Các cuộc đại hội đồng cổ đông bất thường liên tục xuất hiện những năm gần đây cho thấy mâu thuẫn giữa các cổ đông lớn, nhóm cổ đông, ở nhiều doanh nghiệp đang ngày càng gia tăng.
Đại hội cổ đông bất thường của Eximbank chiều ngày 30/6 tiếp tục phải hủy, sau khi đại hội đồng cổ đông thường niên thất bại vào buổi sáng cùng ngày do không đủ số lượng cổ đông tham dự.
Cuộc đại hội bất thường của Eximbank được triệu tập theo yêu cầu của cổ đông nước ngoài SMBC (Sumitomo Mitsui Banking Corporation), hiện đang nắm 15% vốn tại Eximbank, và nhóm cổ đông Ngô Thị Thúy với tỷ lệ nắm giữ hơn 10% cổ phần. Đây không phải là lần đầu nhà đầu tư đến từ Nhật Bản yêu cầu triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường nhằm giải quyết những bất đồng đã tồn tại nhiều năm ở Eximbank. Theo SMBC, hội đồng quản trị của Eximbank hiện có 10 thành viên và liên tục có mâu thuẫn nội bộ giữa các thành viên. Do đó, SMBC yêu cầu xem xét lại liệu cơ cấu hội đồng quản trị hiện tại của ngân hàng có còn thích hợp hay không, hay việc cắt giảm xuống 7 thành viên sẽ mang lại lợi ích tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động.
SMBC cho biết công ty đã phải đưa những kiến nghị trên nhiều lần vì ĐHĐCĐ thường niên bị hoãn và những kiến nghị đó chưa từng được giải quyết hợp lệ theo pháp luật của Việt Nam và điều lệ của Eximbank.
Câu chuyện về mâu thuẫn nội bộ của Eximbank không phải là mới, nhưng đã kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết. Và tình trạng mâu thuẫn nội bộ như vậy, thực tế đang xảy ra ngày càng nhiều ở các công ty khác. Điển hình nhất gần đây là vụ mâu thuẫn giữa công ty Kusto và Ban lãnh đạo của Coteccons. Kusto hiện đang là cổ đông lớn tại Coteccons, một trong những công ty xây dựng lớn nhất Việt Nam.
Eximbank, ngân hàng từng là một trong những ngân hàng tư nhân hoạt động hiệu quả trong hệ thống ngân hàng và đạt đỉnh 3.039 tỷ đồng vào năm 2011, tuy nhiên, những mâu thuẫn nội bộ đã đưa Eximbank xuống “chiếu dưới”, có thể làm thất bại chủ trương, chiến lược và định hướng kinh doanh của ngân hàng này.
Đầu tháng 6 vừa qua, Kusto đã đơn phương thông báo triệu tập họp cổng đông bất thường và yêu cầu toàn bộ hội đồng quản trị và ban giám đốc của Coteccons từ chức “lập tức”. Mâu thuẫn giữa Kusto và những người lãnh đạo Coteccons xảy ra sau những bất đồng về chuyện sáp nhập các công ty Unicons và Ricons.
Quay trở lại những năm gần đây, những chuyện bất đồng tương tự giữa các cổ đông cũng đã xảy ra tại các công ty như Ba Huân, Ocean Group hay Vinaconex.
Ông Cao Đăng Duy, cố vấn cấp cao tại Công ty Luật Rajah & Tann LCT, trong một bài phân tích chỉ ra rằng tranh chấp nội bộ thường phát sinh do các xung đột lợi ích, quan điểm của các cổ đông, nhóm cổ đông liên quan đến việc kinh doanh, quản lý và điều hành doanh nghiệp, hay việc ban hành và thực hiện các nghị quyết của đại hội đồng cổ đông.
“Tranh chấp về quyền quản lý và điều hành doanh nghiệp thường phổ biến hơn cả. Tranh chấp này liên quan tới các bộ phận, cơ quan quản lý và điều hành doanh nghiệp, như việc chi phối, cử đại diện vào hội đồng quản trị và ban kiểm soát hay việc nắm giữ các vị trí điều hành chủ chốt của doanh nghiệp” - ông Duy phân tích.
Khi xảy ra những mâu thuẫn, theo luật, các cổ đông hoặc nhóm cổ đông lớn sở hữu trên 10% tổng số cổ phần doanh nghiệp có quyền triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường để ban hành các quyết nghị liên quan đến nội dung xung đột. Đây một cơ hội cuối để các bên thương lượng, hòa giải nội bộ với nhau trước khi tìm tới giải pháp mạnh hơn là kiện nhau ra tòa. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các bên không phải lúc nào cũng tìm được tiếng nói chung tại đại hội đồng cổ đông bất thường.
Dù kết quả giải quyết thế nào, thì việc mâu thuẫn nội bộ kéo dài cũng khiến các cổ đông là người chịu thiệt hại nặng nhất. Sự đình trệ trong hoạt động quản lý và mâu thuẫn chiến lược phát triển sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp không chỉ bị ảnh hưởng về thương hiệu, và kết quả kinh doanh, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cũng sẽ giảm mạnh và tài sản của các cổ đông bị suy giảm. Điều này có thể thấy rõ ở trường hợp Coteccons khi thị giá của cổ phiếu công ty đã giảm mạnh sau khi Kusto công khai những mâu thuẫn nội bộ doanh nghiệp.
“Đặc biệt, tranh chấp dẫn đến sự biến động nhân sự ở cấp lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp có thể làm thất bại chủ trương, chiến lược và định hướng kinh doanh” ông Duy phân tích.
Như trường hợp của Eximbank, ngân hàng này từng là một trong những ngân hàng tư nhân hoạt động hiệu quả trong hệ thống ngân hàng và đạt đỉnh 3.039 tỷ đồng vào năm 2011. Tuy nhiên, những mâu thuẫn nội bộ đã đưa Eximbank xuống “chiếu dưới”. Lợi nhuận năm 2013 giảm xuống còn 828 tỷ đồng và năm 2014 chỉ còn 69 tỷ đồng. Đến năm 2015, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối năm này là âm 817 tỷ đồng. Lợi nhuận của Eximbank năm là 866 tỷ đồng. Tuy đã có cải thiện nhưng vẫn chỉ tương đương 30% năm 2011.
Trong quá khứ, mâu thuẫn nội bộ tại CTCP Bibica cũng có thể được coi là một bài học cho các doanh nghiệp khác. Với cuộc chiến giữa nhóm cổ đông kéo dài nhiều năm trời, kết quả kinh doanh của Công ty dần đi xuống. Đặc biệt, năm 2012, lợi nhuận chỉ đạt gần 26 tỷ đồng, giảm 44%. Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm ổn định kết quả kinh doanh đã tăng trưởng đáng kể. Năm 2015 và 2016, Công ty ghi nhận lãi ròng trên 80 tỷ đồng, rất vượt trội so với khoảng thời gian trước đây. Năm ngoái, Bibica đạt hơn 90 tỷ đồng lợi nhuận.
Trong khi nội bộ doanh nghiệp lục đục, thì những người hưởng lợi lại chính là đối thủ cạnh tranh. Trong gần 10 năm qua, Eximbank từ một ngân hàng tư nhân hàng đầu tụt xuống một ngân hàng “chiếu dưới” thì những ngân hàng từng được coi là nhỏ bé hơn như VPBank, VIB hay HDBank đã nhanh chóng vươn lên. Còn khi Coteccons đang lục đục nội bộ, thì Hòa Bình, một đối thủ cạnh tranh trực tiếp cũng đã nhanh chóng có thêm được những gói thầu mới.
Có thể bạn quan tâm