Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức ở Davos vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã cố gắng làm hài hòa giữa chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa tòa cầu để thuyết phục các nước khác đầu tư vào Mỹ.
Ông Trump đã cảnh báo một số quốc gia đã lợi dụng các quốc gia khác thông qua hợp tác thương mại để có lợi cho mình, và nhắc lại rằng ông sẽ luôn luôn đề cao chính sách “nước Mỹ là trên hết” của mình. Tuy nhiên, ông cũng đảm bảo với các nhà lãnh đạo chính trị toàn cầu rằng, chính sách “nước Mỹ là trên hết” sẽ không chỉ có lợi cho nước Mỹ, bởi khi nền kinh tế Mỹ phát triển mạnh sẽ góp phần hỗ trợ tích cực cho các quốc gia khác.
Ông Trump đã ca ngợi Mỹ là môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện, đặc biệt sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi theo Luật thuế sửa đổi mới được khởi xướng bởi đảng Cộng hòa và những nỗ lực của Chính quyền của ông trong việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh. “Thế giới sẽ chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của nước Mỹ hùng mạnh và thịnh vượng”, ông Trump nhấn mạnh.
“Hiện nay là thời điểm lý tưởng nhất để đưa hoạt động kinh doanh, đầu tư của mình tới nước Mỹ”, ông Trump nói với các nhà lãnh đạo chính trị và các doanh nhân tại WEF.
Trong suốt tuần làm việc tại WEF, Tổng thống Trump cùng phái đoàn của mình luôn nỗ lực đàm phán, thảo luận để kêu gọi đầu tư vào Mỹ. Ông đã tổ chức các cuộc họp song phương với nhiều nhà lãnh đạo thế giới, cũng như giới doanh nhân để xúc tiến hoạt động đầu tư.
Tuy nhiên, ông Trump vẫn luôn chỉ trích các thỏa thuận thương mại đa phương và cho biết sẽ tiếp tục thực hiện chủ nghĩa bảo hộ mạnh mẽ hơn người tiền nhiệm của mình.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ ủng hộ các thỏa thuận hợp tác bất bình đẳng. Chúng tôi sẽ không thực hiện thỏa thuận thương mại tự do và cởi mở nếu các quốc gia lợi dụng thỏa thuận hợp tác để gây thiệt hại cho Mỹ”, ông Trump chia sẻ.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo chính trị thế giới, như Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại kịch liệt lên án chủ nghĩa bảo hộ. Mặc dù bà Markel không chỉ đích danh Mỹ, nhưng cho rằng chủ nghĩa bảo hộ không phải là câu trả lời thích đáng trong điều kiện hiện nay.
Trước đó, ông Trump cũng cho biết rằng ông sẽ xem xét tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nếu Mỹ đạt được thỏa thuận tốt hơn từ Hiệp định này.
Ngoài ra, Bộ trưởng tài chính Steven Mnuchin cũng chia sẻ với CNBC rằng, Tổng thống Donald Trump thích thỏa thuận song phương hơn. Tuy nhiên, ông Trump cũng không loại trừ khả năng xem xét tham gia các thỏa thuận đa phương nếu có lợi cho nước Mỹ.
Về Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng đe dọa sẽ rút khỏi NAFTA trừ khi đạt được một số thỏa thuận theo đề nghị của Mỹ. Lúc đầu, cả phía Canada và Mexico muốn bác bỏ yêu cầu của Mỹ, nhưng sau đó lại đồng ý đàm phán các điều khoản mới.
Được biết, Mỹ, Canada và Mexico dự kiến sẽ kết thúc vòng đàm phán NAFTA vào ngày 29/1, mặc dù hiện nay vẫn còn một số vấn đề chưa được các bên liên quan thống nhất.