cái Bé đang còn bỏ ngỏ.

Một trong những nguyên tắc chính khi xem xét đầu tư HTTL Cái Lớn, Cái Bé là khai thác tổng hợp các lợi thế nhưng không làm thay đổi các hệ sinh thái trong vùng dự án (mặn – ngọt - lợ).

Một trong những nguyên tắc chính khi xem xét đầu tư Hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé là khai thác tổng hợp các lợi thế nhưng không làm thay đổi các hệ sinh thái trong vùng dự án (mặn – ngọt - lợ).

Điều này có nghĩa là khi có công trình sẽ tạo sự ổn định cho các vùng sinh thái, giảm tối đa sự bấp bênh trong sản xuất như hiện nay. Đồng thời, khi có cống Cái Lớn, Cái Bé sẽ cùng với các tuyến đê, cống hiện có chủ động kiểm soát nguồn nước (mặn, ngọt), chủ động chống ngập úng, ứng phó với nước biển dâng, sụt lún đất do khai thác nước ngầm quá mức và tác động xâm nhập mặn do các đập thủy điện chặn nước ngọt trên dòng chính Mê Kông.

Ths Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện QHTL Miền Nam cho biết, hiệu quả cụ thể của dự án: Kiểm soát mặn tạo điều kiện sản xuất ổn định, chủ động; giảm thiệt hại vào mùa khô cho hàng trăm ngàn ha đất 2 lúa, tôm + lúa, chuyên tôm, cấp nước pha loãng cho diện tích tôm – lúa và chuyên tôm trong mùa khô, giảm chi phí, ngày công đắp 389 đập tạm hàng năm.

Có thể bạn quan tâm

  • Tranh cãi Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (Kỳ II): Nhà khoa học “bàn ra”

    Tranh cãi Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (Kỳ II): Nhà khoa học “bàn ra”

    02:36, 20/09/2018

  • Tranh cãi Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (Kỳ I): Nhà quản lý ủng hộ

    Tranh cãi Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (Kỳ I): Nhà quản lý ủng hộ

    10:00, 18/09/2018

  • “Hạ du” chờ hướng dẫn Luật Thủy lợi

    “Hạ du” chờ hướng dẫn Luật Thủy lợi

    05:14, 05/08/2018

  • Đối tượng nào được hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi?

    Đối tượng nào được hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi?

    20:51, 06/07/2018

Bên cạnh đó HTTL kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình phòng chống thiên tai, nước dâng do bão, giảm ngập úng, tiêu chua, kết hợp giao thông thủy bộ, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho vùng dự án.

“Hiệu quả cụ thể có thể tính được ngay là nếu có dự án này thì khu vực dự án sẽ giảm được hàng trăm tỷ đồng do thiệt hại của đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 vừa qua”, ông Dũng nhấn mạnh.

GS.TSKH Nguyễn Ân Niên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Hội Khoa học Kỹ thuật Thủy lợi TP.HCM nhìn nhận: “Tất cả các môi trường nước (mặn, ngọt) đều có ích cho con người, là tài nguyên vô giá, tuy nhiên môi trường nước ngọt là môi trường cao cấp hơn, mang lại sự đa dạng cho sản xuất và đời sống của con người nhiều hơn. Mọi tác động của con người vào tự nhiên mưu cầu lợi ích đều có mặt tốt và mặt xấu. “Chúng ta lựa chọn dự án nào mặt tốt lớn gấp nhiều lần mặt xấu, do đó Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 là sự lựa chọn như vậy” - GS.TSKH Nguyễn Ân Niên cho biết.

Theo ông Niên, dự án hoàn thành sẽ góp phần kiểm soát mặn, ngọt chủ động, giúp người dân hai tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang không chỉ có nguồn nước ngọt sinh hoạt về mùa khô mà còn góp phần ổn định sinh kế, nâng cao đời sống”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tranh cãi Dự án Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (Kỳ cuối): Không thể cầu toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO