Chính phủ Trung Quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh “cuộc đua xuống đáy”, ám chỉ tình trạng cạnh tranh kịch liệt về giá dẫn đến nhiều hệ lụy.
Cạnh tranh dẫn đến giảm giá sản phẩm là kiểu vận hành đúng quy luật kinh tế khách quan. Nhưng trong nền kinh tế Trung Quốc, cạnh tranh về giá cả đang dẫn đến rất nhiều hiểm họa, như giảm phát, thỏa hiệp về chất lượng sản phẩm...
Cuộc chiến giá cả khốc liệt ở Trung Quốc đang tác động mạnh đến các ngành công nghiệp, từ ô tô, đồ ăn nhanh đến pin mặt trời, cắt giảm biên lợi nhuận và làm trầm trọng thêm tình trạng giảm phát nền kinh tế số 2 thế giới.
Qiushi, một ấn phẩm của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng bài viết cảnh báo rằng, cuộc đua xuống đáy có thể buộc các công ty phải cắt giảm chi phí sản xuất thiết yếu, sa sút về chất lượng, và cuối cùng gây tổn hại đến lợi ích của người tiêu dùng.
Đối với ngành ô tô, nhà phân tích Felipe Munoz, cho biết thị trường bão hòa với quá nhiều thương hiệu và mẫu xe tương tự. Các nhà sản xuất ô tô không muốn mất thị phần cho rằng cách duy nhất để tồn tại trong ngắn hạn là giảm giá.
Kể từ khi đại dịch bùng phát và trong bối cảnh thị trường nhà đất đang suy thoái, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng nhạy cảm hơn về giá cả, tập trung vào giá trị và cắt giảm chi tiêu không thiết yếu. Để duy trì sức cạnh tranh, các nhà sản xuất ô tô đã tung ra các chương trình giảm giá mạnh nhờ sự hỗ trợ của chính phủ, làm trầm trọng thêm cuộc chiến giá cả đã kéo dài nhiều năm.
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, Alibaba, JD.com và Meituan đang chạy đua mở rộng mạng lưới giao hàng “siêu nhanh, siêu rẻ” và cam kết hàng tỷ USD trợ cấp, thu hút khách hàng bằng những ưu đãi như ly trà sữa, cốc cà phê chỉ với vài xu.
Dư thừa công suất công nghiệp tại Trung Quốc hiện nay là tàn dư của thời kỳ bùng nổ sản xuất kéo dài 2 thập kỷ qua. Có quá nhiều lĩnh vực, ngành nghề và doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi để thực hiện chiến lược phát triển chung mang tầm quốc gia.
Nền kinh tế thâm dụng vốn, lao động và tài nguyên tại Trung Quốc đang đi đến hồi kết, nhường chỗ cho kế hoạch mới, tập trung ưu tiên cho những ngành công nghiệp mới, giàu chất xám, hứa hẹn mang lại giá trị thặng dư lớn hơn, không chỉ là tăng trưởng về con số.
Gần đây, giới chức Trung Quốc thương hay nói đến cụm từ “các ngành công nghiệp tương lai”, đề cập đến các lĩnh vực công nghệ nền tảng vẫn ở “buổi đầu bình minh” nhưng được kỳ vọng sẽ mang lại sức mạnh to lớn.
Đó là những ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI), máy tính lượng tử, công nghệ gen, mạng lưới tương lai, phát triển hàng không vũ trụ và nghiên cứu đại dương, cùng năng lượng, lưu trữ hydro.
Bắc Kinh đang đầu tư nguồn lực chưa từng có vào các ngành công nghiệp tương lai - từ tài trợ đến bồi dưỡng nhân tài - nhận ra giá trị chiến lược của chúng đối với tăng trưởng bền vững và trong cuộc cạnh tranh công nghệ với Washington.