NĂNG LƯỢNG XANH CHO DOANH NGHIỆP: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn

Diendandoanhnghiep.vn Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Tọa đàm năm 2023 với chủ đề: “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn”.

>> [TRỰC TIẾP] Tọa đàm "Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn" 

Tiếp nối chuỗi sự kiện về điện mặt trời mái năm 2021 và 2022, dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và sự phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp, ngày 17/5/2023, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Tọa đàm năm 2023 với chủ đề: “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn”.

Toàn cảnh Tọa đàm: “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn”, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 17/5/2023.

Toàn cảnh Tọa đàm: “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn”, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 17/5/2023.

Tọa đàm thu hút sự tham dự từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học…

Tại Tọa đàm, các khách mời tập trung thảo luận về bài toán kinh tế, giải pháp đầu tư khi doanh nghiệp sản xuất sử dụng năng lượng tái tạo. Với việc sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà doanh nghiệp sẽ được hưởng các lợi ích về kinh tế, tiết giảm kinh phí sản xuất, có chứng chỉ xanh để nâng cao lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu.

Bên cạnh những lợi ích của việc sử dụng năng lượng xanh, doanh nghiệp còn gặp những vướng mắc, khó khăn, từ đó Tọa đàm cũng đề xuất phương án tháo gỡ, tổng hợp những góp ý đề xuất từ phía Hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia góp phần thúc đẩy thị trường điện mặt trời mái nhà cho mô hình tự nguyện sử dụng được phát triển rộng khắp.

>> NĂNG LƯỢNG XANH CHO DOANH NGHIỆP: Cần gói giải pháp tổng thể

Phát biểu tại Toạ đàm, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, phát triển và ứng dụng năng lượng xanh để tiến tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đối khí hậu đang là xu hướng của toàn cầu.

ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Ngay sau Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những động thái tích cực về mục tiêu giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, đồng thời, đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các cam kết bằng việc xây dựng hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm thực hiện mục tiêu giảm phát thải.

Ông Hoàng Quang Phòng cho biết, ngày 26 tháng 7 năm 2022 Chính phủ ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg về “Phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050” đã đề ra kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính theo từng lĩnh vực.

Cụ thể về cung cấp năng lượng, Quyết định nêu rõ cần “đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và các giải pháp công nghệ đột phá trong tương lai đồng thời bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia”.

Với ngành năng lượng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết Quy hoạch điện VIII được ban hành mới đây, cũng đã thống nhất chủ trương chiến lược phát triển cơ cấu nguồn điện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55 – NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời tự sản, tự tiêu.

Đặc biệt, Quy hoạch điện VIII nêu rõ, “điện mặt trời mái nhà được ưu tiên phát triển cho mô hình tự dùng nhằm phục vụ sản xuất, các doanh nghiệp cần không giới hạn công suất, với giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện có sẵn có, không phải nâng cấp lưới tải, nên cần ban hành chính sách đột phá để phát triển”.

Trong thực tế, chỉ số ít doanh nghiệp xuất khẩu may mặc chọn phương án mua điện năng lượng tái tạo từ hệ thống điện mặt trời mái nhà của các Quỹ đầu tư nước ngoài. Với các ngành sản xuất còn rất nhiều lĩnh vực đang mong muốn được sử dụng năng lượng xanh để tiết kiệm chi phí hoạt động, vận hành nhà máy và thực hiện chứng chỉ xanh.

“Tuy nhiên hiện tại, vẫn chưa có quy định, hướng dẫn đầu tư, lắp đặt cụ thể rõ ràng cho mô hình tự dùng, các doanh nghiệp sản xuất còn lúng túng chưa chủ động được việc đầu tư và phát triển, chưa dám đầu tư lắp đặt. Do đó cần gói giải pháp tổng thể từ phía chính quyền, doanh nghiệp”, ông Hoàng Quang Phòng khẳng định.

Đồng thời cho biết, VCCI sẽ có tổng hợp các kiến nghị, đề xuất giải pháp của Toạ đàm gửi các cơ quan chức năng để xem xét, điều chỉnh cơ chế phù hợp nhằm khơi thông thủ tục khuyến khích sử dụng năng lượng xanh được phát triển rộng khắp tới các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững.

>> NĂNG LƯỢNG XANH CHO DOANH NGHIỆP: Chìa khóa chuyển đổi năng lượng

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ quốc gia xuất khẩu sang nhập khẩu tinh về năng lượng. Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trong đó có đặt ra mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5% sản lượng điện sản xuất.

ông Nguyễn Văn Vy – Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Ông Vy cho biết, những xu hướng sau cho phép thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, thứ nhất là thủy điện của Việt Nam có chi phí thấp nhất trong các nguồn điện. Các công nghệ điện mặt trời và gió cũng đã đạt được lợi thế cạnh tranh do tiến bộ công nghệ và tăng cường đầu tư; điện mặt trời và điện gió hiện đã cạnh tranh được với nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu.

Dự kiến các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục giảm chi phí đáng kể trong những thập kỷ tới, trong khi chi phí của nguồn nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch có xu hướng tăng do các yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe.

Thứ hai là ô nhiễm và biến đổi khí hậu, các vấn đề do nhiên liệu hóa thạch gây ra, bao gồm ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu trên diện rộng, đã khiến Chính phủ, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân nhận thấy sự cần thiết phải giảm phát thải khí nhà kính trong nền kinh tế.

Thứ ba, mục tiêu năng lượng tái tạo, với hiệu quả về môi trường và cả về kinh tế, chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng nhanh tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong cân đối năng lượng chung. Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp tăng từ 31% vào năm 2020 lên đạt trên 90% vào năm 2050.

Thứ tư là tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, bao gồm tăng hiệu suất mô-đun quang điện mặt trời lên khoảng 25 – 27% với tấm pin năng lượng mặt trời đơn tinh thể và có thể lên đến trên 40% đối với công nghệ kết hợp giữa các tấm pin đơn tinh thể với một lớp phim mỏng; các tuabin gió với độ cao trên 200 mét với công suất mỗi tua bin lên đến 20 MW cũng đã được áp dụng. Tiến bộ công nghệ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo trong ngành điện.

Ông Nguyễn Văn Vy – Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm: “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn”, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 17/5/2023.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận định, các nguồn điện linh hoạt trong hệ thống điện (thủy điện, tuabin khí hỗn hợp sử dụng khí đốt) hiện chiếm trên 40% tổng công suất các nguồn điện của hệ thống, nên sự thay đổi của các nguồn điện mặt trời và điện gió chưa ảnh hưởng nhiều đến an toàn vận hành trong hệ thống.

Tuy nhiên, ông Vy cũng cho rằng, khi tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi chiếm tỷ trọng cao, cần thực hiện các giải pháp để bảo đảm an toàn, linh hoạt trong hệ thống điện.

Theo ông Vy, các giải pháp chủ yếu gồm nâng cao độ chính xác của công tác dự báo thời tiết để giảm sự không chắc chắn của các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi. Phát triển các nguồn điện linh hoạt để thích ứng với sự biến đổi: Thủy điện, thủy điện tích năng, TBK đơn, các nguồn điện nhỏ đấu nối với lưới điện phân phối sử dụng dầu.

Thực hiện liên kết lưới điện với các nước trong khu vực; phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng quy mô lớn, đầu tư phát triển và cải tạo hệ thống lưới truyền tải.

Phân cấp cho các đơn vị điện lực tại các địa phương quản lý vận hành các nguồn điện đấu nối với lưới điện phân phối, thực hiện tối ưu hóa vận hành hệ thống phân phối với các nguồn năng lượng phân tán.

Phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng trong các nhà máy điện gió, điện mặt trời và tại các hộ gia đình có nguồn điện tái tạo. Phát triển lưới điện thông minh nhằm tăng cường quản lý phía cầu và kết hợp sử dụng tối ưu nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống.

“Với việc thực hiện tốt các giải pháp trên, đảm bảo hệ thống năng lượng Việt Nam sẽ thực hiện chuyển đổi thành công, góp phần phát triển bền vững và hiệu quả hệ thống năng lượng, phù hợp với xu thế chuyển đổi năng lượng trên thế giới” – ông Nguyễn Văn Vy nhận định.

>> NĂNG LƯỢNG XANH CHO DOANH NGHIỆP: Điều kiện tất yếu cho phát triển

Thông tin tại Tọa đàm, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành Dệt may hiện nay có khoảng gần 3 triệu lao động, trong quý I/2023 các nhà máy xuất khẩu khoảng 12 tỷ USD. Ngành Dệt may đã tiếp cận với năng lượng xanh, năng lượng tái tạo từ điện áp mái, điện mặt trời từ rất sớm… Việc tiếp cận với năng lượng tái tạo đem đến nhiều lợi ích cho cả các bên, nhất là những lĩnh vực có sự tiêu thụ lớn… 

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Theo ông Giang, tiêu chuẩn xanh chỉ là một trong những tiêu chuẩn, không phải tiêu chuẩn bắt buộc đối với hàng hóa xuất khẩu, nên việc nhiều đơn hàng hay ít thời gian của ngành không phụ thuộc vào vấn đề này.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất trong việc áp dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh chính là tài chính, bởi không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng để đầu tư vào việc phát triển song hành trong quá trình sản xuất và không phải ngân hàng nào cũng cấp vốn cho doanh nghiệp để đầu vào lĩnh vực này.

“Khi đối tác nước ngoài đặt hàng thì những tiêu chuẩn đưa ra theo COP 26 là một trong những điều kiện được hướng đến, tuy nhiên, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố không chỉ riêng năng lượng, chẳng hạn như: nhân công, môi trường làm việc,… rất nhiều doanh nghiệp trong ngành Dệt may đã chú trọng đầu tư vào môi trường làm việc cho công nhân, đây là yếu tố tác động sẽ hiệu suất làm việc”, ông Giang chia sẻ.

Cũng theo ông Giang, đã là doanh nghiệp thì dù ở ngành nào, lĩnh vực nào của Việt Nam thì tốt nhất nên tuân thủ các chuẩn mực mà Thủ tướng đã ký tại COP 26, cùng với đó là các chuẩn mực quốc tế mà thế giới đã đề ra.

Việc các doanh nghiệp tiếp cận với năng lượng tái tạo, năng lượng xanh là cần thiết, bởi hiện tại, chi phí điện lưới là rất lớn, việc phát triển điện mái, điện mặt trời sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ tạo ra các chứng chỉ xanh cho hàng hóa mà còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa được sản xuất ra. 

“Thực tế hiện nay, ngành Dệt may đã và đang phải cạnh tranh rất lớn với các nước trên thế giới về thị trường và sản phẩm. Việc tiết giảm chi phí sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh”, ông Giang nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, xoay quanh vấn đề Chính phủ phê duyệt quy hoạch Điện VIII sau 2 năm rà soát, ông Giang đề xuất, việc quy hoạch Điện VIII đã ra đời là rất tốt, nhưng chi tiết về quản lý cần được chuẩn hóa để có một tiêu chuẩn thống nhất trên cả nước, đặc biệt, là tấm pin năng lượng có sự thống nhất, giống nhau và đảm bảo an toàn cho người lắp đặt các tấm pin mặt trời này như nào.

Cùng với đó, các nhà làm thương mại, các nhà phát triển năng lượng mặt trời, điện áp mái cũng cần phải có tầm nhìn, đưa ra các khả năng an toàn trong lắp đặt và sử dụng, để đem lại hiệu quả cho người dung. Cùng với đó, các cơ quan quản lý cũng cần tính đến phương án đưa phần điện dư thừa lên hệ thống lưới điện để tạo ra nguồn thu cho doanh nghiệp thực hiện lắp đặt năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, từ đó tạo ra nguồn thu đóng góp vào việc giảm chi phí giá thành, tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm của doanh nghiệp.

“Để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện, thì cần có các cơ chế cụ thể để thu hút việc đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích cho các doanh nghiệp. Còn các nhà phát triển điện mái, điện mặt trời, cần tính đến phương án xử lý nhanh khi lắp đặt, sử dụng… khi bước vào luật chơi toàn cầu, với các yếu tố đã đề ra thì phát triển xanh là yếu tố then chốt để đem đến sự phát triển bền vững”, ông Giang bày tỏ.

ff

Các vị diễn giả tại Tọa đàm “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn”, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 17/5/2023.

Điều phối viên thảo luận, nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, Tọa đàm được diễn ra ngay sau khi mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Theo đó, Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với đó, thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải. Đồng thời, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng cho biết, tại hội nghị hôm nay có các đại diện hiệp hội doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng điện lớn sẽ kiến nghị giải pháp khơi thông thủ tục khuyến khích sử dụng năng lượng xanh.

>> Doanh nghiệp “ngóng” cơ chế cho mô hình điện mặt trời mái nhà tự dùng

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, điện áp mái là vấn đề cấp thiết đối với cộng đồng doanh nghiệp. Vấn đề này không chỉ nằm trong lộ trình mà Chính phủ cam kết, cũng như yêu cầu về giảm phát thải, sản xuất xanh, mà còn liên quan đến vấn đề chi phí. Ngoài ra, thực hiện được các tiêu chí này chúng ta sẽ được các điểm cộng, đặc biệt là nhiều điểm cộng hơn trong thương mại với các nước.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP)

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP)

Với ngành hàng thủy sản, chúng tôi hiện có gần 900 nhà máy trên toàn quốc có quy mô công nghiệp, trong đó hầu hết là đông lạnh. Những vấn đề quan trọng nhất bao gồm việc cấp đông – đưa nhiệt độ xuống -40 độ để bảo quan sản phẩm. Hai là ngành trữ đông (kho lạnh), với hầu hết các kho lạnh đều sử dụng điện 380V. Nhu cầu năng lượng do đó là rất lớn trong khi chúng tôi phải thực hiện nhiều cam kết với khách hàng về môi trường.

Chính vì vậy, ông Nam một lần nữa khẳng định rằng câu chuyện điện áp mái với doanh nghiệp VASEP là rất cấp thiết. Ông thông tin, trong văn bản các doanh nghiệp thành viên gửi có liên quan đến việc họ cần lắp điện mặt trời áp mái cho nhà máy thủy sản và bao bì. Nhưng có sự vướng mắc ở văn bản pháp quy, cụ thể là Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong đó hướng dẫn về lắp hệ thống điện áp mái cho doanh nghiệp. Do đó, với Quy hoạch Điện 8, “chúng tôi mong muốn Chính phủ nhanh chóng ban hành về mặt cơ chế, hướng dẫn để đầu tư, đáp ứng được trách nhiệm môi trường từ các nước nhập hàng đang yêu cầu; thực hiện đúng lộ trình tăng trưởng xanh, phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, hay giải quyết chi phí năng lượng” – ông Nam nói.

Đồng thời, ông đề xuất các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương có thể: một là, nhanh chóng hỗ trợ về cơ chế để doanh nghiệp nhanh chóng đầu tư và lắp đặt điện mặt trời áp mái được đấu nối và có lắp đặt thiết bị chống phát ngược. Hai là, Chính phủ sớm có cơ chế mới về lắp đặt điện mặt trời áp mái để các công ty chuyên về lĩnh vực này có thể áp dụng và giúp các doanh nghiệp ngành chúng tôi lắp đặt đầu tư.

Đặt câu hỏi tại Toạ đàm, ông Hà Mạnh - Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10-CTCP cho biết, với điều kiện đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời là phải đảm bảo phòng cháy chữa cháy trên thực tế có các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Theo đó, trong các doanh nghiệp dệt may của May 10 có nhiều nhà máy đã xây dựng từ thời gian trước, hệ thống phòng cháy chưa cháy đã được thiết kế và nghiệm thu trước đó. Hằng năm đều có lực lượng phòng cháy chữa cháy địa phương kiểm tra đều đảm bảo.

Ông Hà Mạnh - Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10-CTCP

Ông Hà Mạnh - Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10-CTCP

"Nhưng nếu bây giờ chúng tôi đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời lại có yêu cầu tổng duyệt toàn bộ nhà máy. Điều này yêu cầu chúng tôi phải lắp đặt lại toàn bộ hệ thống phòng cháy chữa cháy để được tổng duyệt nghiệm thu hệ thống lắp đặt điện mái nhà. Điều này phát sinh nhiều chi phí và đã phù hợp chưa?", ông Hà Mạnh đặt vấn đề.

Trả lời câu hỏi này, ông Trần Hải Nam - Phó trưởng phòng Thẩm định phòng cháy chữa cháy, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho biết, quy định về đối tượng kiểm duyệt phòng cháy chữa cháy Chính phủ đã có Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi. Trong đó xác định đối tượng phải tổng duyệt trong trường hợp nào.

Ông Trần Hải Nam - Phó trưởng phòng Thẩm định phòng cháy chữa cháy, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ

Ông Trần Hải Nam - Phó trưởng phòng Thẩm định phòng cháy chữa cháy, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ

"Với trường hợp công ty là nhà xưởng, cơ sở sản xuất đã được tổng duyệt, nghiệm thu và đủ điều kiện đưa vào hoạt động, định kỳ cơ quan có kiểm tra và đảm bảo an toàn của cơ sở. Vậy khi có thay đổi về giải pháp phòng cháy chữa cháy của cơ sở đó thì sẽ thuộc diện cải tạo. Nói cách khác, hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp mới bây giờ thuộc diện cải tạo bổ sung và các giải pháp ở đây là yêu cầu giải pháp đảm bảo chống cháy lan và lối thoát ra mái", ông Trần Hải Nam phân tích.

Đồng thời khẳng định, cần bám theo quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Bản thân mỗi quy chuẩn có tiêu chuẩn khác nhau như quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình thì liên quan đến phạm vi khi thẩm duyệt, các công trình cải tạo, bổ sung phải đáp ứng phòng cháy chữa cháy liên quan lối thoát ra mái và chống cháy lan. Các công trình trước đó thì bám theo quy định về các công trình đã được nghiệm thu trước. Đồng thời, cũng cần xem xét lại theo văn bản hướng dẫn của Cục phòng cháy chữa cháy đều nêu rõ về đối tượng tổng duyệt khi lắp đặt bổ sung thêm hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Chia sẻ tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường ĐHKT-ĐHQG Hà Nội cho biết, báo cáo mà viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố, trong 10 năm trở lại đây, việc tự chủ nguyên liệu trong các ngành sản xuất như da giày, dệt may, linh kiện điện thoại, thủy sản là quan trọng nhất. Cũng dựa trên báo cáo này, bối cảnh lãi suất cao, chi phí vốn bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp… đã đặt ra những yêu cầu cấp thiết hơn trong năng lượng xanh bởi chi phí tính toán tiết kiệm năng lượng điện, năng lượng tái tạo đó là bài toán để tạo ra lợi thế cho doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường ĐHKT-ĐHQG Hà Nội

TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường ĐHKT-ĐHQG Hà Nội

Theo ông Việt, vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch điện 8). Quy hoạch điện 8 ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Nguồn điện này sẽ đạt tỉ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030. Mục tiêu là hướng tới đạt tỉ lệ năng lượng tái tạo 47% theo cam kết về chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP). Định hướng đến năm 2050, tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.

Vị chuyên gia cho biết, quy hoạch điện 8 sẽ tạo tiền đề cho phát triển năng lượng điện tái tạo. Hoàn thiện khung thể chế pháp luật điều kiện phát triển điện tái tạo, điện mái nhà, tự sản tự tiêu.

Tuy nhiên, cũng có vấn đề đặt ra là không thể tự sản tự tiêu hoàn toàn, doanh nghiệp cần có sự dự trữ về năng lượng. Do vậy, việc đấu nối với điện lưới quốc gia cần được xem xét, cần có chính sách nào đấy để cho phép đấu nối.

Phó Viện trưởng VEPR cũng chỉ ra mặc dù đã có các quy định về các yếu tố kỹ thuật để kiểm soát, lắp đặt, sửa chữa điện năng lượng tái tạo, song thể chế chính sách rõ ràng, quy trình thủ tục để lắp đặt hệ thống mới, hay sửa chữa mất rất nhiều thủ tục quy trình kèm theo. Đồng thời gây ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là với cơ sở, ngành xuất khẩu khi khách hàng có các yêu cầu về năng lượng sạch.

Theo ông Việt, để đạt được mục tiêu đề ra tại quy hoạch điện 8, cần có cơ chế xác nhận cho người dân làm. Đồng thời, thảo luận, sửa đổi quy trình, thủ tục, tìm phương án tháo gỡ để có cơ chế chính sách phù hợp, bởi “nếu không có phương án ngay chúng ta sẽ mất cơ hội” – ông Việt nói.

Ông Phan Công Tiến – Chuyên gia năng lượng và thị trường điện cho biết, phát triển năng lượng xanh đã có từ lâu nhưng vướng mắc xuất phát từ quy hoạch điện VIII, cụm từ tự sản tự tiêu, về mặt năng lượng cũng như kinh nghiệm quốc tế là mô hình phát triển sau công tơ.

Ông Phan Công Tiến – Chuyên gia năng lượng và thị trường điện

Ông Phan Công Tiến – Chuyên gia năng lượng và thị trường điện

Trước đây người sử dụng điện truyền thống, mua điện trước công tơ, hiện nay, việc phát triển các mô hình phân tán được thuận lợi do công nghệ, giá thành nên việc phát triển sau công tơ ra đời. Trong đó có 2 phương thức, người sử dụng tự đầu tư, người dùng điện tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, tăng sản phẩm cũng như đóng thuế có lợi cho người sản xuất; phương thức thứ 2 là hợp tác, người sử dụng kết hợp với doanh nghiệp phát triển, đảm bảo hài hòa lợi ích 2 bên, trong đó có sự đảm bảo ổn định về lưu trữ, cũng như thúc đẩy phát triển khi nguồn cung dư thừa.

Về mặt lợi ích, với mô hình này, nhà nước, người dân và doanh nghiệp đều có lợi thì nên mở cửa cho làm. Về phía người dân và doanh nghiệp khi sử dụng thì cơ cấu giá điện sẽ giảm. Về mặt Nhà nước, nếu phát triển mô hình sau công tơ thì doanh nghiệp sẽ đóng thuế như mô hình phát triển trước công tơ, đồng thời khi doanh nghiệp có điện giá rẻ sẽ tăng sản xuất, tạo ra nhiều nguồn thu cho nền kinh tế.

Về lâu dài, cần có các công ty dịch vụ năng lượng để tham gia vào quá trình bán điện, để tránh quá trình tự sản, tự tiêu gây lãng phí nguồn điện, trong khi đó, Nhà nước cũng sẽ có thêm nguồn thu từ thuế.

Ông Trần Thanh Bình, Phó Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn EVN chia sẻ, từ khi sau Quyết định số 11 và 13 của Thủ tướng Chính phủ thì EVN đã phát triển được 113.000 hệ thống điện áp mái. Năm 2021-2022, hệ thống này đưa lên lưới điện 11,3 tỉ KWH. Năm 2022 hệ thống này chiếm khoảng 4,21% điện sản xuất và nhập khẩu của toàn hệ thống. Công suất phát điện quy đổi tương ứng khoảng 7700 MWh.

Ông Trần Thanh Bình, Phó Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn EVN

Ông Trần Thanh Bình, Phó Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn EVN

Điện mặt trời mái nhà là một lĩnh vực rất có lợi cho chủ đầu tư, cho doanh nghiệp, người dân cũng như cả hệ thống điện. Đặc điểm của nó là nguồn phân tán sản xuất điện tại chỗ, không tốn nhiều chi phí truyền tải. Ngoài ra nó còn giúp tận dụng nguồn lực xã hội hóa.

Tuy nhiên, theo ông Bình, thời gian qua, chúng ta gặp nhiều vấn đề như đã có nhiều ý kiến. Do đây là một lĩnh vực mới mà trong ngắn hạn chúng ta đã đưa ra rất nhanh, trong đó có cơ chế khuyến khích bằng giá cố định, nên đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư. Trong đó, tôi đánh giá ngoài các nhà đầu tư chuyên nghiệp hiểu biết rất sâu về vấn đề, thì còn có một số nhà đầu tư theo tâm lý đám đông trong khi chưa chắc đã hiểu hết về quy định pháp luật liên quan.

Nhiều nhà đầu tư chỉ nghĩ đơn giản là họ có sẵn mái nhà, họ mua pin lắp lên nhưng không nghĩ đến vấn đề PCCC, môi trường, hay thủ tục, giấy phép hoạt động điện lực... Chính vì việc không nắm hết các quy định quản lý nên đã nảy sinh một số vấn đề phức tạp, như vi phạm đất đai, PCCC, an toàn công trình xây dựng…

Bên cạnh đó, phải nói rằng đâu đó một số cơ chế tiêu chuẩn liên quan chúng ta chưa kịp xây dựng, ban hành cụ thể nên dẫn tới chồng chéo, khiến một số chủ đầu tư không hiểu hết và không tuân thủ. Câu hỏi đặt ra là sắp tới làm thế nào để đảm bảo hiệu quả đó, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư vừa qua đang vướng mắc. Ví dụ như về 4 vấn đề: PCCC, an toàn công trình xây dựng, môi trường, đất đai. Đây là 4 vấn đề mà có nhiều trường hợp chưa được giải quyết.

Ông Bình lấy ví dụ về đất đai, một số nhà đầu tư làm trang trại nông nghiệp và lắp điện mặt trời để bán. Nhưng trong luật đất đai chưa quy định việc này có chuyển đổi mục đích hay không, phù hợp mục đích sử dụng hay không. Hay về PCCC, hệ thống điện mặt trời áp mái không thuộc đối tượng thẩm định thiết kế phê duyệt, như theo văn bản hướng dẫn 3288 và văn bản 2007 hướng dẫn về PCCC. Các quy chuẩn về xây dựng cũng chưa rõ ràng.

“Nói tóm lại, vấn đề là có một số quy định của chúng ta còn chưa cụ thể và đâu đó nhiều chủ đầu tu cũng chưa hiểu hết. Do đó tôi đồng tình phải rà soát lại các quy định đó để hướng dẫn cụ thể” – ông nói.

Về tiêu chuẩn kĩ thuật, trước 2020 EVN cũng đã kiến nghị Bộ Công thương và Bộ Khoa học & Công nghệ xây dựng quy chuẩn về lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Các tấm pin hay vector phải được phê duyệt mẫu, hoặc làm đánh gía điển hình để dựng rào cản kĩ thuật nhằm chặn các thiết bị hiệu suất thấp, chất lượng kém. Đồng thời, EVN đã đề xuất đưa ra cơ chế các nhà sản xuất tấm pin phải có cơ chế trách nhiệm thu hồi, mua lại tái chế các tấm pin.

Ngoài ra, việc vận hành hệ thống điện cũng rất phức tạp. An ninh hệ thống phải được đảm bảo theo kế hoạch vận hành để đảm bảo tính xuyên suốt. Nếu không có kiểm soát về tần số điện áp,… thì rất khó quản lý vận hành. Do đó buộc phải tuân thủ các quy định Bộ Công thương về giám sát vận hành. Cần một cơ chế hướng dẫn cụ thể về thế nào là tự sản tự tiêu, thì cũng cần cơ chế về thế nào là tự sản tự tiêu, điện áp mái không bán điện lưới, ai giám sát, ai thống kê. Ngoài ra các quy định về PCCC và các vấn đề khác…

Ông Bruno Jaspaert - Tổng Giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C cho biết, nhiều chuyên gia đã đưa ra kiến nghị, song cần có cách nhìn khách quan hơn về vấn đề đấu nối với mạng lưới điện quốc gia, và cần đảm bảo ổn định cho mạng lưới điện quốc gia.

Ông Bruno Jaspaert - Tổng Giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C

Ông Bruno Jaspaert - Tổng Giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C

Chia sẻ lại ý kiến của ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, về ba mô hình phát triển kinh doanh điện thì, ông Bruno cũng giới thiệu mô hình thứ 4 là bên chủ đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp thì cũng đầu tư vào hạ tầng điện để bán lại cho các đơn vị thuê nhà kho, xưởng trong khu công nghiệp.

Ông cho biết, hiện Deep C đã có giấy phép để lắp đặt, triển khai mô hình này. Cách đây 5 năm, Deep C đã lắp đặt thiết bị điện áp mái, hạ tầng truyền tải, tự sản xuất điện, nhưng đồng thời cũng mua điện từ EVN để phân phối lại cho khách hàng.
“Chúng tôi cũng là đơn vị đầu tiên thực hiện lắp đặt hệ thống điện mái nhà trống của công nghiệp, chúng tôi cũng có dự án về điện gió để sản xuất điện năng lượng tái tạo doanh nghiệp” – ông Bruno nói.

Tại Deep C, đơn vị này đã làm việc với khách hàng để thuê lại phần mái nâng cấp để đạt được các tiêu chuẩn đề ra về PCCC.

Song, ông Bruno cũng chỉ ra, thực tế, quá trình thực hiện cũng gặp nhiều vấn đề, trong đó lớn nhất là giấy phép. “Chúng tôi mất rất nhiều thời gian mới có giấy phép đầu tư phát triển điện năng lượng mặt trời. Trong khi đó thì làn sóng đầu tư vào Việt Nam đang rất lớn, lượng đầu tư vào phát triển nhanh hơn khả năng chúng tôi sản xuất điện và bán ra” – ông Bruno quan ngại.

Cũng theo CEO Deep C, chúng ta đều biết rằng Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đang đứng trước một nhiệm vụ to lớn: nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện tại của họ lên mức có thể bù đắp mức tiêu thụ cao điểm so với mức cao nhất theo chu kỳ của năng lượng tái tạo và đảm bảo duy trì lưới điện ổn định. Một giải pháp là cấp phép cho mô hình lưới điện siêu nhỏ.

Bằng cách đó, mỗi khu công nghiệp có thể trở nhà sản xuất năng lượng thay vì là đơn vị tiêu thụ năng lượng. “Ngay cả khi có thể đáp ứng được cả về mặt kỹ thuật và thương mại, chúng tôi thấy rằng đối với bất kỳ khu công nghiệp nào, đây là một nhiệm vụ rất khó thực hiện, không phải vì việc thiếu thiện chí đầu tư mà vì thủ tục để thực hiện điều đó rất phức tạp và thường là không được chính quyền địa phương hoặc ngành điện tỉnh ưu ái” – ông bày tỏ.

Ông Nguyễn Hải Anh – Phó tổng Giám đốc Công ty CP Shinec, Chủ đầu tư KCN Sinh thái Nam Cầu Kiền cho biết, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền là khu công nghiệp do Việt Nam đầu tư, về nguồn vốn thì thấp hơn so với các khu công nghiệp từ nguồn vốn FDI đầu tư nhưng đây là khu công nghiệp sinh thái nên năng lượng xanh luôn được chú trọng. Các nhà đầu tư tại khu công nghiệp cũng rất quan tâm đến điện áp mái. Quy hoạch Điện VIII vừa mới ra đời đem đến nhiều tín hiệu tích cực, thế nhưng, các quy chế, định nghĩa khiến doanh nghiệp không khỏi băn khoăn về định nghĩa “tự sản tự tiêu”, quy trình xin phép như nào,… vì vậy, “rất mong các cơ quan quản lý cần sớm có những hướng dẫn rõ ràng, những cơ chế cụ thể để các nhà đầu tư có thể xây dựng kế hoạch phát triển” – ông Hải Anh nói.

Ông Nguyễn Hải Anh – Phó tổng Giám đốc Công ty CP Shinec, Chủ đầu tư KCN Sinh thái Nam Cầu Kiền

Ông Nguyễn Hải Anh – Phó tổng Giám đốc Công ty CP Shinec, Chủ đầu tư KCN Sinh thái Nam Cầu Kiền

Bên cạnh đó, ông cho biết, hiện nay, quá trình phát triện điện áp mái tại khu công nghiệp, doanh nghiệp cũng đã và đang gặp phải không ít vướng mắc như: Giấy phép xây dựng - quy định phải xin giấy phép xây dựng đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà là không phù hợp với Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam và Luật Xây dựng. Theo các định nghĩa trong Quyết định số 13 và Luật Xây dựng thì hệ thống điện mặt trời mái nhà không phải là công trình xây dựng do không liên kết và định vị với đất.

Thẩm duyệt thiết kế PCCC - Quy định PCCC cho điện mặt trời mái nhà mới nhất hạn chế về Giới hạn chịu lửa R15, trong khi đa số các nhà xưởng thép tiền chế đều không đạt GHCL này. Thêm vào đó quy định chất chống cháy lan đối với các lớp cách nhiệt trên mái rất khó đạt được, do các tấm cách nhiệt theo tiêu chuẩn Nhật Bản cũng bị cháy lan. Đó là khó khăn về vật liệu, các quy định của PCCC thiếu tính thực tiễn.

Về báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc đánh giá tác động môi trường, trong thực tế, các dự án điện mặt trời mái nhà có quy mô nhỏ, được lắp đặt trên mái các công trình nhà xưởng đã được hình thành trong phạm vi khu công nghiệp. Theo Luật Bảo vệ Môi trường hiện hành, điện mặt trời mái nhà cũng không thuộc bất kỳ phân loại nhóm nào có nguy cơ tác động xấu đến môi trường theo quy định chung về danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Do đó, yêu cầu lập lại điện mặt trời toàn khu đối với khu công nghiệp chỉ vì có hoạt động phát điện từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà là chưa phù hợp.

Về tính ổn định của chính sách, việc đầu tư cho năng lượng tái tạo có thời gian thu hồi vốn dài, vì vậy, doanh nghiệp mong muốn cần có những cơ chế, chính sách cụ thể, tránh việc phát triển ồ ạt. Đồng thời, cần sớm hoàn thiện cơ chế bán điện trực tiếp bởi đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến nhà đầu tư. Không có sự ổn định, nhà đầu tư không dám thực hiện các dự án.

Đại diện SP Group cho biết, Quy hoạch điện 8 khuyến khích các doanh nghiệp tự sản tự tiêu, do đó tôi sẽ tập trung vào mô hình các quỹ đầu tư đang làm. Khi vào thị trường Việt Nam, SP Group là doanh nghiệp đã có uy tín quốc tế và mong muốn mang lại giá trị của mình giúp doanh nghiệp.

Đại diện SP Group

Đại diện SP Group

Việt Nam là thị trường khá non trẻ với SP sau thời gian dài hoạt động tại Úc, Singapore hay Trung Quốc. Hiện SP đã thành lập được các công ty có pháp nhân tại Việt Nam và huy động được các nguồn tài chính vững mạnh, đồng thời đảm bảo việc tuân thủ pháp luật quy định của Việt Nam về PCCC hay xây dựng. Năm 2022, SP đã được đánh giá là một trong những nhà đầu tư phát triển điện mặt trời hàng đầu ở Việt Nam.

Mô hình tự dùng của SP khá phổ biến với nhiều nhà cung ứng. Tuy nhiên, mô hình của SP là đầu tư toàn bộ trực tiếp phần vốn, phụ trách giấy phép và phụ trách phần bảo trì hệ thống trong suốt thời gian thi công hợp đồng, thông thường là nhà thầu Việt Nam. Trong đó, giá tiền điện sẽ được chiết khấu cho các khách hàng. Ở miền Bắc chưa quá hấp dẫn, nhưng miền Trung và Nam thì giá có thể thấp hơn khoảng 10-20% so với EVN.

Với mô hình đầu tiên là khách hàng tự đầu tư hệ thống, theo đại diện SP, hiện nay nếu ở miền Bắc thì chi phí đầu tư ban đầu quá lớn và thời gian thu hồi vốn quá dài. Theo đó, SP đang theo đuổi một giải pháp là SP đầu tư và đồng hành cùng doanh nghiệp suốt thời gian hợp đồng, từ 15-25 năm. Thời gian dài như vậy chính là lý do vì sao khách hàng thường đồng hành cùng SP bởi sự bền vững về tên tuổi và tài chính. Trong mô hình của SP, cần nhấn mạnh rằng quy trình vận hành của SP đều tuân thủ quy định của Việt Nam và với các thiết bị hiện đại nhất.

Đại diện công ty Greenyellow cho biết, công ty có ba giải pháp giúp cho doanh nghiệp sử dụng điện xanh sạch.

Thứ nhất, là sử dụng điện mặt trời áp mái. Thứ hai, là mua chứng chỉ xanh cho hoạt động thương mại xanh của quốc tế cho doanh nghiệp. Thứ ba là tối ưu hóa việc thiện doanh nghiệp sử dụng điện năng. Theo đó, với các trang thiết bị tân tiến nhất giúp doanh nghiệp giảm phát thải carbon.

Đại diện công ty Greenyeloow

Đại diện công ty Greenyellow

“Với cả ba giải pháp này chúng tôi đều cung cấp. Và giải pháp cốt lõi là điện năng lượng mặt trời áp mái. Chúng tôi là đơn vị đầu tư toàn bộ thiết bị, từ thiết kế, thi công, hay bảo trì và làm giấy phép cũng như chịu trách nhiệm về bảo hiểm trong toàn bộ thời gian hợp đồng”. - Đại diện công ty Greenyellow nói.

Bà cũng cho biết: "Chúng tôi cũng đóng vai trò là đơn vị cung cấp điện thứ hai cùng với EVN cho khách hàng. Với mô hình như vậy khách hàng không cần bỏ chi phí đầu tư, chi phí vận hành trong suốt thời gian hoạt động, chi phí này đã do quỹ đầu tư của chúng tôi chi trả. Đồng thời tiết kiệm được chi phí so với điện mà khách hàng đang mua. Chúng tôi có thể chiết khấu 10-15% so với giá trị của EVN ở thị trường miền Bắc".

Ngoài ra, bà cho biết, doanh nghiệp đang thực hiện chứng chỉ xanh chúng tôi sẽ cấp cho khách hàng chứng chỉ xanh để minh cung cấp cho đối tác về việc đang sử dụng điện xanh với tỷ lệ nhất định. Chúng tôi cũng cam kết về hiệu suất và bảo trì trong thời gian hợp đồng. Chúng tôi đảm bảo hiệu suất, an toàn cho khách hàng. Hệ thống của chúng tôi phải đạt được yêu cầu cao nhất về an toàn và những yêu cầu của nhà nước, toàn bộ trang thiết bị tối tân nhất để đảm bảo cho hệ thống trong thời gian hoạt động và hiệu suất cho hệ thống sản xuất của khách hàng.

Đại diện SkyX Solar

Đại diện SkyX Solar

Đại diện SkyX Solar cho biết, VinaCapital thành lập SkyX Solar năm 2019 và là cổ đông duy nhất cho đến khi EDF Renewables gia nhập và trở thành nhà đầu tư chiến lược. EDF Renewables là một “gã khổng lồ” trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đã phát triển hệ thống dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất hơn 13.000 MW tại hơn 20 quốc gia trên khắp thế giới.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, SkyX Solar đã hướng tới trở thành đối tác năng lượng xanh của các doanh nghiệp thương mại và công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam và đã phát triển khoảng 30 MWp điện mặt trời áp mái đưa vào vận hành chỉ trong năm 2020. Cho đến hiện tại, đơn vị này đã kết hợp với các khách hàng công nghiệp hàng đầu để góp phần chuyển đổi toàn bộ điện tiêu thụ sang sử dụng năng lượng tái tạo.

SkyX Solar sở hữu thế mạnh của một công ty nội địa lớn tại Việt Nam, kết hợp những lợi thế của một công ty quốc tế để cung cấp các giải pháp năng lượng mặt trời đẳng cấp quốc tế cho khách hàng của mình.

Ông Vũ Hải – Chủ tịch Công nghệ xanh Hùng Việt cho biết, Hùng Việt tham gia vào tất cả các khía cạnh trong quá trình thực hiện các dự án điện mái, với nhiều giải pháp từ pháp lý cho đến khi đưa vào sử dụng, với thời gian thu hồi vốn hiệu quả. Chúng tôi có nhiều nguồn quỹ và các đầu tư để đáp ứng đủ các nhu cầu của người sử dụng, và đưa ra các giải pháp cụ thể phù hợp chi phí. 

Ông Vũ Hải – Chủ tịch Công nghệ xanh Hùng Việt

Ông Vũ Hải – Chủ tịch Công nghệ xanh Hùng Việt

Ngoài các vấn đề về lắp đặt, thì vấn đề về lưu trữ thì phía doanh nghiệp cũng là một trong những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này, có thể thực hiện và thu hút các nguồn vốn về xây dựng hệ thống lưu trữ với chi phí hợp lý. Thực tế hiện nay, chi phí của dịch vụ này cũng đang giảm rất nhanh, và có giá thành hợp lý. Chỉ cần người dùng có nhu cầu thì phía doanh nghiệp có thể đưa ra tất cả các giải pháp tốt nhất.

Phát biểu tổng kết tọa đàm, Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, cơ quan quản lý, đại diện EVN đã có những chia sẻ và giải đáp các thắc mắc doanh nghiệp và có những ý về việc tuân thủ các quy chuẩn, quy định về đầu tư, lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Các doanh nghiệp cũng đã chia sẻ những kiến nghị cụ thể hơn tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đưa ra những ý kiến đề xuất trong việc cần sớm có những cơ quan đầu mối để quản lý việc cấp phép triển khai điện mặt trời mái nhà, có những cơ quan cấp chứng chỉ chứng nhận xanh tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu những hoạt động của doanh nghiệp.

Với vị trí là cơ quan ngôn luận của VCCI – đại diện của cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân, ban tổ chức sẽ tổng hợp các ý kiến của các đại biểu, doanh nghiệp, trình Chính phủ, các bộ ngành nhằm sớm có cơ chế chính sách phù hợp, những hướng dẫn cụ thể việc để hỗ trợ doanh nghiệp, các nhà đầu tư thúc đẩy triển khai điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp. Đây là nhu cầu rất cấp thiết trong việc đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Chương trình được tường thuật trực tuyến từ
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết NĂNG LƯỢNG XANH CHO DOANH NGHIỆP: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714168156 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714168156 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10