Trung Quốc làm "nóng" cạnh tranh quyền lực tại Bắc Cực

CẨM ANH 10/03/2021 11:00

Việc Trung Quốc tuyên bố xây dựng con đường Tơ lụa Bắc cực trong giai đoạn 5 năm 2021-2026 sẽ làm sức nóng của khu vực Bắc cực tăng nhiệt trở lại vì sự cạnh tranh tầm ảnh hưởng.

Bắc Cực đang là khu vực tiềm năng đối với các cường quốc

Bắc Cực đang là khu vực tiềm năng đối với các cường quốc

Cụ thể, Reuters đưa tin, Trung Quốc sẽ tham gia vào hợp tác thực tế tại Bắc Cực và nâng cao năng lực của quốc gia này trong việc tham gia bảo vệ và khai thác Nam Cực. Thậm chí, Bắc Kinh đang nghiên cứu đến những nguồn khoáng chất dồi dào và tuyến đường biển tiềm năng mới tại vùng Bắc Cực hình thành do tình trạng nhiệt độ tăng khiến băng tan.

Nếu Trung Quốc tiến hành kế hoạch này, kỷ nguyên cạnh tranh giữa các cường quốc giữa Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc sẽ nóng lên tại Bắc Cực. Khu vực quan trọng này không chỉ có các tuyến đường biển chiến lược đang mở ra do sự thay đổi của khí hậu trong khu vực, mà còn là nơi sở hữu các nguồn năng lượng, kim loại quý và mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn.

Giới quan sát nhận định, sự cạnh tranh này khác với các khu vực có xung đột khác như biển Baltic, Biển Đông và Biển Hoa Đông. Với vị trí địa lý và cấu trúc quản trị đa phương đã tạo ra cơ hội cho Mỹ và các đồng minh, nhưng việc nắm bắt những cơ hội tại Bắc Cực sẽ cần đến chính sách ngoại giao chuyên dụng và sự hiện diện bền bỉ trong khu vực.

Trong quá khứ, chính quyền Trump coi việc cải thiện khả năng cạnh tranh của Mỹ ở Bắc Cực là ưu tiên hàng đầu. Vào năm 2019, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố Chiến lược Bắc Cực, trong đó tập trung vào những thách thức của Nga và Trung Quốc trong khu vực.

Cuối năm 2019, Hải quân Mỹ đã thành lập lại Hạm đội 2 để phục vụ cho các hoạt động tại Bắc Đại Tây Dương và Bắc Cực. Đồng thời, chính quyền Mỹ khi đó đã tham gia vào các hoạt động ngoại giao tích cực với các quốc gia trong Hội đồng Bắc Cực. Mối quan hệ của Mỹ với Đan Mạch, Na Uy, Canada, Iceland, Thụy Điển và Phần Lan, về các vấn đề Bắc Cực được tăng cường mạnh mẽ.

Mỹ đã chia sẻ thông tin tình báo và những hiểu biết quan trọng với các đồng minh về các mối đe dọa mà cả Nga và Trung Quốc gây ra trong khu vực. Những lĩnh vực đó bao gồm mối đe dọa từ các tập đoàn Trung Quốc như Huawei, ZTE hay nguy cơ phụ thuộc vào các loại cáp quang dưới biển do Trung Quốc sản xuất và vận hành.

Theo Abhishek Saxena, chuyên gia thuộc Đại học Jawaharlal Nehru, khi vị thế kinh tế, quân sự và ngoại giao của Trung Quốc đã được cải thiện mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc càng tự tin và đẩy mạnh việc tìm kiếm tầm ảnh hưởng lớn, không chỉ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà còn ở các khu vực khác trên thế giới.

“Mặc dù rất ít khả năng Trung Quốc sẽ tham gia vào một cuộc đối đầu quân sự với Hoa Kỳ, nhưng chiến lược bẫy nợ của họ là nguyên nhân gây lo ngại cho sự ổn định của Bắc Cực cũng như lợi ích của Mỹ và các quốc gia khác”, ông cho biết.

Mặt khác, mặc dù Mỹ và Trung Quốc có thể là đối thủ cạnh tranh cơ cấu cho quyền bá chủ toàn cầu, nhưng khi nói đến khu vực Bắc Cực, Nga lại được nhắc đến với vị thế là siêu cường kinh tế và quân sự tại nơi đây. Moscow không ngừng tăng cường sự hiện diện ở Bắc Cực với tốc độ nhanh chóng.

Căn cứ quân sự Cỏ ba lá nằm trên đảo Alexandra Lands của Nga là căn cứ quân sự hiện đại nhất của nước này tại Bắc cực. Nguồn ảnh: Bộ Quốc phòng Liên Bang Nga)

Căn cứ quân sự Cỏ ba lá đang là căn cứ hiện đại nhất của Nga tại Bắc cực. Nguồn ảnh: Bộ Quốc phòng Liên Bang Nga

Hệ thống quân sự hiện tại của Nga ở Bắc Cực có khả năng phòng thủ cao, nhưng không thể phủ nhận khả năng tấn công của nó. Đồng thời, quốc gia này cũng phát triển các căn cứ quân sự và hải quân mới, tái khởi động lại các căn cứ cũ và mở rộng hạm đội tàu ngầm và tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân trước đây để sẵn sàng cho cuộc đua chinh phục tài nguyên trong “trận địa” Bắc Cực.

Có thể thấy, mặc dù có vị trí địa lý độc đáo, Bắc Cực không tách biệt với thế giới, hoặc tránh xa những áp lực xung quanh mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây hay Mỹ và Trung Quốc.

Động lực của tam giác chiến lược Mỹ-Trung-Nga diễn ra như thế nào sẽ quyết định hòa bình và ổn định hay xung đột và chiến tranh ở khu vực Bắc Cực. Tương lai luôn tiềm ẩn rủi ro cũng như khó dự đoán.

Do đó, như các chuyên gia khuyến nghị, Mỹ không nên cố gắng loại trừ các quốc gia khỏi khu vực. Tuy nhiên, Mỹ có thể đảm bảo lợi ích các bên bằng cách yêu cầu các quốc gia khác tuân thủ các quy tắc do Hội đồng Bắc Cực thiết lập. Chính quyền Biden có thể đạt được kết quả này bằng cách xây dựng dựa trên các khoản đầu tư vào sự hiện diện quân sự và tiếp tục hoạt động ngoại giao do chính quyền Trump thực hiện. 

Có thể bạn quan tâm

  • Bắc Cực trải qua năm ấm thứ hai trong hơn 100 năm

    Bắc Cực trải qua năm ấm thứ hai trong hơn 100 năm

    11:03, 11/12/2020

  • Băng Bắc Cực tan chảy, nguy cơ giải phóng mầm bệnh nguy hại

    Băng Bắc Cực tan chảy, nguy cơ giải phóng mầm bệnh nguy hại

    14:00, 15/05/2017

  • Mỹ dùng đồng minh ngăn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc

    Mỹ dùng đồng minh ngăn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc

    05:00, 09/03/2021

  • Mỹ- EU “liên thủ” công nghệ chống Trung Quốc

    Mỹ- EU “liên thủ” công nghệ chống Trung Quốc

    05:00, 07/03/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trung Quốc làm "nóng" cạnh tranh quyền lực tại Bắc Cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO