Để khắc phục tồn tại, phát huy lợi thế vùng Đồng bằng sông Hồng, phát triển các ngành công nghiệp cao, tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, Bộ Công Thương đã đề xuất 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Đề xuất của Bộ Trưởng Nguyễn Hồng Diên diễn ra tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng với chủ đề "Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững".
>>Vùng đồng bằng Sông Hồng và định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Theo đó, 5 nhiệm vụ quan trọng được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu ra bao gồm:
Thứ nhất, đẩy nhanh việc hoàn thiện, trình phê duyệt quy hoạch Vùng và quy hoạch các địa phương thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, phù hợp với định hướng Quy hoạch tổng thể và các quy hoạch ngành quốc gia, làm cơ sở xây dựng, triển khai có hiệu quả các chiến lược, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực tại địa phương; đồng thời, tổ chức không gian phát triển hợp lý, bảo đảm cân bằng, bền vững, kết nối hiệu quả các hành lang, vành đai kinh tế, các cực tăng trưởng và hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông để khơi thông các điểm nghẽn về hạ tầng, thúc đẩy liên kết Vùng và khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội về vị trí địa kinh tế, chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển của Vùng và của mỗi địa phương.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách của địa phương, bảo đảm đồng bộ, đủ mạnh, khả thi, phù hợp với các quy định của Nhà nước để đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn; đồng thời, chú trọng nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới, có tính đột phá, phù hợp với các cam kết quốc tế để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thể vượt trội của Vùng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ các ngành công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, công nghệ cao, có khả năng cạnh tranh, từng bước tham gia sâu, toàn diện vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xã hội hóa nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, khu kinh tế theo hướng hiện đại, hệ thống logistics đồng bộ nhằm tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy hình thành, phát triển các vành đai công nghiệp, các cụm liên kết ngành và hệ sinh thái công nghiệp, dịch vụ, đô thị ở các địa phương có lợi thế để tập trung thu hút các dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn, có công nghệ và giá trị gia tăng cao, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong Vùng và cả nước.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, gắn với tổ chức phân bố không gian phát triển công nghiệp phù hợp với tiềm năng, lợi thế phát triển của từng tiểu vùng và từng địa phương; theo đó, các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên) tập trung phát triển các ngành công nghiệp hiện đại, có lợi thế cạnh tranh (như: Công nghiệp điện tử, công nghệ số, công nghiệp phần mềm, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ôtô, công nghiệp hỗ trợ); đồng thời, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, có tính chất “dẫn đường” (như: Sản xuất chíp, bán dẫn, rô bốt, công nghiệp năng lượng tái tạo, vật liệu mới).
Đối với các địa phương thuộc tiểu vùng Nam Đồng bằng sông Hồng (như các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình) tập trung phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản (nhất là chế biến nông, lâm, thuỷ sản công nghệ cao); cơ khí, chế tạo, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và các ngành công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch gắn với phát triển các khu kinh tế, khu du lịch ven biển; đồng thời, chú trọng quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn, tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc để tạo nguồn hàng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch.
Thứ năm, tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, doanh nghiệp số để Vùng thực sự đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt phát triển công nghiệp quốc gia theo hướng công nghệ cao, công nghệ số. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có tay nghề và trình độ quản lý đáp ứng yêu cầu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Vùng; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh, đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và tiết giảm thực chất chi phí cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và lợi thế thu hút đầu tư của các địa phương trong Vùng.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tập trung rà soát, tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp theo định hướng tại Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đai hóa đất nước. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Phát triển công nghiệp với nội dung cốt lõi là các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để các địa phương, các Vùng kinh tế tổ chức thực hiện; đồng thời, tiếp tục rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách còn bất cập, chồng chéo, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông và giải phóng các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa trong đầu tư phát triển công nghiệp và thương mại.
Có thể bạn quan tâm