Việc chính phủ Trung Quốc ngăn Ant Group IPO có thể là khởi đầu cho một chiến dịch mới của Trung Quốc nhằm kiềm chế đế chế fintech do Jack Ma kiểm soát.
Các nhà chức trách hiện đang đặt mục tiêu vào nguồn doanh thu lớn nhất của Ant Group: các nền tảng tín dụng của Ant cung cấp các khoản vay từ các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác cho hàng triệu người tiêu dùng trên khắp Trung Quốc.
Ủy ban quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc có kế hoạch không khuyến khích người cho vay sử dụng nền tảng của Ant Group và đã yêu cầu một số người đảm bảo danh mục đầu tư của họ tuân thủ các quy định dự thảo nghiêm ngặt mới được công bố.
Theo đó, các biện pháp được đề xuất bao gồm: kêu gọi các nhà khai thác nền tảng giữ 30% khoản vay trên bảng cân đối kế toán, điều mà các khoản vay của của Ant hiện không tuân thủ, công ty chỉ đang giữ khoảng 2% các khoản vay trên bảng cân đối kế toán của riêng mình, phần còn lại được tài trợ bởi các bên thứ ba hoặc được đóng gói dưới dạng chứng khoán và bán tiếp.
Toàn bộ các kế hoạch của Trung Quốc đối với Ant là không rõ ràng và có thể các bên cho vay sẽ tiếp tục làm việc với công ty sau khi công ty tuân thủ các yêu cầu của cơ quan quản lý.
Trả lời Bloomberg, Ant Group cho biết, bất kỳ gợi ý nào về việc các ngân hàng sẽ ngừng sử dụng nền tảng của họ là "không có cơ sở". “Ant sẽ tiếp tục hỗ trợ các đối tác ngân hàng đưa ra các quyết định tín dụng độc lập và tận dụng các nền tảng công nghệ của Ant để phục vụ người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ” – Ant cho hay.
Trước quyết định tạm hoãn đợt IPO kép của Ant Group trên hai sàn Thượng Hải và Hong Kong đã ảnh hưởng ngay lập tức đến giá cổ phiếu của Alibaba Group Holding Ltd., công ty sở hữu một phần ba Ant. Cổ phiếu Alibaba giảm 8,1% trên sàn chứng khoán New York - mức giảm lớn nhất kể từ tháng 1/2015 sau thông tin IPO của Ant bị đình chỉ. Trong khi đó, giá cổ phiếu Alibaba giao dịch trên sàn Hồng Kông cũng sụt 9,3% đầu phiên giao dịch 4/11.
Chen Shujin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tài chính Trung Quốc tại Jefferies Financial Group Inc., cho biết: “Từ quan điểm của các nhà quản lý và nhà đầu tư, họ đều cần Ant cung cấp thông tin tốt hơn về hoạt động kinh doanh cho vay phù hợp với các quy định trong tương lai và cho thấy rằng mô hình kinh doanh của nó có thể giúp giảm chi phí đi vay cho nền kinh tế thay vì nâng cao chúng bằng một hình thức độc quyền nào đó".
Trung Quốc đột ngột dừng IPO của Ant sau khi tỷ phú Jack Ma, người đứng đầu “đế chế” tài chính Ant, bị triệu tập đến cuộc họp với các cơ quan quản lý và giám sát hệ thống tài chính hồi đầu tuần để vạch ra một loạt mối quan tâm và các quy định mới.
Nhiều chuyên gia bình luận rằng, việc Jack Ma bị triệu tập đến cuộc họp này là do những phát ngôn được xem là chỉ trích vào ngành ngân hàng, tài chính của Trung Quốc vào tháng trước tại một diễn đàn tài chính ở Thượng Hải. Tại diễn đàn tài chính cấp cao này, vị tỷ phú đã chỉ trích các cơ quan quản lý địa phương và thế giới kìm hãm sự đổi mới, không quan tâm đến sự phát triển, cơ hội cho giới trẻ.
Theo Washington Post, trong bài phát biểu, Jack Ma ví Hiệp định Ngân hàng toàn cầu Basel là “câu lạc bộ dành cho người già”. Ngoài ra, người giàu nhất Trung Quốc cho biết rủi ro lớn nhất của Trung Quốc không phải là rủi ro về hệ thống mà nằm ở chỗ nước này thiếu một hệ sinh thái tài chính hoàn chỉnh, đồng thời ví các ngân hàng Trung Quốc giống như “tiệm cầm đồ”.
Bắc Kinh cũng mới ban hành dự thảo quản lý hoạt động cho vay vi mô trực tuyến, đồng nghĩa siết chặt quy định về vận hành và các yêu cầu về vốn đối với mảng cho vay tiêu dùng của Ant Group.
Chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình đang thắt chặt kiểm soát Ant và các tập đoàn tài chính đang phát triển nhanh khác sau nhiều năm cho phép họ hoạt động mà không cần vốn và các yêu cầu về đòn bẩy đối với các ngân hàng.
Có thể bạn quan tâm