TRỰC TUYẾN: Ngân hàng số và thanh toán điện tử - Gợi mở từ khủng hoảng COVID -19

NHÓM PHÓNG VIÊN 21/05/2020 14:04

Toạ đàm trực tuyến với chủ đề: Ngân hàng số và thanh toán điện tử: Gợi mở từ khủng hoảng COVID -19 diễn ra lúc 14h00 - 17h00, ngày 21/05 tại Tầng 7, Tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội.

Dịch COVID-19 đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế, ảnh hưởng đến tất cả mọi ngành nghề là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, xét ở một góc độ tích cực, đối với lĩnh vực ngân hàng, dịch COVID-19 lại đang thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đua của các ngân hàng và các doanh nghiệp công nghệ tài chính trong tiến trình triển khai số hóa dịch vụ và thanh toán điện tử.

Mặc dù Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định về xây dựng hành lang pháp lý cho dịch vụ ngân hàng số và thanh toán điện tử, nhưng thực tế vẫn tiếp tục đặt ra yêu cầu hoàn thiện mặt pháp lý, về năng lực các ngân hàng, sự đồng bộ trong môi trường quốc gia số….

Chính vì vậy, chiều ngày 21/5/2020, tại Hà Nội, được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức toạ đàm trực tuyến: Ngân hàng số và thanh toán điện tử: gợi mở từ khủng hoảng COVID - 19.

Tham dự tọa đàm có: TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI; Ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN; Ông Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam; Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu; Ông Huỳnh Ngọc Huy – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt; Ông Nguyễn Quang Hưng - Tổng Giám đốc Công ty Napas; Ông Nguyễn Chiến Thắng - Giám đốc Ngân hàng số BIDV; Ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch HĐQT CTCP MISA; Đại diện Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính; Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn - Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.

Toàn cảnh tọa

Toàn cảnh tọa đàm trực tuyến: Ngân hàng số và thanh toán điện tử- gợi mở từ khủng hoảng COVID - 19.

Cuộc di dân vĩ đại của thế giới trên không gian số

Phát biểu khai mạc Toạ đàm, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia ít ỏi trên thế giới đã kiểm soát khá tốt dịch bệnh COVD-19. Chính phủ Việt Nam đã chính thức tái khởi động để phục hồi nền kinh tế. Trên thực tế, dịch bệnh gây ra nhiều tác động vô cùng nguy hại cho nền kinh tế và xã hội nhưng ở chiều ngược lại đây cũng chính là động lực thúc đẩy sự thay đổi trong đời sống và nền kinh tế.

Ông cho rằng, trong thời gian COVID-19, chúng ta chứng kiến cuộc di dân vĩ đại của thế giới trên không gian số để phòng chống COVID-19. “Tôi tin rằng cuộc di dân này không chỉ là cuộc di dân để phòng chống COVID-19 mà còn là cuộc di dân thúc đẩy sự phát triển của nhân loại” – Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI

TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta chủ trương thúc đẩy nền kinh tế số, Chính phủ điện tử, kinh doanh điện tử bằng việc đưa ra nhiều Nghị quyết của Chính phủ, các chương trình hành động, ban chỉ đạo,… nhưng việc thực thi chưa mang lại những hiệu quả mong muốn. Đại dịch COVID-19 lại là chất xúc tác để chúng ta có thể đẩy nhanh việc thực hiện các hoạt động xã hội trên không gian số.

TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc tái cấu trúc nền kinh tế sau đại dịch có rất nhiều việc phải làm, một trong những việc rất quan trọng đó là phải thực hiện số hóa nền kinh tế và số hóa doanh nghiệp, đẩy mạnh thương mại điện tử. Yêu cầu số hóa và quốc tế hóa đang trở thành những yêu cầu quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Số hóa và quốc tế hóa đảm bảo sự phát triển hiệu quả hơn, bền vững hơn của nền kinh tế và của các doanh nghiệp.

Trong các nền kinh tế ở Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có lợi thế trong phát triển kinh tế số. Ông Lộc cho biết, Việt Nam có hạ tầng số phát triển khá mạnh so với các nền kinh tế trong khu vực. “Đó là lợi thế để chúng ta có thể chuyển nền kinh tế số sang không gian số, thúc đẩy số hóa trong các doanh nghiệp” – ông nói.

Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện đã có 70 tổ chức tín dụng và chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán như ví điện tử đã triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua Internet, cung ứng các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet đã đạt trên 7 triệu tỷ đồng và 300 nghìn tỷ đồng giao dịch qua điện thoại di động. Những con số này bước đầu có ý nghĩa, tuy nhiên nếu so với quy mô của nền kinh tế, lượng giao dịch như vậy là nhỏ.

Nếu so với mô hình ngân hàng truyền thống thì ngân hàng số và ví điện tử có nhiều điểm khác biệt và có lợi thế cạnh tranh so với mô hình truyền thống. Tất cả các kênh giao tiếp với khách hàng được thực hiện trực tuyến thông qua các thiết bị di động với một giao diện phong phú, trực quan và gắn kết, tạo sự gắn bó với khách hàng.

Mặc dù Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định về xây dựng hành lang pháp lý cho dịch vụ thanh toán số nhưng vẫn còn trở ngại về mặt pháp lý, thủ tục giấy tờ trong hệ thống các văn bản hiện hành, khiến thanh toán số chưa thể mở rộng nhanh và dễ dàng tới nhóm khách hàng ưa tiện lợi.
Cụ thể là sự thiếu phù hợp giữa các quy định về chứng từ điện tử hiện hành và tính chất đặc thù của những chứng từ điện tử phát sinh trong các giao dịch số; Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với các lĩnh vực chứng thực chữ ký số đã được ban hành nhưng còn nhiều hạn chế; Vấn đề bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng vẫn chưa đảm bảo... Đặc biệt, trong khi các định chế tài chính truyền thống đang chịu nhiều ràng buộc pháp lý để đảm bảo an toàn hệ thống, thì các quy định pháp lý đối với các công ty Fintech ở Việt Nam còn chưa đầy đủ.

Các đại biểu tham dự

Các đại biểu tham dự tọa đàm trực tuyến: Ngân hàng số và thanh toán điện tử- gợi mở từ khủng hoảng COVID - 19.

Qua những đánh giá chung như vậy, TS Vũ Tiến Lộc nhận định: so với cơ sở hạ tầng cứng của nền kinh tế số, nền tảng công nghệ số đã vượt lên trên hạ tầng mềm, hệ thống quy định pháp lý, hệ thống thể chế liên quan đến kinh tế số. Ở đây có sự khập khiễng giữa nền tảng về công nghệ số với nền tảng thúc đẩy nền kinh tế số. Do đó, hai nền tảng này (nền tảng cứng và nền tảng mềm) cho nền kinh tế số phải được thực hiện song hành để thúc đẩy nền kinh tế số và thúc đẩy hệ thống ngân hàng số và bộ phận thanh toán điện tử trong nền kinh tế nước ta.

“Tôi tin tưởng rằng, từ tọa đàm trực tuyến này, cũng như sự bắt nhịp của các doanh nghiệp, ngân hàng thì thanh toán điện tử sẽ đáp ứng đúng yêu cầu của Quyết định 645/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 năm 2025, qua đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%” – Chủ tịch VCCI nói và nhấn mạnh, không chỉ là toạ đàm, trao đổi, kiến nghị chính sách, cuộc gặp gỡ hôm nay sẽ là môi trường, không gian nền tảng kết nối các ngân hang - doanh nghiệp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số, ngân hàng số và thanh toán số ở Việt Nam.

Ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN

Theo ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN, NHNN đã đồng hành cùng doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19. Khoảng hơn 1.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó đa số là các giao dịch dưới 2 triệu đồng được thực hiện dưới hình thức giao dịch điện tử.

Cụ thể, chính sách hỗ trợ về thanh toán trong dịch COVID-19 được thực hiện theo hướng chỉ đạo NAPAS 2 lần giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7; đồng thời điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng.

Đồng thời, NHNN chỉ đạo TCTD miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực truyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia; Miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng chống dịch COVID-19/ miễn phí cho người thụ hưởng nhận hỗ trợ thiệt hại do dịch COVID-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ,…

Ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN

Ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN

Trong bối cảnh kinh tế số, thanh toán điện tử phát triển nhanh chóng, chính sách có đuổi kịp được sự phát triển này không?. Ông Phạm Tiến Dũng cho rằng: Chúng ta mất một vài năm để ra đời một Nghị định, trong khi đó công nghệ luôn phát triển, thậm chí chỉ sau 2-3 tháng lại có một loại hình mới. Do đó, phải thay đổi, cho phép những mô hình đổi mới sáng tạo với những thứ chưa có cơ sở pháp lý, ví dụ như thời gian qua có mobile Money.

Để thúc đẩy kinh tế số, ông Phạm Tiến Dũng cho rằng, có 2 điểm cần lưu ý với các ngân hàng. Thứ nhất, phải làm thế nào để nhanh nhất đưa những người sử dụng thông thường trở thành khách hàng của ngân hàng. “Với mùa dịch COVID-19 vừa qua, chúng tôi phải xây dựng quy định về mở tài khoản bằng phương pháp xác nhận điện tử, tạo điều kiện cho khách hàng mở tài khoản” – ông Dũng thông tin.

Thứ hai, câu chuyện quan trọng hơn là khách hàng có được thoả mãn với những sản phẩm, dịch vụ mà ngân hàng cung cấp.

Thanh toán trong giai đoạn vừa qua đặt ra vấn đề phải kết nối hệ thống như kết nối với hệ thống dịch vụ công, đóng tiền điện... Ví dụ như vừa qua ngân hàng đã kết nối mobile banking với dịch vụ đi chợ,..., đây là sự đổi mới đáng ghi nhận.

Ông Dũng cũng cho biết thêm, dự kiến trong tháng 6 này, NHNN sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, lần đầu tiên Việt Nam sẽ có khái niệm về tiền điện tử, ngân hàng đại lý. Đây là cơ sở để các ngân hàng phát triển ngân hàng số toàn diện.

Ông Dũng cho biết, trong khi ngân hàng truyền thống xử lý hồ sơ tín dụng cho các doanh nghiệp mất khoảng 1 tuần, thì ngân hàng số có thể giải ngân cho doanh nghiệp chỉ sau khoảng 2 giờ bằng cách số hoá toàn bộ dữ liệu, dùng công nghệ thẩm định tín dụng.

Ông Dũng nhận định tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng về mobile banking là 200% cho thấy chúng ta đang tăng trưởng rất tốt. Thống kê hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày.

Tuy nhiên rào cản lớn nhất là thói quen, do đó, vẫn cần cú hích lớn để thay đổi thói quen người dùng. Tác động cần thiết ở đây là chất lượng dịch vụ phải tăng cường, thứ hai là hướng dẫn đào tạo, thứ ba thực hiện cài đặt và sử dụng dịch vụ mobile banking thật đơn giản để thay đổi thói quen người dùng. 

Ông Dũng khẳng định, các ngân hàng cần xây dựng được hệ sinh thái thông minh. Ví dụ như câu chuyện mà Điện lực đang làm xây dựng hệ thống kết nối với ngân hàng để khách hàng thực hiện giao dịch.

Bên cạnh đó, trong ngân hàng số và thanh toán số không thể không nhắc tới quan hệ hợp tác-ngân hàng-Fintech. Hiện có tới 81% tổ chức tín dụng lựa chọn mô hình hợp tác giữa Ngân hàng – Fintech để cùng phát triển. 

Về cơ bản, Việt Nam đã có khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán số, vấn đề đặt ra là phát triển những mô hình mới. Do đó, ông Dũng cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ xây dựng, ban hành Chương trình Hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết 50/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng số, thanh toán số. Trong đó, có Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt, hướng dẫn về định danh, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử (e-KYC); Thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). 

Đặc biệt, theo ông Dũng, cần hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ số, trong đó, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ ngành ngân hàng; Tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng của ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác để mở rộng hệ sinh thái số. 

Ngoài ra, chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số phải gắn với thúc đẩy tài chính toàn diện. Theo đó, triển khai các nội dung liên quan đến phát triển ngân hàng số, hợp tác Ngân hàng - Fintech, ứng dụng CNTT trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia về Tài chính toàn diện; đồng thời cung ứng dịch vụ ngân hàng an toàn, thuận tiện với giá cả hợp lý cho người dân chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt người dân khu vực vùng sâu, vùng xa, cũng như chú trọng nâng cao hiểu biết, kỹ năng tài chính.

Từ những đề xuất trên, đại diện NHNN kiến nghị: Thứ nhất, Việt Nam đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho phép chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm... “Chừng nào chưa xác định được chủ thể của giao dịch đó thì chúng ta không thể phát triển được thanh toán điện tử”, ông Dũng nhấn mạnh.

Thứ hai, cần xây dựng quy định về bảo vệ dữ liệu người dùng, định danh số, hoàn thiện quy định bảo mật giao dịch, an ninh thông tin.

Ông Nguyễn Quang Hưng - Tổng Giám đốc Công ty Napas

Ông Nguyễn Quang Hưng - Tổng Giám đốc Công ty Napas cho biết, đại dịch COVID-19 đến nay đã lan rộng ra toàn cầu gây thiệt hại rất lớn đối với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Về mặt kinh tế, COVID-19 đã có những tác động tiêu cực khiến cho chuỗi cung ứng dịch vụ, hàng hóa trên toàn cầu cũng như toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh bị đứt gẫy. Tuy nhiên, trên khía cạnh tích cực, đây lại là cơ hội để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Napas hiện đang quản trị và vận hành hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử - một trong bốn hệ thống thanh toán quan trọng của quốc gia - kết nối liên thông mạng lưới trên 19.000 máy ATM, 286.863 máy POS, trên 83 triệu thẻ của gần 50 ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Hưng - Tổng Giám đốc Công ty Napas

Ông Nguyễn Quang Hưng - Tổng Giám đốc Công ty Napas

Đồng thời, Napas cung cấp dịch vụ cổng thanh toán điện tử kết nối với hơn 200 đối tác là các đơn vị cung cấp dịch vụ công, các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực hãng hàng không, viễn thông, khách sạn, du lịch và nhiều dịch vụ thanh toán điện tử tiện ích khác cho người dân.

Ông Hưng cho biết, với vai trò Trung tâm chuyển mạch tài chính quốc gia, Napas đã và đang triển khai các dự án hoàn thiện hạ tầng thanh toán quốc gia, phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử đa tiện ích, đa kênh thanh toán, tạo thêm nhiều sự tiện lợi và tăng cường an ninh bảo mật cho các giao dịch thanh toán điện tử, thanh toán số của khách hàng, cung cấp các dịch vụ với chi phí hợp lý nhất.

Cụ thể, trong thời gian qua, Napas đã cung cấp dịch vụ chuyển mạch tài chính cho các giao dịch ATM, thanh toán POS, thanh toán giao dịch thương mại điện tử; cung cấp dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 qua ứng dụng Mobile Banking, Internet banking của 45 ngân hàng thương mại, với trung bình gần 2,8 triệu giao dịch/ngày, giá trị quyết toán trung bình 21.000 tỷ đồng/ngày; cung cấp dịch vụ thanh toán cho dịch vụ công, dịch vụ tiện tích như: điện, nước, cước bưu chính, học phí, viện phí,…

Về các giải pháp phát triển hạ tầng thanh toán trong thời gian tới, ông Hưng cho biết, Napas sẽ tiến hành nhiều giải pháp để phát triển hạ tầng thanh toán.

Đối với giải pháp đầu tiên, Napas sẽ chuyển đổi thẻ từ sang thẻ Chip. Theo đó, tháng 5/2019, Napas phối hợp với Hiệp hội ngân hàng Việt Nam và 7 NHTM đã giới thiệu thẻ chip contact và contactless ra thị trường. NAPAS đang phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng để thực hiện chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ chip theo như lộ trình chuyển đổi quy định tại Thông tư 41/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Đến hết Quý 1 năm 2020, NAPAS đã hoàn thành chứng nhận tiêu chuẩn thẻ chip nội địa cho 26 Ngân hàng, bao gồm: VCB, Vietinbank, Agribank, ABB, TPBank, Sacombank, ACB, MB, PVCom, TCB, SeABank, LienVietPostBank, ShinhanBank, HDBank, NamABank, VPBank, PublicBank, MSB, Vietbank, UOB, Indovina, Wooribank, SCB, BIDV, Hongleong Bank, SHB; đồng thời triển khai chứng nhận tiêu chuẩn thẻ chip nội địa cho các hãng cung cấp thẻ, thiết bị.

“Việc triển khai thẻ thanh toán không tiếp xúc của Ngân hàng được đánh giá là mang lại sự thuận tiện cho người dùng, tiết kiệm chi phí vận hành hệ thống quản lý thẻ, vé; phát hành thẻ, vé điện tử của đơn vị vận hành giao thông. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước của nhiều quốc gia, việc sử dụng thẻ không tiếp xúc ngân hàng để thanh toán phí giao thông được coi như là một mảnh ghép quan trọng để giảm thiểu sử dụng tiền mặt trong thanh toán”, ông Hưng nói.

Giải pháp thứ hai là, đưa vào vận hành Hệ thống thanh toán bán lẻ và bù trừ tự động (ACH). Đây là một trong các cấu phần quan trọng của hệ thống thanh toán quốc gia được NAPAS phát triển trên nền tảng hạ tầng chuyển mạch và bù trừ điện tử. Hệ thống bù trừ tự động cho các giao dịch bán lẻ dự kiến đưa vào vận hành chính thức trong tháng 6/2020.

Các đại biểu tham dự tọa đàm trực tuyến

Các đại biểu tham dự tọa đàm trực tuyến

Hệ thống ACH không chỉ kết nối cung cấp dịch vụ thanh toán cho Ngân hàng, Trung gian thanh toán, mà còn kết nối tới các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp cung cấp dịch công tích để cung cấp các dịch vụ thu/chi ngân hàng, chi trả các khoản trợ cấp xã hội, các khoản thanh toán cố địch như điện, nước, dịch vụ bưu chính.. ; Kết nối chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử với các quốc gia khác;

Giải pháp thứ ba là, triển khai cổng thanh toán Dịch vụ công. Từ năm 2015, Napas phối hợp với các đơn vị quan trọng và đầu mối như KBNN, Tổng cục thuế, Cục CSGT, các trung tâm hành chính công, Cục Tin học hóa – Bộ Thông tin truyền thông nghiên cứu xây dựng và phát triển mô hình thanh toán Dịch vụ công cấp 4 dựa trên các mã thanh toán (mã ID). Với mô hình này, Napas đóng vai trò cổng thanh toán kết nối giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ công với các Ngân hàng, Trung gian thanh toán để cung cấp dịch vụ công cấp độ 4 cho người dân. Khi đó, người dân chỉ cần sử dụng mã khoản nộp đã được cung cấp bởi các đơn vị cung cấp dịch vụ công, truy vấn và thực hiện thanh toán trực tuyến bằng thông qua các phương tiện thanh toán như: thẻ, tài khoản ngân hàng.

Ngoài ba nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, ông Hưng cho biết, hiện Napas cũng đang tập trung nghiên cứu các sản phẩm thanh toán mới trên nền tảng di động, bao gồm: cung cấp các tiện ích mới cho dịch vụ mobile banking của các ngân hàng như dịch vụ số hóa thẻ chip nội địa sử dụng trên các thiết bị di động; sử dụng điện thoại di động như thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán không tiếp xúc; chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật cho chuyển mạch thanh toán QR quốc tế với các nước trong khu vực; sẵn sàng kết nối Mobile Money với tài khoản ngân hàng, kết nối chuyển mạch giao dịch Mobile Money.

“Với các mục tiêu và giải pháp nêu trên, Napas đã sẵn sàng hạ tầng kỹ thuật cho việc chuyển đổi nhanh sang các phương thức thanh toán mới hiện đại hơn, qua đó góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt theo định hướng của Chính phủ, NHNN”, ông Hưng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Chiến Thắng – Giám đốc Ngân hàng số BIDV

Chia sẻ tại Toạ đàm, ông Nguyễn Chiến Thắng – Giám đốc Ngân hàng số BIDV cho biết, để đạt được những thành công của ngày hôm nay, BIDV đã có sự chuẩn bị từ năm 2014 bằng việc thành lập tổ nghiên cứu khả năng ứng dụng ngân hàng trên thiết bị di động, dành thời gian để tìm hiểu các ngân hàng có hệ thống phát triển ngân hàng số đã thành công trên thế giới.

Năm 2018, BIDV có Nghị quyết thành lập ngân hàng số. Năm 2019 BIDV cho ra đời Trung tâm ngân hàng số và trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên tiên phong thành lập ngân hàng số, chuyển đổi số trong ngân hàng, hướng đến xã hội không dùng tiền mặt.

ông Nguyễn Chiến Thắng – Giám đốc Ngân hàng số BIDV

ông Nguyễn Chiến Thắng – Giám đốc Ngân hàng số BIDV

Trong chiến lược năm 2020, phát triển ngân hàng đến 2025 tầm nhìn 2030, BIDV xác định công nghệ và ngân hàng số là một trong 3 trụ cột trong chiến lược phát triển chính của ngân hàng. Theo đó, Trung tâm ngân hàng số BIDV được thành lập gồm 5 trọng trách chính:

Thứ nhất, tham mưu điều hành triển khai số hóa cho ngân hàng. BIDV không chỉ có tham vọng tham mưu số hóa một phần ngân hàng, mà tập trung số hóa các kênh phân phối, hệ thống giao dịch, tương tác với khách hàng… để hướng đến số hóa toàn diện.

Thứ hai, thử nghiệm và phát triển mô hình kinh doanh số, đó là giả lập, mô phỏng các hành vi ngân hàng truyền thống trên không gian mạng, theo hình thức thử nghiệm các hành vi, thói quen người dùng.

Thứ ba, phát triển kênh phân phối và sản phẩm số, làm sao để số hóa tất cả các khách hàng.

Thứ tư, nâng cao năng lực phân tích dữ liệu để hiểu khách hàng, dựa trên dữ liệu xây dựng được chân dung khách hàng, cá thể hóa những nhu cầu mà khách hàng mong muốn.

Cuối cùng, đó là liên tục đổi mới sáng tạo bởi nếu không thay đổi thì sẽ bị bỏ lại phía sau.

Ông Thắng chia sẻ thêm, trước năm 2010, thẻ ATM là cuộc cách mạng chuyển dịch từ giao dịch tiền mặt sang, BIDV đã bắt kịp và trở thành top 3 ngân hàng có lượng điểm giao dịch lớn nhất. Để phát huy mạng lưới này, hiện khách hàng không nhất thiết phải dùng thẻ vật lý mà có thể dùng Pay+ để tạo ra, chấp nhận các QR code để rút tiền, thanh toán…Với mạng lưới có hơn 1.200 chi nhánh, BIDV tối ưu hóa và đưa ra e- Zone để tạo ra những chi nhánh ngân hàng như một ki ốt mà tại đó khách hàng được trải nghiệm hành trình số hóa, có thể trải nghiệm những trải nghiệm nạp tiền, rút tiền… như tại ngân hàng truyền thống.

Trong đợt dịch bệnh COVID-19 vừa qua, các dịch vụ trên smartbanking tăng trưởng lớn. Trong đó khách hàng có thể sử dụng đến 1.300 loại giao dịch thanh toán, chiếm 85% tổng giao dịch các kênh điện tử của BIDV, xử lý bình quân 15,5 triệu giao dịch/tháng với tổng giá trị 11.000 tỷ đồng. Trong đợt COVID-19 vừa qua, BIDV đã tích hợp VinID với hạng mục “đi chợ online” để tăng tiện ích cho khách hàng.

Về kênh ngân hàng số cho vay BIDV home banking, hiện ứng dụng đã kết nối với 22 sàn giao dịch bất động sản của 12 chủ đầu tư với thao tác đơn giản, các chính sách ưu đãi về lãi suất lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Ứng dụng sẽ mở rộng với một hệ sinh thái địa ốc trên toàn quốc và mở rộng ra: ô tô, đồ gia dụng…

Với đối tượng khách hàng là doanh nghiệp, BIDV cũng đã có kênh ngân hàng số eBank, khách hàng có thể sử dụng các giao dịch tài trợ thương mại, mở LC… Trong đợt dịch vừa qua, lượng giao dịch qua eBank tăng gấp 7 lần. BIDV cũng tăng tính năng ứng dụng công nghệ khi sử dụng các phương thức xác thực khuôn mặt, vân tay.

Bên cạnh đó, đại diện BIDV cũng cho biết, kênh xử lý tự động Paygate cung cấp hơn 1.200 dịch vụ, làm theo hướng Open API, hệ sinh thái da dạng. Hiện các bệnh viện nhỏ, trạm xá vẫn có thể kết nối nền tảng này mà không mất quá nhiều phí để trải nghiệm thanh toán số.

Theo đại diện BIDV, định hướng phát triển ngân hàng số trong thời gian tới sẽ tập trung 4 điểm: Phân phối số; Xây dựng hệ sinh thái mở; Xây dựng năng lực số; Phát triển marketing số hóa.

Ông Phạm Quang Đệ - Giám đốc Công nghệ Ngân hàng số - Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank):

Ông Phạm Quang Đệ - Giám đốc Công nghệ Ngân hàng số - Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết, Việt Nam có 95,5 triệu dân nhưng 65,8% người dân sống tại nông thôn và chỉ có 31% dân số sở hữu tài khoản ngân hàng, 68% điện thoại người dân sử dụng là điện thoại thông minh, có kết nối internet. Nhưng trên thực tế, hiện nay trong lĩnh vực TMĐT, thanh toán dùng tiền mặt vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Ông Phạm Quang Đệ - Phó Giám đốc khối Ngân hàng số Ngân hàng Bưu điện Liên Việt

Ông Phạm Quang Đệ - Giám đốc Công nghệ Ngân hàng số - Ngân hàng Bưu điện Liên Việt

Các nền tảng thanh toán hiện nay bao gồm 3 nền tảng chính là: Ví điện tử; Ứng dụng ngân hàng số và thẻ ngân hàng; Mobile Money. Trong đó, Mobile Money đang được  Bộ Thông tin & Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ban ngành nghiên cứu trình Thủ tưởng phê duyệt cho triển khai. Phương thức thanh toán mới này hứa hẹn sẽ trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi.

Hiện nay, chúng ta có những phương thức thanh toán, công nghệ thanh toán như QR code, NFC, Smile to Pay,...

Đáng chú ý, có một số ngân hàng như LienVietPostBank, Sacombank… có sự lai trộn giữa 2 góc độ là chức năng thanh toán giống như ví điện tử và ngân hàng số. Ngân hàng dùng sản phẩm thẻ trả trước phi vật lý để triển khai thanh toán, một phương thức ưu việt hơn ví điện tử rất nhiều. Khách hàng không có tài khoản ngân hàng vẫn có thể tạo tài khoản và sử dụng được toàn bộ dịch vụ thanh toán.

Các hình thức thanh toán tồn tại 1 số điểm yếu nhất định, như Thẻ: phải có thẻ vật lý và trang bị POS; Ngân hàng: Mới có 30% dân số tiếp cận dịch vụ này; Ví điện tử: Bắt buộc phải liên kết với tài khoản ngân hàng, có tài khoản ngân hàng mới tạo được ví điện tử, đây là rào cản tương đối lớn; Mobile money: Khó khăn về quản lý dòng tiền và phương tiện thanh toán.

Ông Đệ cho biết, mục tiêu của LienViet Postbank là trở thành ngân hàng bán lẻ. Hiện mạng lưới của Ngân hàng chỉ thua Agribank, bởi ở đâu có bưu điện ở đó có ngân hàng. Sản phẩm Ví Việt có sự lai ghép ví điện tử và ngân hàng số. Sản phẩm này được xây dựng cách đây 5-6 năm, khi đó còn chưa có nhiều ví điện tử trên thị trường nên các chức năng thanh toán một chạm hiện đại, phủ hết các dịch vụ thiết yếu của xã hội, có thể chuyển tiền qua số điện thoại sau vài giây... tạo ra được sự khác biệt. Nhưng hiện nay, việc sở hữu đầy đủ dịch vụ, liên kết được với nhiều đối tác, trải nghiệm khách hàng tiện lợi không còn tạo ra nhiều sự khác biệt nữa.

“Do đó, chúng tôi tập trung phát triển hệ sinh thái số. Hệ sinh thái của chúng tôi có điều đặc biệt là có thể kết nối được những đối tượng yếu thế trong xã hội. Đó là những đối tượng chưa có nền tảng công nghệ phù hợp để kết nối với hệ sinh thái này. Chúng tôi sẽ cung cấp cho họ những dịch vụ về điện toán đám mây để họ tham gia thanh toán không dùng tiền mặt”– Ông Đệ nói.

Liên quan đến vấn đề ứng xử với COVID-19 trong trạng thái bình thường mới, ông Đệ cho rằng, COVID-19 tạo ra cơ hội để đẩy mạnh thanh toán điện tử. “Chúng tôi có so sánh kỹ về trước, trong và sau COVID và thấy rằng trong COVID lượng giao dịch trực tuyến chỉ qua ứng dụng Ngân hàng số Ví Việt phát triển cực mạnh, tăng trưởng 20%, đạt 15.000 tỷ đồng về tổng giá trị giao dịch chỉ trong một tháng” – ông Đệ thông tin và cho biết: Xu hướng hành vi xã hội chắc chắn phải số hóa, các dịch vụ ngân hàng số sẽ tăng trưởng với quy mô, giá trị giao dịch lớn.

“Tổng giá trị giao dịch của Ví Việt - ngân hàng số của chúng tôi là 15.000 tỷ đồng nhưng thanh toán hóa đơn, dịch vụ mới chỉ đạt 110 tỷ đồng. Con số này vẫn còn rất nhỏ, phù hợp với nhận định của các chuyên gia trong diễn đàn đã phát biểu và nhận định ban đầu của tôi về Ví điện tử, thanh toán hóa đơn, thanh toán hóa đơn, thanh toán TMĐT mới chỉ chiếm tỷ trọng tương đối thấp trong dòng tiền lưu chuyển trên kênh số. Các hình thức thanh toán hiện nay vẫn phức tạp với người dùng, rào cản về thói quen dùng tiền mặt vẫn còn lớn".

Với ngân hàng vẫn phải vay và cho vay, các dịch vụ liên quan thanh toán chỉ là công cụ để giúp tiện ích cho người dùng, tạo kết nối với người dùng và khi tạo được thói quen, giữ được chân sẽ lôi kéo họ sử dụng dịch vụ ngân hàng” – ông Đệ cho biết thêm.

Theo ông Đệ, nghiên cứu của LienVietPostBank cho thấy, các trang thương mại điện tử (TMĐT) không sở hữu hoặc tích hợp sâu một ví điện tử làm công cụ thanh toán, giúp đơn giản hóa trải nghiệm người dùng thì đều đã biến mất trên thị trường. Các công ty TMĐT, công ty sở hữu nền tảng mua bán trực tuyến hiện đang phát triển lớn mạnh đều có sở hữu hoặc tích hợp sâu với các ví điện tử: Grab có Moca, Shopee có AirPay, Lazada tích hợp eMoney...

“Hiện nay, thanh toán trực tiếp còn nhiều khó khăn. Sắp tới chúng tôi tập trung phát triển BaaS (Banking as a Service) kết hơp với Fintech, sẵn sàng đưa các dịch vụ thanh toán, tài chính cho doanh nghiệp sử dụng như chính họ được sở hữu. Chúng tôi chỉ còn đợi NHNN ban hành Thông tư cho phép eKYC, Agent Banking là có thể triển khai các dịch vụ này” – ông Đệ thông tin thêm.   

Ngay sau khi lắng nghe các bài tham luận của các diễn giả là phiên thảo luận tại Toạ đàm. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đặt vấn đề: “Sự phát triển của ngân hàng số tại Việt Nam sẽ theo hướng nào? Chúng ta có những cơ hội gì và sẽ giải quyết những trở ngại nào để phát triển ngân hàng số tại Việt Nam và theo sau đó là các hoạt động thanh toán điện tử?

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Phân tích những vấn đề đặt ra với sự phát triển của thanh toán điện tử, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, trong xu hướng phát triển ngân hàng số toàn cầu, có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta chậm, cần “chạy” nhanh hơn. “Theo tôi, đúng là chúng ta chậm, nhưng chậm mà chắc, đừng nôn nóng. Hạ tầng công nghệ của chúng ta còn yếu; hoạt động lừa đảo, gian lận vẫn đang hoành hành mà chúng ta chưa kiểm soát được, do đó, đừng vội vã” – TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng

Trong hệ thống tài chính ở Mỹ, tiền điện tử, ví điện tử không hẳn phát triển mạnh mẽ. Hệ thống tài chính của Mỹ có 3 hệ thống thanh toán, hệ thống thứ nhất là hệ thống thanh toán bù trừ liên ngân hàng (CHIPS), hệ thống thanh toán thứ hai là hệ thống của Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fedwire funds service), hệ thống thứ 3 là hệ thống thanh bù trừ tự động (Automatic clearing house) có độ bảo mật rất cao.

Về phương tiện thanh toán, ngoài phương thức thanh toán sử dụng séc, tiền mặt..., có tới 67% giao dịch thanh toán ở Mỹ được thực hiện bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ. “Ở Mỹ, ví điện tử hầu như không ai dùng”, ông Hiếu cho biết. 

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trường hợp của Việt Nam lại khác, có 40% người dân không có tài khoản ngân hàng, do đó, để mời gọi họ sử dụng hệ thống thanh toán quốc gia thì phải kích thích họ dùng ví điện tử.

“Đối với ví điện tử, không có điều kiện bảo đảm cho người dùng, bởi tiền của họ có thể được sử dụng cho mục đích đầu tư khi hiện nay có hình thức đầu tư qua đêm và hình thức đầu tư trong ngày”, ông Hiếu cho biết và cảnh báo đây cũng có thể là rủi ro cho người dùng.

“Nếu chúng ta kiểm soát được điều này với chế tài chặt chẽ và công nghệ cao thì sẽ phát triển lành mạnh được loại hình ví điện tử” – TS. Hiếu nhấn mạnh.

Về mobile money, TS. Hiếu cho rằng rủi ro là nhà viễn thông lại không phải là ngân hàng, do đó hiện tượng rửa tiền có thể xảy ra. Cùng với đó, chức năng tạo tiền sẽ được các nhà mạng được phép thực hiện, đây là rủi ro với hệ thống tiền tệ.

Ông Lê Đình Ngọc, đại diện Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính

Ông Lê Đình Ngọc, Đại diện Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính thông tin, trong thế giới công nghệ, thanh toán số chiếm tỷ trọng lớn nhất. Những thách thức được TS.Nguyễn Trí Hiếu vừa nêu trên thực tế là vấn đề pháp lý và quá trình triển khai đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Đình Ngọc, Đại diện Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính

Ông Lê Đình Ngọc, Đại diện Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính

Về pháp lý có nhiều vướng mắc, nhưng nếu không thực hiện thì sẽ bị bỏ lại phía sau so với thế giới và bắt buộc phải triển khai. Với cương vị phối hợp, Bộ Tài chính luôn thống nhất chủ trương ngân hàng số sẽ phát triển nhanh và mạnh hơn, đẩy nhanh giao thương dịch vụ phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế.

Với Moblie Money, các vấn đề đặt ra là phải quản lý rửa tiền như thế nào, làm sao quản lý các công ty truyền thông sử dụng tiền khách hàng hay tạo tiền, thì Bộ tài chính đã đặt ra những giới hạn. Đó là khi tiền của khách hàng đưa vào công ty viễn thông thì bắt buộc phải chuyển 100% sang ngân hàng và bắt buộc không cho công ty truyền thông sử dụng tiền đó để đầu tư, mà chỉ để thanh toán cho khách hàng…

Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp: Sửa đổi Nghị định 101/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt đang đặt ra một số vấn đề, như chứng từ điện tử, vấn đề liên quan đến thanh toán trong hoạt động ngân hàng số. Ông Đặng Văn Thanh có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Ông Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam: Trước tiên, tôi muốn nói rằng chủ đề “Ngân hàng số và thanh toán điện tử - Gợi mở từ khủng hoảng COVID -19” nằm trong bối cảnh lớn là hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt đang khởi phát ở Việt Nam. Việc đưa công nghệ số, phần mềm tin học, kế toán vào sớm thì sẽ thúc đẩy xu hướng này nhanh chóng phát triển.

Ông Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam

Ông Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam

Về phía Bộ Tài chính bắt đầu áp dụng rộng chứng từ điện tử, chữ ký điện tử - đây là bước đầu để áp dụng công nghệ số.

Về phía ngân hàng, hiện nay, cách mạng số bắt đầu khởi phát cho phép phát triển giao dịch không dùng tiền mặt. Vừa rồi TS. Nguyễn Trí Hiếu đã khẳng định xu hướng này tại Việt Nam tuy chậm mà chắc. Tôi đồng ý với quan điểm rất hay này.

Ngoài ra, hệ thống ngân hàng ngoài kinh doanh tiền, tín dụng thì chức năng tổ chức lưu chuyển tiền tệ trong nền kinh tế cũng là vấn đề rất quan trọng.

Tôi buồn khi cách đây mấy hôm, một đại diện Bộ Tài Chính nói tiền có mà không tiêu được. Có tiền mà không giải ngân được thì làm sao mà nền kinh tế khỏe được.

Vì thế nên tôi đề nghị, có 4 việc chúng ta cần phải làm ngay:

Thứ nhất, nhanh chóng hoàn thiện khuân khổ pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt. Thứ hai, phải xác định được tổ chức cá nhân được quyền cung ứng các dịch vụ trung gian về thanh toán. Thứ ba, tạo dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Cuối cùng, đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng, đặc biệt là vấn để bảo mật.

Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp: Ông Đặng Thanh vừa nói về vấn đề bảo mật thông tin, ông Nguyễn Xuân Hoàng có chia sẻ gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch HĐQT CTCP MISA: Chúng tôi cung cấp giải pháp doanh nghiệp, đặc biệt là phần mềm kế toán. Trong trường hợp ngân hàng có lựa chọn kết nối Fintech, thì Ngân hàng có thể kết nối được tới những ngân hàng mà họ không tiếp cận được.

Chúng tôi cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ngân hàng thông qua ứng dụng kế toán. Hệ thống này giúp tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí, và chính xác. Với ngân hàng không cần nhân viên tiếp khách nữa, nhưng vẫn thu hút được khách hàng doanh nghiệp tới sử dụng dịch vụ của mình.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch HĐQT CTCP MISA

Ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch HĐQT CTCP MISA

Bên cạnh đó, MISA xây dựng hệ thống kết nối an toàn để đảm bảo giao dịch được an toàn nhất.

Ngoài ra, MISA cũng đang xây dựng hệ thống phần mềm giúp đánh giá chỉ số hỗ trợ tín dụng đối với các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, trong đó có số liệu thanh toán trả nợ, làm phần trung gian kết nối để đánh giá sức khỏe doanh nghiệp vay vốn, từ đó hỗ trợ ngân hàng có thông tin khách hàng một cách nhanh chóng.

Chúng tôi, đề nghị sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Nếu Nghị định này sớm được ban hành, sẽ thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp trung gian thanh toán.

Đồng thời, với vấn đề cung cấp thông tin tín dụng thì cần sớm xây dựng hành lang cho thông tin tín dụng và làm sao để hình thành doanh nghiệp chuyên cung cấp thông tin dịch vụ tín dụng; đồng thời nới lỏng định mức để hỗ trợ vay vốn.

Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN

Ông Phạm Tiến Dũng cho biết, Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt (cùng với một số nội dung được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 80/2016/NĐ-CP và Nghị định 16/2019/NĐ-CP) đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động thanh toán của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN

Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN

Tuy nhiên, sau nhiều năm thi hành, Nghị định 101 đã không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hiện nay, bộc lộ nhiều hạn chế và vướng mắc khi thi hành. Nhằm khắc phục những vấn đề trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang tiến hành xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101.

Về số tiền khống chế 100 triệu đồng không sử dụng cho mọi tài khoản mà chỉ khống chế với các tài khoản mở không trực tiếp gặp mặt. Bởi lẽ, việc quét chứng minh thư hiện chưa thật sự phân biệt được chứng minh thư thật hay giả, do đó số tiền hạn mức trên sẽ giúp khống chế được rủi ro này. Ngoài ra, con số 100 triệu đồng trên cũng được lấy dựa trên cân đối thu nhập trên đầu người, cân đối trên mức chi tiêu, thanh toán trung bình.

Tuy nhiên, ông Dũng cho biết việc mở tài khoản với hình thức qua video thì sẽ không phải chịu mức khống chế 100 triệu nêu trên.

Về vấn đề cấp phép ví điện tử, dù có hay không có Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP, thì vẫn thực hiện bình thường, và hiện nay Việt Nam đang có 34 đơn vị trung gian thanh toán. “Chúng tôi xin cam kết người Việt Nam sẽ được sử dụng dịch vụ hiện đại nhất, và kết quả sẽ được thể hiện ở những con số thay đổi về thanh toán điện tử của năm sau” – ông Dũng nói.

Ông Huỳnh Ngọc Huy – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt:

Để phát triển bền vững ngân hàng số và thanh toán điện tử, Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, đặc biệt là định danh cá nhân (ID cá nhân).

Ông Huỳnh Ngọc Huy – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt

Ông Huỳnh Ngọc Huy – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt

Khi xây dựng ngân hàng số, điều quan trọng là phải có tiền điện tử và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bởi nếu không liên kết được với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thì chúng ta không định danh được. Do đó, Nhà nước cần triển khai ngay việc này bởi đây là gốc của vấn đề, qua đó chúng ta sẽ ứng dụng được rất nhiều thứ.

Thói quen là điều có thể thay đổi được. Nếu doanh nghiệp cung ứng dịch vụ tốt thì người dân sẽ sử dụng dịch vụ của họ. Những chế tài của nhà nước cũng có thể thay đổi được theo thời gian. 

Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp:

Ở góc độ truyền thông, chúng tôi theo dõi khá sâu câu chuyện này. Chính phủ hiện nay cũng đang giao cho các bộ, ngành cùng nhau tích hợp dữ liệu, cơ sở định danh cá nhân. Chắc chắn đây sẽ là hành trình không đơn giản. Ví dụ, câu chuyện hộ khẩu là cả một lịch sử, đến giờ phút này mới quyết định bỏ được.

Sau hơn 2 giờ thảo luận, trong khuôn khổ của tọa đàm này, chúng tôi tổng hợp, tiếp thu và sẽ tập hợp để báo cáo VCCI, trên cơ sở đó, VCCI sẽ báo cáo, trình Chính phủ.

Những vấn đề mà chúng ta thảo luận hôm nay cũng là nội dung báo cáo rất quan trọng trong tháng 5 này của VCCI, để làm sao giải quyết tốt các vấn đề của thị trường tài chính và ngân hàng số. Chúng tôi mong rằng sẽ được tiếp tục cộng tác trong vấn đề này cũng như các vấn đề tài chính khác tác động đến hoạt động của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.

Ban tổ chức cũng đặc biệt cảm ơn các đơn vị bảo trợ truyền thông, nhà báo/phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí, doanh nghiệp và các doanh nghiệp quan tâm xem link trực tiếp tại: https://enternews.vn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TRỰC TUYẾN: Ngân hàng số và thanh toán điện tử - Gợi mở từ khủng hoảng COVID -19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO