Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố phản đối lệnh cấm đánh bắt cá theo mùa do Trung Quốc đơn phương áp đặt ở Biển Đông.
Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông, có hiệu lực từ 1/5 và dự kiến kéo dài 3 tháng. Phạm vi lệnh cấm bao gồm một phần vùng biển vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói: "Lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông là không phù hợp với phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 và luật pháp quốc tế", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói.
Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ "đề nghị Trung Quốc tuân thủ những nghĩa vụ của họ theo quy định của luật pháp quốc tế”.
Trước đó, ngày 31/5, Philippines cũng đã gửi công hàm ngoại giao phản đối việc Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá tại Biển Đông.
Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Philippines nêu rõ, nước này phản đối việc Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá hằng năm tại Biển Đông, trong đó có vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines và Việt Nam.
Cũng trong một tuyên bố ngày 31/5, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết đã triệu tập một quan chức cấp cao của Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối tàu Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) "quấy rối" tàu RV Legend - một tàu Đài Loan - đang cùng các nhà khoa học Philippines tiến hành nghiên cứu ở vùng biển phía tây Philippines.
Bộ Ngoại giao Philippines nói rằng họ đã triệu tập quan chức Trung Quốc vào ngày 13/4 và vụ việc nói trên diễn ra vào cuối tháng 3 kéo dài tới tháng 4. Sở dĩ Philippines tới bây giờ mới lên tiếng là vì họ cần xem xét các báo cáo chi tiết về vụ việc để có động thái ngoại giao thích hợp.
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết "hành vi của tàu Trung Quốc "rõ ràng vi phạm quyền tài phán hàng hải của Philippines".
Mỗi năm, Trung Quốc đều đơn phương đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè, cho rằng họ có quyền tài phán trên hầu khắp Biển Đông, dù yêu sách của Bắc Kinh đã bị Toà trọng tài quốc tế bác bỏ.
Về phía Việt Nam, ngày 29/4, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng nhấn mạnh: "Lập trường của Việt Nam đối với lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông là nhất quán, được khẳng định rõ trong những năm qua”.
Bà Hằng khẳng định: “Một phần phạm vi của lệnh cấm đánh bắt cá đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc ký năm 2000.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình khi triển khai các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật ở khu vực Biển Đông, không làm phức tạp tình hình, đóng góp vào duy trì hoà bình, ổn định, trật tự ở khu vực Biển Đông".
Có thể thấy, để từng bước thực hiện hóa mưu đồ “độc chiếm Biển Đông”, Trung Quốc đã bất chấp tất cả, ra chỉ đạo đe dọa dùng vũ lực đối với các tàu cá không có vũ trang, mở lối ra thành cường quốc biển rồi từng bước thực hiện “giấc mộng Trung Hoa” thành bá chủ thế giới.
Theo giới quan sát quốc tế, thông qua lệnh cấm đánh bắt, chính quyền Trung Quốc muốn chứng tỏ tất cả thực thể bị nước này chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông đều đang nằm trong sự quản lý, kiểm soát nội bộ và không có tranh chấp
Đại tá hải quân Mỹ Christopher Howard Sharman - chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hoover thuộc Đại học Stanford từng nhận định: “Bắc Kinh đang áp dụng luật pháp trong nước để thực thi quy định hạn chế đối với hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc lẫn nước ngoài. Đây là hành động phi pháp nguy hiểm và khiêu khích”.
Ông Sharman đánh giá Trung Quốc áp đặt luật riêng đối với chuẩn mực chung về hàng hải quốc tế là nhằm thể hiện mức độ kiểm soát hành chính của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông, mở rộng sức ảnh hưởng, thách thức luật pháp quốc tế, vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) và đe dọa quyền đánh bắt của ngư dân các nước láng giềng.
Có thể bạn quan tâm
02:00, 01/06/2022
05:00, 08/05/2022
14:40, 04/05/2022
05:15, 01/05/2022
11:31, 08/05/2020