WEF Davos 2024: Thế giới cần bộ chỉ số tăng trưởng mới

TRƯỜNG ĐẶNG 25/01/2024 04:00

Trong khi chỉ số GDP bộc lộ những hạn chế trong đo lường những trụ cột tăng trưởng mới, các chuyên gia tại WEF Davos đã đề xuất những thang đo lường mới, trong đó số hóa chiếm vị trí lớn.

WEF 2024 tiếp tục bàn tới những vấn đề hệ trọng của toàn thế giới như tăng trưởng kinh tế

WEF 2024 tiếp tục bàn tới những vấn đề hệ trọng của toàn thế giới như tăng trưởng kinh tế

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức mới đây tại Davos, một thực tế đáng buồn được chỉ ra: Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang suy giảm. Tăng trưởng GDP trung bình đã giảm từ khoảng 2% ở các nền kinh tế phát triển và 5,8% ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển vào đầu những năm 2000 xuống lần lượt còn khoảng 1,4% và 1,7% trong kỷ nguyên hậu COVID-19.

>>“Hé lộ” các kịch bản kinh tế thế giới năm 2024

Yêu cầu từ thực tế 

Thế nhưng, vẫn có những sự tăng trưởng ở khía cạnh khác, hoặc ở các lĩnh vực cụ thể mà thống kê GDP không thể bao trùm, ví dụ các công việc không được trả lương hoặc tài sản vô hình khác, có thể làm sai lệch những đánh giá về nguy cơ và cơ hội tăng trưởng của các nền kinh tế.

Bởi vậy, theo các chuyên gia kinh tế, thế giới cần thêm những chỉ số khác để đo lường sức khỏe kinh tế quốc gia mà không chú trọng số lượng, tập trung vào bản chất và chất lượng của nó để đạt được kết quả kinh tế, xã hội và môi trường tốt hơn. 

Một trong những sáng kiến được đưa ra trong khuôn khổ WEF Davos 2024 là Khung Tương lai của Tăng trưởng - một công cụ toàn diện để đánh giá chất lượng tăng trưởng trong tương lai. Thang đánh giá này đưa ra một góc nhìn mới về mức độ tăng trưởng, bao gồm bốn trụ cột - Tính đổi mới, Tính toàn diện, Tính bền vững và Khả năng phục hồi - mỗi trụ cột phản ánh một khía cạnh của chất lượng tăng trưởng.

Tính đổi mới đo lường khả năng thích ứng và phát triển của một nền kinh tế nhằm đáp ứng những thay đổi về công nghệ, xã hội, thể chế và tổ chức, cải thiện chất lượng tăng trưởng dài hạn. Những thách thức bao gồm nghiên cứu và phát triển cũng như sự sẵn có của nhân tài, đặc biệt là ở các quốc gia đã có trình độ đổi mới cao. Đối với các nền kinh tế đang phát triển, việc áp dụng công nghệ bao gồm việc điều chỉnh hệ thống sản xuất và phát triển các năng lực mới.

Bên cạnh đó, tính toàn diện đánh giá mức độ tăng trưởng của nền kinh tế mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan, hay tính bền vững chỉ ra một nền kinh tế có thể làm gì trong việc duy trì hệ sinh thái môi trường, bao gồm năng lực bảo tồn thiên nhiên, hỗ trợ chuyển đổi xanh và mô hình tiêu dùng.

Trong khi đó, khả năng phục hồi thể hiện sức chịu đựng và phục hồi của nền kinh tế sau những cú sốc, như đại dịch COVID-19. Nó bao gồm các khía cạnh cấp quốc gia như sự phụ thuộc vào nguồn lực, sự ổn định kinh tế vĩ mô và chiều sâu của hệ thống chăm sóc sức khỏe.

>>Động lực tăng trưởng mới cho kinh tế châu Phi

Số hóa là "chìa khóa" cho đổi mới

Trụ cột đổi mới đặc biệt quan trọng vì nó phản ánh khả năng của một nền kinh tế trong việc hội nhập và phát triển, từ đó nâng cao chất lượng tăng trưởng dài hạn. Bên trong trụ cột này, số hóa sẽ đóng vai trò then chốt.

Số hóa sẽ có tác động ngày càng sâu rộng tới toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, đặt ra nhu cầu phải có một thước đo mới

Số hóa sẽ có tác động ngày càng sâu rộng tới toàn bộ nền kinh tế tương lai, đặt ra nhu cầu phải có một thước đo mới

Phân tích của Viện Toàn cầu McKinsey tiết lộ rằng các dòng chảy kỹ thuật số thậm chí đang tác động lớn hơn đến tăng trưởng GDP so với thương mại hàng hóa truyền thống, dù chỉ mới có 15 năm tuổi. Trong hơn một thập kỷ, tất cả các loại dòng chảy toàn cầu, bao gồm cả dòng dữ liệu, đã làm tăng GDP thế giới thêm 10,1%, lên tới khoảng 7,8 nghìn tỷ USD vào năm 2014, trong đó các dòng dữ liệu đóng góp 2,8 nghìn tỷ USD cho tác động này.

Việc sử dụng băng thông xuyên biên giới, yếu tố cần thiết cho luồng dữ liệu, đã tăng gấp 45 lần kể từ năm 2005 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Toàn cầu hóa kỹ thuật số cũng cho phép các cá nhân sử dụng các nền tảng toàn cầu để học tập, làm việc và xây dựng mạng lưới.

Sự thay đổi này đã mở ra cánh cửa cho các nước đang phát triển, các công ty nhỏ và các công ty khởi nghiệp, cho phép họ tham gia vào thị trường toàn cầu với các mô hình kinh doanh ít thâm dụng vốn hơn.

Hiện nay, các nền kinh tế tiên tiến đang đi trước các nền kinh tế đang phát triển trong việc áp dụng và cải thiện năng lực kỹ thuật số, tuy nhiên, khoảng cách kỹ thuật số đang thu hẹp dần nhờ sự chủ động của các nước phía sau, kết hợp với tình trạng thiếu nhân tài ở các nước có thu nhập cao, tạo ra một kịch bản đôi bên cùng có lợi cho sự phát triển kinh tế toàn cầu.

Giữa những bất ổn của kinh tế hay thương mại truyền thống trên khắp thế giới, đổi mới sáng tạo được kỳ vọng có thể là yếu tố then chốt trong tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến cách các quốc gia phát triển và định hình tương lai của kinh tế toàn cầu.

Có thể bạn quan tâm

  • WEF Davos 2024: Thúc đẩy hợp tác quản lý AI

    WEF Davos 2024: Thúc đẩy hợp tác quản lý AI

    03:00, 22/01/2024

  • Trung Quốc củng cố niềm tin tại WEF Davos 2023

    Trung Quốc củng cố niềm tin tại WEF Davos 2023

    03:30, 28/06/2023

  • WEF Davos 2023 trước thách thức mới

    WEF Davos 2023 trước thách thức mới

    04:30, 17/01/2023

  • WEF DAVOS 2022: Quan ngại nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu

    WEF DAVOS 2022: Quan ngại nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu

    16:00, 26/05/2022

  • WEF DAVOS 2022: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để thu hẹp khoảng cách số

    WEF DAVOS 2022: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để thu hẹp khoảng cách số

    11:04, 25/05/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
WEF Davos 2024: Thế giới cần bộ chỉ số tăng trưởng mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO