Vĩnh Hoàn: Cá to gặp nước lớn

Theo Nhịp cầu đầu tư 09/10/2019 11:12

Hàng loạt yếu tố vĩ mô thuận lợi đang giúp Vĩnh Hoàn duy trì lợi thế cạnh tranh tại các thị trường trọng điểm.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) thể hiện doanh thu đạt 3.814 tỉ đồng (giảm 5,7%), với lợi nhuận sau thuế đạt 722 tỉ đồng (tăng 70,4%). Dù năm 2019 là giai đoạn kinh doanh kém tích cực với “vua cá tra” Vĩnh Hoàn, mọi thứ có thể đảo chiều từ quý IV, khi hàng loạt yếu tố vĩ mô như thuế suất ưu đãi, giá nguyên liệu, nhu cầu tiêu thụ bắt đầu có ảnh hưởng.

Tính đến thời điểm hiện tại, dịch tả lợn châu Phi (ASF) hiện ảnh hưởng rất mạnh đến mặt bằng nguồn cung lương thực của Trung Quốc. Trước ngày 1.10, Chính phủ Trung Quốc đã phải xả kho hơn 10.000 tấn thịt lợn từ kho dự trữ quốc gia để bình ổn thị trường. Tính từ ngày 19-30.9, đây là lần thứ 3 liên tiếp Trung Quốc xả kho dự trữ chỉ trong vòng 10 ngày.

Dù đã có biện pháp ứng cứu, song tình hình nguồn cung thịt có lẽ vẫn tiếp tục thiếu khả quan trong thời gian tới. Tính đến tháng 8, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, tổng đàn lợn của quốc gia này đã giảm gần 1/3, trong khi định chế tài chính Rabobank dự báo mức giảm có thể lên đến 50% vào cuối năm nay.

Điều này mở ra cơ hội khiến ca tra trở thành nguồn thực phẩm thay thế cho thị trường đông dân nhất thế giới. Tính đến cuối tháng 8, Trung Quốc - Hồng Kông là thị trường nhập khẩu lớn nhất mặt hàng cá da trơn của Việt Nam. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính riêng thị trường Trung Quốc - Hồng Kông, kim ngạch nhập khẩu đã đạt hơn 389,8 triệu USD (tăng 17,2% so với cùng kỳ). Tại thời điểm cao trào của chiến tranh thương mại, tính riêng tháng 8.2019, giá trị xuất khẩu đạt 69,8 triệu USD, tăng 63,4% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là con số phản ánh rõ nét nhất tác động của chiến tranh thương mại với nhu cầu thực phẩm của xã hội.

Không chỉ có riêng thị trường Trung Quốc, thị trường EU cũng tăng cường nhập khẩu mặt hàng thịt trắng này. Tính đến tháng 8.2018, tổng giá trị xuất khẩu đạt 174,3 triệu USD (tăng 8,8% so với năm trước).

Riêng thị trường Mỹ, dù kim ngạch nhập khẩu cá tra giảm hơn 41,5% so với cùng kỳ, song vẫn xếp là nhà nhập khẩu lớn thứ 2 với kim ngạch 187,9 triệu USD. Năm 2019 được xem là ảm đạm với ngành cá tra nói riêng và thủy sản nói chung của Việt Nam, nhưng mọi thứ có thể đảo chiều vào những tháng cuối năm, dưới tác động tích cực của thuế suất ưu đãi và sức mua tăng mạnh vào quý IV khi nhu cầu dự trữ thực phẩm cho kỳ nghỉ Giáng sinh tăng.

Cụ thể, tại thị trường Trung Quốc, chính phủ nước này đã phê duyệt cho 33 mặt hàng thủy sản được miễn thuế nhập khẩu. Các mặt hàng này đều thuộc sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như tôm hùm, tôm sú, tôm biển, cá tuyết, nghêu, cá tra đông lạnh, cá basa, cá nục gai, cá ngừ đại dương, bạch tuộc... Theo dự báo, xuất khẩu theo đó sẽ tiếp tục tăng mạnh ở thị trường này và đạt mức 1,2 tỉ USD.

Thị trường châu Âu cũng phản ánh xu hướng tương tự. “Có một thuận lợi với cá tra Việt Nam tại EU là sau khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu cá tra sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa để đẩy mạnh sang thị trường này”, báo cáo VASEP nhìn nhận. Theo đó, mức thuế suất sẽ giảm còn 0% sau 3 năm khi EVFTA có hiệu lực.

Năm 2019, Vĩnh Hoàn vẫn duy trì được lợi thế cạnh tranh ở thị trường Mỹ khi tiếp tục được hưởng mức thuế chống bán phá giá. Theo BVSC, triển vọng xuất khẩu nhìn chung sẽ tốt hơn vào những tháng cuối năm 2019 và trong năm 2020. Trên thực tế, quý IV luôn là quý mua hàng cao điểm của các nhà nhập khẩu thủy sản, nhằm dự trữ cho các kỳ lễ lớn.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), luận điểm đầu tư của Vĩnh Hoàn đến từ các yếu tố: (1) giá đầu vào giảm do nguồn cung dồi dào; (2) dự án cá giống công nghệ cao của Na Uy giúp cải thiện chất lượng và giảm chi phí; (3) lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ thông qua hợp tác với Alibaba; (4) công suất chế biến mở rộng.

Về mặt định giá, Vĩnh Hoàn được xem đang nằm tại vùng định giá hấp dẫn khi xét đến nền tảng cơ bản và tiềm năng phát triển. Theo BVSC, mức định giá cổ phiếu hiện tại ở vùng khá hấp dẫn so với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Khi sử dụng cách tiếp cận FCFF, đơn vị chứng khoán khuyến nghị giá mục tiêu là 102.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng P/E forward 6,9x. Trên bình diện định giá toàn ngành, thời điểm ngày 9.9, P/E của Vĩnh Hoàn hiện nằm trong vùng 4,26, thấp hơn cả trung bình ngành 4,74.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vĩnh Hoàn: Cá to gặp nước lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO