Theo chuyên gia, sự thay đổi, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách sẽ kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động mua bán sáp nhập (M&A).
Theo tổng hợp từ KPMG, thị trường M&A của Việt Nam năm 2024 đạt tổng giá trị giao dịch 3,2 tỷ USD, với hơn 220 thương vụ, tăng 45,9% (so với mức giảm 11,3% trong tổng giá trị giao dịch của Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines). Trong đó, giá trị trung bình của thương vụ 56,3 triệu USD và giá trị cao nhất của thương vụ là 982 triệu USD. 88% giá trị giao dịch đến từ ngành bất động sản, tiêu dùng thiết yếu, công nghiệp.
Trong 2025, dự báo sẽ có sự chuyển biến tích cực hơn, với các giao dịch tạm hoãn trước đây có khả năng trở lại. Nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Mỹ, vốn từng dẫn đầu hoạt động M&A tại Việt Nam dự kiến sẽ quay trở lại từ năm 2025. Các giao dịch được thúc đẩy bởi niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế ổn định của Việt Nam và các chính sách chủ động, sâu rộng từ Chính phủ.
Chia sẻ về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm chia sẻ, Quốc hội vừa thông qua Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, là năm cuối của nhiệm kỳ 2021 - 2025, được xác định là năm bứt phá để về đích, tạo tiền đề đưa nền kinh tế Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Một trong những mục tiêu quan trọng năm 2025 là tăng trưởng GDP đạt 6,5 - 7%, phấn đấu đạt 7 - 7,5%. Để thực hiện mục tiêu này, Quốc hội đã đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2025, trong đó, có việc quyết liệt tháo gỡ thể chế, khắc phục điểm nghẽn.
“Tôi tin là, khi các giải pháp đề ra được thực hiện quyết liệt và hiệu quả, nền kinh tế Việt Nam có thể tạo sự đột phá, tăng tốc để về đích trong năm 2025. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để chúng ta có thể tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài nói chung, đầu tư thông qua hình thức M&A nói riêng”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nhấn mạnh.
Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, đặc biệt là hoàn thiện Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về đầu tư, quy hoạch, đấu thầu, PPP, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong thời gian tới. Các Dự luật này có nhiều quy định mới, thể hiện sự đột phá trong tư duy xây dựng pháp luật từ tư duy quản lý sang quản lý và kiến tạo cho phát triển, từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, triệt để thực hiện việc phân cấp, phân quyền…
Ngoài ra, trong năm 2024, dự kiến Chính phủ cũng sẽ ban hành Nghị định quy định về thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư; cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn. Cùng với các cơ chế hỗ trợ đầu tư đột phá, vượt trội, cũng như việc áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt đối với các dự án quy mô lớn, trong các lĩnh vực công nghệ cao, R&D, bán dẫn, AI...
Theo ông Tâm, một khi kinh tế phục hồi, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng tốc vào Việt Nam, cộng hưởng với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nước, thì các hoạt động M&A cũng sẽ được kích hoạt mạnh mẽ. Chính vì vậy, thời gian tới, hoạt động M&A sẽ sớm phục hồi, nhộn nhịp trở lại và phát triển mạnh mẽ.
Xoay quanh vấn đề này, ông Oh Hsiu-Hau, Luật sư điều hành, Công ty Allen & Gledhill Việt Nam nhận định, việc ban hành Luật Đất đai 2024, với nhiều sửa đổi tích cực đã tác động đến thị trường bất động sản. Từ đó, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản của Việt Nam, thông qua các thương vụ M&A.
"Chúng ta đã thấy có nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư đối với thị trường bất động sản. Nhưng chúng tôi cũng kỳ vọng trong thời gian tới ngoài bất động sản cũng sẽ có nhiều dự án về năng lượng tái tạo; chăm sóc sức khỏe", luật sư Hsiu-Hau kỳ vọng.
Ngoài ra, việc điều chỉnh các quy tắc cạnh tranh rõ ràng với các hướng dẫn cụ thể hơn đặc biệt với các giao dịch từ nước ngoài chuyển về cũng sẽ tạo niềm tin cho thu hút đầu tư vốn nước ngoài vào Việt Nam. Từ sự thay đổi tích cực về chính sách của Chính phủ Việt Nam, các nhà đầu tư ngoại đang dần quay trở lại.
Đồng quan điểm, không ít ý kiến cho rằng, bất động sản là lĩnh vực sẽ thu hút dòng vốn M&A trong năm 2024 và sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới. Với sự cải thiện về mặt pháp lý, đặc biệt là việc có hiệu lực của Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, thị trường bất động sản Việt Nam đang được "tiếp sức" mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho các thương vụ M&A trong ngành này.
Hiệp hội Môi giới bất động sản (VARS) nhận định, các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục được thúc đẩy với tần suất và quy mô ngày càng lớn, với sự tham gia của các doanh nghiệp mạnh về tài chính trong và ngoài ngành, nội địa và quốc tế. VARS dự báo, hoạt động M&A trong nửa cuối năm 2024 tiếp tục sôi động với “trợ lực” từ hành lang pháp lý khi các đạo luật liên quan đến bất động sản đi vào cuộc sống.