Kinh tế thế giới

Trung Quốc khẳng định sức mạnh công nghệ trước lệnh hạn chế từ Mỹ

Cẩm Anh 01/07/2025 11:07

Trung Quốc đang nỗ lực phô diễn sức mạnh công nghệ nội địa trong bối cảnh Mỹ siết chặt xuất khẩu chip.

Ảnh màn hình 2025-06-30 lúc 21.10.03
Các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc đang nỗ lực hưởng ứng lời kêu gọi tự lực của chính phủ trong bối cảnh Mỹ siết chặt lệnh cấm. Ảnh: Bloomberg

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ của Mỹ như một quân bài mặc cả nhằm giành lại nguồn cung nam châm đất hiếm từ Trung Quốc, thì quốc gia này lại đang cho thấy khả năng xoay xở mà không cần tới các dòng chip bán dẫn tiên tiến nhất của Mỹ.

Trong chuyến công tác tới hai tỉnh Giang Tô và Chiết Giang, nơi sản sinh ra “ngôi sao” trí tuệ nhân tạo DeepSeek, giới chức Trung Quốc đã sắp xếp cho nhiều lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ gặp gỡ báo chí, trong đó có Bloomberg và các hãng truyền thông khác.

Thông điệp được gửi đi cho thấy ngành công nghệ Trung Quốc vẫn đặt mục tiêu dẫn đầu thế giới, bất chấp các rào cản từ phía Mỹ. Chủ tịch công ty Robot Magiclab, ông Ngô Xương Chính, cho biết họ đã tự phát triển hơn 90% các linh kiện sử dụng trong chế tạo robot hình người. Phần còn lại là chip và bộ vi điều khiển, được mua trong và ngoài nước, nhưng không bao gồm chip của Mỹ.

“Trung Quốc không có nhiều điểm yếu trong ngành này vì robot của chúng tôi chỉ cần các dòng chip tiêu chuẩn”, ông Ngô nói khi trình diễn một mẫu robot kích cỡ như người thật, được thiết kế để sử dụng trong nhà máy.

Ông cũng cho biết thêm một số doanh nghiệp trong ngành không bận tâm trước lệnh cấm gần đây của ông Trump đối với phần mềm thiết kế bán dẫn của Mỹ xuất sang Trung Quốc.

Một số doanh nhân Trung Quốc khác cũng nhấn mạnh tinh thần “tự lực cánh sinh” trong các lĩnh vực then chốt, bao gồm dược sinh học, robot hình người, trí tuệ nhân tạo và ô tô.

Giới doanh nghiệp Trung Quốc đang có xu hướng ủng hộ chính phủ trong bối cảnh Mỹ gia tăng thuế quan và siết xuất khẩu công nghệ. Điều này cũng cho thấy rõ mong muốn của Bắc Kinh trong việc củng cố niềm tin của giới đầu tư toàn cầu vào nền kinh tế trị giá 19.000 tỷ USD của Trung Quốc, vốn đang lao đao vì khủng hoảng bất động sản, giảm phát, và giờ đây là mức thuế cao nhất từ Mỹ trong cả thế kỷ.

Dù bước đột phá bất ngờ trong lĩnh vực AI của DeepSeek hồi đầu năm nay cho thấy Trung Quốc có thể sáng tạo dù thiếu chip cao cấp, Bắc Kinh vẫn đang gặp khó khăn trong việc bắt kịp Mỹ, khi không thể tiếp cận dòng bán dẫn tiên tiến nhất của Nvidia.

Chính phủ Trung Quốc cũng chủ yếu giới thiệu các doanh nghiệp không cần đến chip cao cấp, như AISpeech, chuyên sản xuất công cụ âm thanh và hình ảnh dùng AI cho ô tô. Nhưng với các công ty phát triển xe tự lái hoặc trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) có khả năng tư duy như con người, việc tiếp cận chip đời mới là yếu tố then chốt.

Các lãnh đạo doanh nghiệp cũng chia sẻ rằng họ đang tận dụng những lợi thế trong nước mà họ cho là khó bị gián đoạn, như lực lượng nhân tài đông đảo và chuỗi cung ứng được “bao bọc” khỏi thế giới bên ngoài.

Robot hình người đang được Trung Quốc đẩy mạnh ứng dụng trong hầu hết các ngành kinh tế (Ảnh: AP)
Robot hình người đang được Trung Quốc đẩy mạnh ứng dụng trong hầu hết các ngành kinh tế (Ảnh: AP)

Ông Dư Khải, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Khoa học của AISpeech, cho biết công ty đã tuyển hơn 700 nhân sự tại các trung tâm nghiên cứu ở Bắc Kinh và Tô Châu. Công ty này cũng đã lập chi nhánh ở Thâm Quyến để gần nguồn sản xuất thiết bị thông minh, và có đơn vị tại miền Nam Trung Quốc chuyên phát triển phần mềm cho ô tô lắp ráp bởi đối tác sản xuất nội địa.

Việc Bắc Kinh ngày càng lo ngại trước các biện pháp kiểm soát công nghệ của Mỹ được thể hiện rõ qua hành động siết xuất khẩu nam châm đất hiếm gần đây, như một nỗ lực nhằm đảo ngược các biện pháp mới của ông Trump.

Tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết Mỹ và Trung Quốc đã ký một văn bản để cụ thể hóa các điều khoản thương mại đạt được hồi tháng trước tại Geneva, trong đó Trung Quốc cam kết tiếp tục cung cấp đất hiếm, nguyên liệu thiết yếu cho tua-bin gió, máy bay phản lực...

Tại Trung Quốc đang có những tranh luận xoay quanh việc liệu có cần thiết phải tiếp cận máy sản xuất chip tiên tiến và dòng chip tăng tốc AI mới nhất của Nvidia hay không.

Ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Huawei, gần đây cho biết các doanh nghiệp Trung Quốc có thể sử dụng phương pháp “xếp lớp chip” để đạt được hiệu quả tương đương chip cao cấp. Bắc Kinh cũng cấm phần lớn dịch vụ AI từ các đối thủ Mỹ, giúp các công ty trong nước không phải cạnh tranh trực tiếp với các “ông lớn” bên ngoài.

Theo ông Julian Mueller-Kaler, Giám đốc Trung tâm Dự báo Chiến lược tại Viện Stimson (Washington), Trung Quốc cần thể hiện niềm tin và diện mạo tự tin sau nhiều năm bị siết chặt công nghệ. Ông nhận định các chip cao cấp dùng cho trung tâm dữ liệu AI có thể được thay bằng loại yếu hơn, dù sẽ tiêu tốn nhiều điện năng hơn.

“Lý do Trung Quốc không phản ứng mạnh khi Mỹ hạn chế chip vài năm trước là vì Bắc Kinh phần nào hoan nghênh điều đó. Việc này buộc các công ty Trung Quốc phát triển năng lực nội tại và giảm phụ thuộc vào công nghệ Mỹ", chuyên gia này cho biết.

Tuy nhiên, bất chấp các tuyên bố tự tin, không nhiều doanh nghiệp có thể tránh khỏi tổn thương từ căng thẳng leo thang với Mỹ. Một số lãnh đạo doanh nghiệp tham gia chuyến đi cũng thừa nhận họ đang chịu áp lực nặng nề khi chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump tiếp tục hạn chế đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực công nghệ cao tại Trung Quốc.

Theo bà Trương Cẩm Hoa, Chủ tịch Iaso Biotechnology - công ty phát triển phương pháp điều trị ung thư cứu người, chia sẻ: “Tác động của các chính sách hạn chế của Mỹ tới việc huy động vốn là rất rõ rệt. Các doanh nghiệp tại Trung Quốc đã ngưng hỏi bao giờ "mùa đông gọi vốn kết thúc mà học cách thích nghi với bối cảnh bất định kéo dài.”

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trung Quốc khẳng định sức mạnh công nghệ trước lệnh hạn chế từ Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO