Ông Bùi Văn Định, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển Mắc ca Tây Bắc khẳng định,cây Mắc ca sẽ là cây xoá đói giảm nghèo mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con dân tộc tại huyện Mường Nhé.
- Thưa ông, cho đến nay Công ty đã triển khai trồng được bao nhiêu diện tích cây mắc ca tại huyện Mường Nhé - Điện Biên?
Từ năm 2018 đến nay Công ty CP Ðầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc đã triển khai trồng cây mắc ca được 600 ha trên địa bàn huyện …Theo khảo sát của chúng tôi diện tích trồng mắc ca tại Mường Nhé không kém Tuần Giá rất thích hợp cho trồng các cây công nghiệp, cây rừng, và đặc biệt là cây mắc ca.
Hiện nay, số lượng nhân công, lao động của Công ty đang làm việc tại huyện Mường Nhé có gần 300 người (trong đó 200 người là lao động thời vụ). Năm 2019, Công ty đã thi công 127km đường công vụ quanh các khu vực đồi trồng mắc ca để thuận tiện cho việc di chuyển máy móc, nguyên vật liệu cũng như theo dõi sự phát triển của cây.
Cho đến nay, với 379,22 ha được Công ty trồng tại bản Sen Thượng và 190,31ha tại 2 bản Long San, Chiếu Sừng. Tại đây, cây mắc ca ghép thuần chủng thuộc 7 dòng khác nhau đã bắt đầu bám đất và sinh trưởng thuận lợi. Khoảng từ 2 năm trở đi, cây sinh trưởng, phát triển nhanh, nếu thời tiết, thổ nhưỡng thuận lợi, đến năm thứ 3 sẽ bắt đầu cho quả .
- Thưa Ông, theo tờ trình số 1441/TTr-UBND ngày 17/11/2020 của UBND huyện Mường Nhé về đề xuất trồng rừng mắc ca trên đất trồng chưa có rừng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, rừng sản xuất hiện đã được sự đồng thuận từ UNBD tỉnh cũng như các ngành, vậy với quan điểm là doanh nghiệp - Chủ đầu tư, ông nhận định liệu trồng cây mắc ca tại Mường Nhé có thực sự xoá đói giảm nghèo góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương?
Tại cuộc họp các bên liên quan, báo cáo thực trạng về đất đai trồng rừng của Huyện uỷ Mường Nhé cho thấy, hiện nay diện tích đất đã trồng chưa có rừng thuộc quy hoạch rừng trên địa bàn huyện Mường Nhé là rất lớn (rừng phòng hộ khoảng 14.000 ha, rừng sản xuất 18.000 ha). Phần lớn diện tích này đang được canh tác nương rẫy năng suất thấp, do đất trồng bạc màu không còn khả năng canh tác. Bên cạnh đó, nếu trồng rừng phòng hộ thay thế hiện nay với mức chi phí 97,5 triệu đồng/ha, đây là lượng vốn đầu tư lớn nên ngân sách Nhà nước khó đảm bảo.
Do vậy việc trồng cây mắc ca ở vùng rừng này là khá thích hợp, bởi cây không quá kén chọn đất, nhưng được trồng và chăm sóc ở một vùng tiểu khí hậu như Mường Nhé, tôi khẳng định là một trong những điều kiện rất thuận lợi. Nếu được trồng trên các khu vực đất bạc mầu của huyện, tôi khẳng định cây mắc ca sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao…
Bên cạnh đó, việc trồng cây mắc ca đã góp phần thay đổi cơ cấu, phương thức sản xuất nương rẫy truyền thống, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Theo đó, người dân tại các vùng dự án của huyện sẽ được chúng tôi được đào tạo chuyển giao ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, nâng cao năng suất, tạo nên sản phẩm có giá trị chất lượng cao. Đồng thời tạo việc làm, thu nhập ổn định cho bà con dân tộc tại huyện, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân lao đông tại vùng dự án mà Công ty đang triển khai.
Ở Tuần Giáo là ví dụ, ngoài việc đào tạo bà con trồng và chăm sóc cây mắc ca, cán bộ kỹ thuật còn đào tạo tấp huấn cho bà con bà con chăm sóc các loại cây hoa màu như ngô, đậu tương, rau. Do vậy, sản lượng ngô và đậu tương ở Tuần Giáo cho sản lượng rất cao. Theo đó, nhà nào cũng có rau ăn, sẽ phát triển mô hình “cây rừng vườn nhà” cải thiện bữa ăn cho bà con dân tộc vùng tiểu dự án.
Mường Nhé là huyện nghèo nhất Điện Biên, chúng tôi đang nghiên cứu ngoài mắc ca sẽ trồng thêm giống cây phù hợp. Tôi ví dụ, chỉ ngần 10 nghìn hộ tham gia dự án trồng cây Mắc ca thì bình quân 1 công nhân thu nhập 1 năm/60 triệu, vì vậy việc xoá đoá giảm nghèo từ cây tỷ đô là hoàn toàn có thể thực hiện được
- Như đánh giá của Ông, cây mắc ca hoàn toàn thích hợp với vùng đất, thổ nhưỡng của huyện Mường Nhé, vậy trong năm 2021 Công ty sẽ triển khai trồng thêm bao nhiêu diện tích trên huyện?
Như tôi đã phân tích muốn đạt hiệu quả cao cây mắc ca tại Mường Nhé, ngoài điều kiện thời tiết, đất đai, thổ nhưỡng, chế độ chăm sóc… thì yếu tố quan trọng nhất quyết định 50% năng suất đó chính là giống. Chính vì vậy, các giống cây đã được chúng tôi chọn lựa rất kỹ.Và đặc biệt, việc theo dõi lịch sử sự phát triển của từng giống, dòng rất chặt chẽ thông qua việc cài đặt định vị của từng cây. Qua đó cho thấy việc trồng, chăm sóc cây mắc ca tại huyện Mường Nhé rất chuyên nghiệp công nghệ cao và là tiền đề để phát triển cũng như theo dõi năng suất quả sau mỗi vụ thu hoạch. Hiện nay riêng với Mường Nhé, chúng tôi ưu tiên suất đầu tư cho cây mắc ca 500 triệu đồng/ha. Hiện Công ty đã đầu tư gần 300 tỷ đồng để trồng cây mắc ca trên diện tích của huyện.
- Vậy để tạo cho cây mắc ca xoá đói giảm nghèo - chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương, theo ông các Ban ngành trong tỉnh cần phải làm gì để hỗ trợ Công ty triển khai diện tích trồng cây còn lại trên địa bàn huyện Mường Nhé?
Hiện vùng dự án được UBND tỉnh phê duyệt có 3.078,99 ha đã có rừng và hơn 8.000 ha là nương đang canh tác thường xuyên của nhân dân trên địa bàn huyện, vì vậy rất khó khăn cho việc góp đất để thực hiện dự án trồng cây mắc ca công nghệ cao trên địa bàn huyện.Trong khi Công ty hiện có 12 cơ sở giống cây mắc ca. Dự kiến tháng 6/2021 chúng tôi có khoảng 1,1 triệu cây giống và số cây giống này chưa có đất trồng.
Mặc dù đã được sự đồng thuận từ lãnh đạo tỉnh đến huyện, chúng tôi mong muốn các Sở ngành, đơn vị liên quan kiến nghị UBND tỉnh cho phép huyện Mường Nhé trồng rừng mắc ca trên đất rừng phòng hộ chưa có rừng, rừng sản xuất chưa có rừng và đất khác chưa có rừng. Đồng thời, giao Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc chủ trì xây dựng kế hoạch cùng các ban ngàng và UBND huyện Mường Nhé rà soát lại quỹ đất nêu trên để điều chỉnh dự án. Bên cạnh đó, các Sở trình UBND tỉnh điều chỉnh Quyết định số 1038/QĐ-UBND giúp đẩy nhanh tiến độ trước ngày 15/01/2021 để Công ty Tây Bắc có thể triển khai trồng đại trà cây mắc ca trên diện tích còn lại của toàn huyện trong năm 2021…
- Xin cám ơn ông!