Kinh tế thế giới

Triển vọng chip của Mỹ bị đặt dấu hỏi sau động thái mới của chính phủ

Nam Trần 02/04/2025 03:28

Bộ trưởng Thương mại Mỹ cân nhắc việc chi các khoản trợ cấp hàng tỷ USD từ Đạo luật Chip và Khoa học, làm dấy lên lo ngại về môi trường đầu tư dài hạn của các tập đoàn lớn tại Mỹ.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick không muốn chi ngân sách trực tiếp để hỗ trợ các công ty chip tại Mỹ (Ảnh: The Economist)

Trì hoãn trợ cấp gây tranh cãi

Theo các nguồn tin của Bloomberg, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick đang cân nhắc lại việc sử dụng các khoản trợ cấp liên bang cho các nhà sản xuất chip, bao gồm cả việc giữ lại các khoản tiền nếu các công ty nhận hỗ trợ liên bang không mở rộng đầu tư tại Mỹ.

Theo Bloomberg, Bộ trưởng Thương mại Mỹ thậm chí có thể hủy bỏ việc giải ngân các khoản trợ cấp đã được thỏa thuận trước đó dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden.

Mục tiêu mới của ông Lutnick là thu hút thêm hàng chục tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn mà không cần tăng ngân sách trợ cấp. Người đứng đầu về thương mại Mỹ muốn các doanh nghiệp làm theo TSMC của Đài Loan - công ty vừa công bố sẽ đầu tư thêm 100 tỷ USD vào các nhà máy tại Mỹ, bên cạnh cam kết 65 tỷ USD trước đó.

Động thái này cho thấy chính quyền mới sẵn sàng “chơi rắn” trong quá trình đàm phán nhằm chi ít nhất nhưng nhận về nhiều nhất. Tuy nhiên, cách tiếp cận này lại đang tạo ra sự bất ổn cho các công ty đã lên kế hoạch đầu tư dựa trên kỳ vọng được nhận tiền từ ngân sách Mỹ.

Trước đó, các “ông lớn” được hưởng lợi chính từ đạo luật này – bao gồm TSMC, Intel, Micron, Samsung, GlobalFoundries và Texas Instruments – đều dự kiến nhận hơn 1 tỷ USD mỗi công ty. Họ chiếm phần lớn trong hơn 400 tỷ USD cam kết đầu tư từ khu vực tư nhân. Tuy nhiên, việc trì hoãn hoặc giữ lại khoản trợ cấp có thể làm gián đoạn tiến độ dự án và buộc các công ty xem xét lại chiến lược đầu tư.

Samsung đã cắt giảm quy mô đầu tư tại Texas vào năm ngoái, dẫn đến khoản trợ cấp từ Đạo luật Chips cũng giảm. Micron từng có kế hoạch xây 4 cơ sở tại New York, nhưng hiện trì hoãn nhà máy thứ ba để thảo luận khả năng mở một nhà máy tương tự tại Nhật Bản.

Đạo luật Chips – có ngân sách 52 tỷ USD – được thông qua nhằm tái thiết ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ sau nhiều thập kỷ sản xuất chuyển sang châu Á. Phần lớn ngân sách là để tài trợ trực tiếp, dưới dạng hoàn tiền cho các khoản chi của khu vực tư nhân, được giải ngân theo tiến độ dự án.

Samsung cũng đã đầu tư lớn để xây dựng các nhà máy ở Mỹ với lời hứa nhận được trợ cấp từ Đạo luật Chip (Ảnh: SamMobile)

Thuế - Tầm nhìn khác để hỗ trợ ngành chip Mỹ

Trong khi các khoản trợ cấp trực tiếp trở nên thiếu chắc chắn, chính quyền ông Trump dường như ưa thích một kiểu hỗ trợ khác: ưu đãi thuế đầu tư 25%.

Bộ trưởng Lutnick đã bày tỏ mong muốn mở rộng ưu đãi này theo Đạo luật Chips, cho rằng đây là kiểu hỗ trợ ổn định và giá trị hơn đối với nhiều công ty. Nhưng mọi thay đổi lớn sẽ cần phải được Quốc hội Mỹ thông qua.

Ông Peter Cleveland – Phó Chủ tịch cấp cao của TSMC – từng ca ngợi ưu đãi thuế là yếu tố thiết yếu để phát triển ngành bán dẫn Mỹ, và kêu gọi kéo dài thời gian áp dụng.

Khác với trợ cấp vốn bị ràng buộc bởi các mốc tiến độ dự án, ưu đãi thuế mang lại cơ chế hoàn vốn đơn giản hơn và không phụ thuộc vào các điều kiện môi trường hay lao động – vốn thường gây tranh cãi.

Tuy nhiên, do không có giới hạn pháp lý về mức tối đa các công ty có thể yêu cầu hoàn thuế, tác động đến ngân sách có thể rất lớn – ước tính lên tới 85 tỷ USD thất thu thuế, gấp hơn ba lần con số ước tính ban đầu của Văn phòng Ngân sách Quốc hội.

Trong lúc đó, thuế quan lên chip nhập khẩu có thể là gọng kìm khác để buộc các công ty nước ngoài rót tiền vào Mỹ. Ông Trump từng lập luận rằng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu, bao gồm cả chip bán dẫn, là biện pháp khuyến khích hiệu quả hơn để các công ty xây nhà máy tại Mỹ.

Ông Trump cho rằng chính mối đe dọa thuế quan đã khiến TSMC quyết định mở rộng tại Arizona, dù TSMC khẳng định rằng khoản đầu tư mới là do nhu cầu từ thị trường Mỹ. Sự khác biệt trong lý do này càng cho thấy sự bất định về hiệu quả của thuế quan như một công cụ thúc đẩy đầu tư bán dẫn – và theo đó, là nền tảng cho hệ sinh thái AI phát triển.

Dù vậy, đe dọa về khả năng đánh thuế chip trong tương lai càng khiến việc lập kế hoạch dài hạn trở nên khó khăn hơn với các công ty bán dẫn. Một số người như Thomas Caulfield – Chủ tịch điều hành GlobalFoundries – đang vận động một sự kết hợp giữa thuế quan, trợ cấp và ưu đãi thuế để tạo ra động lực nội địa, nhưng ảnh hưởng tổng thể vẫn chưa rõ ràng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Triển vọng chip của Mỹ bị đặt dấu hỏi sau động thái mới của chính phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO