Bình luận

Trợ lực cho ngành điện tử Việt Nam

Yến Nhung 04/09/2024 04:0

Được đánh giá là có nhiều tiềm năng, song ngành điện tử Việt Nam cũng còn gặp phải không ít những khó khăn, đòi hỏi ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp về mọi mặt, cũng rất cần cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan mới công bố, trong tháng 7/2024 xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,9 tỷ USD, tăng 18,4% so với tháng trước. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam, xuất khẩu hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 39,59 tỷ USD, chiếm tới 17% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước và tăng 29,1% (tương ứng tăng 8,93 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Để thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, cần giải pháp mạnh mẽ để tăng tốc và hoàn thiện thủ tục liên quan - Ảnh minh họa: ITN
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan mới công bố, trong tháng 7/2024 xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,9 tỷ USD, tăng 18,4% so với tháng trước - Ảnh minh họa: ITN

Con số này cho thấy vai trò của ngành công nghiệp điện tử rất lớn. Bên cạnh đó, ngành điện tử Việt Nam cũng xuất khẩu tới các thị trường lớn và có năng lực về tiêu dùng. Ngành điện tử Việt Nam ở vị thế xuất khẩu giá trị trên toàn cầu, đứng thứ 2 về xuất khẩu điện thoại đi động và thứ 5 về xuất khẩu máy tính và linh kiện.

Dù Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu điện tử lớn nhất thế giới, tuy nhiên hầu hết các thành tựu này đều nhờ vào các doanh nghiệp FDI. Chuỗi giá trị định hướng xuất khẩu vẫn chủ yếu do các công ty nước ngoài điều hành, trong khi doanh nghiệp Việt chỉ tham gia vào những công đoạn đơn giản như lắp ráp và gia công.

Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng ngành điện tử đều ở vị trí thấp, với đơn hàng không ổn định và giá trị gia tăng thấp. Trong chuỗi cung ứng, doanh nghiệp điện tử Việt bị chèn ép đơn hàng. Cùng một lượng đơn hàng nhưng doanh nghiệp FDI luôn được ưu tiên. Khi có đơn hàng thì cũng là những đơn hàng “xương xẩu nhất”, thời hạn thanh toán và các yêu cầu thanh toán cũng chặt chẽ hơn so với doanh nghiệp FDI.

Đáng nói, các sản phẩm điện tử thường có tuổi thọ tương đối ngắn, thường xuyên thay đổi tính năng và mẫu mã, trong khi năng lực của doanh nghiệp trong nước hạn chế, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu lao động có tay nghề, thiếu vốn, không đủ nguồn lực để đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm, thương hiệu. Vì vậy, các công đoạn có hàm lượng giá trị gia tăng cao vẫn phụ thuộc vào chuỗi sản xuất nước ngoài.

Để ngành điện tử Việt Nam gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các chuyên gia cho rằng, cần nỗ lực của doanh nghiệp điện tử trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, những nỗ lực tự thân đó sẽ thuận lợi hơn nếu các điều kiện về thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh thông thoáng, an toàn, để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển.

2.jpg
Cần thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh thông thoáng, an toàn, để doanh nghiệp điện tử mạnh dạn đầu tư công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển - Ảnh minh họa: ITN

Nêu quan điểm về vấn đề này, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) khuyến nghị, để vào được chuỗi sản xuất của các “ông lớn” rõ ràng cần các giải pháp hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Cần sự quan tâm đầu tư, xem xét ưu đãi hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trong các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại; rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cần bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng cho nguồn nhân lực, có chiến lược cạnh tranh, tham gia nhiều hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đối với xuất khẩu điện tử, bà Hương cho rằng, cần có những chính sách thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nói chung, xuất khẩu điện tử nói riêng, thậm chí triển khai “ngoại giao đơn hàng”, “ngoại giao xuất khẩu”…

“Một số doanh nghiệp cũng cố gắng vận động để có những đơn hàng mới ở những thị trường mới như Canada, Bắc Mỹ… nhưng giá trị đơn hàng rất nhỏ và không ổn định. Trong khi đó hiện giá trị xuất khẩu, giá trị sản xuất công nghiệp điện tử Việt Nam chủ yếu do doanh nghiệp FDI tạo ra. Chính vì vậy, giải pháp ngoại giao đơn hàng cho doanh nghiệp điện tử Việt được coi là giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp điện tử”, bà Hương nhấn mạnh

Đồng quan điểm, để tăng cường khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng ngành điện tử, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) cho rằng, Việt Nam cần thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và trong nước, mong Chính phủ đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế... để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu, tạo thành chuỗi liên kết khép kín.

Cùng đó, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững…

“Điều quan trọng là tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, cải thiện biên lợi nhuận dựa trên đổi mới, sáng tạo và dám đầu tư mạo hiểm vào các xu hướng sản xuất, tiêu dùng mới. Điều đó đòi hỏi phải có sự rà soát đánh giá tổng thể cả môi trường thể chế cho đầu tư, kinh doanh, lẫn các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hiện đang tản mát, manh mún theo từng ngành, đối tượng như hiện nay”, chuyên gia này nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trợ lực cho ngành điện tử Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO