Bệnh án điện tử giúp người bệnh không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ khi đi khám bệnh, chữa bệnh.
Hồ sơ bệnh án điện tử được triển khai từ 1/3/2019.
Theo Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử, từ 1/3/2019, các cơ sở y tế bắt đầu sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử thay cho sổ khám bệnh.
Theo đó, mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở khám, chữa bệnh.
Hồ sơ bệnh án điện tử phải đáp ứng các yêu cầu: Phải ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin như hồ sơ bệnh án giấy; Phải có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử; Tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định.
Có thể bạn quan tâm
02:29, 06/03/2019
02:42, 02/03/2019
Vậy, người bệnh sẽ được lợi gì khi dùng hồ sơ bệnh án điện tử?
Trao đổi với báo chí, PGS - TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, bệnh án điện tử giúp người bệnh không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ khi đi khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, người bệnh không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm, không phải hoang mang khi đọc chữ viết của bác sĩ. Người bệnh cũng hoàn toàn dễ dàng so sánh từng chỉ số xét nghiệm, kết quả khám sức khỏe tổng quát định kỳ.
Đặc biệt, bệnh án điện tử có thể giúp người bệnh tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Lưu trữ tiền sử gia đình, tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng thuốc đầy đủ hơn. Từ đó, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình.
Ở góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định: Việc triển khai hệ thống bệnh án điện tử sẽ hiện đại hóa các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, giúp người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao nhất ở mọi lúc, mọi nơi.
Được biết, theo lộ trình, từ nay đến năm 2025, các bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt sẽ phải hoàn tất việc thay thế bệnh án giấy, chuyển hoàn toàn sang sử dụng bệnh án điện tử, các bệnh viện còn lại sẽ thay thế hoàn toàn trước năm 2030.
Đứng ở góc độ đơn vị triển khai Thông tư này, ông Dương Đức Hùng - Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thách thức lớn nhất với nhiều bệnh viện là chưa có một phần mềm quản lý bệnh viện thống nhất cả nước.
Theo ông Hùng, Bộ Y tế nên tiến hành xây dựng phần mềm quản lý bệnh viện thống nhất cả nước, phân chia theo quy mô hành chính từ cấp xã, huyện, tỉnh, Trung ương. Các bệnh viện sẽ căn cứ vào đó để tiến hành quản lý bệnh viện, tránh tình trạng nếu quy định như hiện nay, sẽ phát sinh tình trạng mỗi bệnh viện một kiểu, khó cho công tác quản lý.
“Để triển khai bệnh án điện tử cần phải có lộ trình và đòi hỏi chi phí rất lớn”. – ông Hùng nói.