Cung cấp các thông tin về pháp luật, chính sách, quy định của Nhà nước… Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp Thái Bình thực sự là “cứu sinh” cho nhiều doanh nghiệp tỉnh Thái Bình.
Quý hồ tinh, bất quý hồ đa
Trên địa bàn tỉnh Thái Bình có một số hiệp hội, hội doanh nghiệp chuyên ngành được thành lập, một số cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và tư vấn doanh nghiệp đã được mở ra. Tuy nhiên, các tổ chức này chưa đáp ứng được yêu cầu của hoạt động đầu tư và SXKD của các doanh nghiệp, chưa tạo ra nền tảng cơ bản trên diện rộng trong lĩnh vực kết nối và tư vấn doanh nghiệp. Mặc dù nhiều nhưng chưa có tổ chức nào thực sự tạo được những yếu tổ mang tính chất đột phá để giúp doanh nghiệp, nhất là DNNVV hoạt động có hiệu quả, phát triển bền vững.
Với Thái Bình, hoạt động đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, phổ biến chính sách của Nhà nước và cập nhật kiến thức quản lý và chuyên môn, nghiệp vụ cho bộ máy quản trị doanh nghiệp đang là vấn đề cấp thiết. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận và xử lý những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp là câu chuyện làm “đau đầu” các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm |
Sau quá trình khảo sát, đánh giá, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã quyết định thành lập Trung tâm tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp. Trung tâm này sẽ có nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết những yêu cầu cấp bách cũng như lâu dài trong hoạt động đầu tư và SXKD, góp phần tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định và phát triển. Đồng thời Trung tâm đóng vai trò nâng cao vị thế và ảnh hưởng của Hiệp hội doanh nghiệp đối với cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh.
Ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình chia sẻ: “Khoảng 1 tuần trước có 1 doanh nghiệp đến gặp tôi trình bày về 1 việc liên quan đến quy hoạch của tỉnh. Doanh nghiệp đã gặp ngành Xây dựng và được biết dự án của mình phù hợp với quy hoạch. Tuy nhiên, sau đó 1 ngành khác khác lại cho rằng dự án đó không phù hợp với quy hoạch. Doanh nghiệp hoang mang vàđề nghị tỉnh tháo gỡ. Lúc đó, tôi nghĩ ngay tới Trung tâm và giới thiệu doanh nghiệp đó đến để tư vấn. Ít lâu sau, doanh nghiệp đã cảm ơn tôi về sáng kiến đó.
Để hỗ trợ được doanh nghiệp, Trung tâm phải là địa chỉ tin cậy về pháp lý để doanh nghiệp nắm được các quy định, chủ trương chủ nhà nước và của tỉnh. Đồng thời, Trung tâm phải là đơn vị có thể đánh giá môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý của tỉnh có tác động với doanh nghiệp như thế nào, đã phù hợp hay chưa, có cần điều chỉnh hay không? – ông Thăng cho biết thêm.
“Bà đỡ” của doanh nghiệp
Nhiệm vụ chủ yếu của Trung tâm là cung cấp đến các doanh nghiệp thông tin về pháp luật, chính sách, quy định của Nhà nước. Đồng thời cung cấp những thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới để các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng. Ngoài ra, Trung tâm còn tiếp nhận và phân loại những phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp trong tỉnh về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư và SXKD để tổng hợp và báo cáo Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, UBND tỉnh và các ngành chức năng giải quyết. Mặt khác, Trung tâm còn trực tiếp tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực: đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp, thực hiện thủ tục pháp lý về đầu tư, hoạt động quản trị doanh nghiệp,…
Được biết, cán bộ, chuyên viên của Trung tâm là những cá nhân “tinh nhuệ”, có kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp. Đó là những chuyên viên có trình độ tại các Sở, ngành, đơn vị chuyên môn của tỉnh. Cộng tác viên bao gồm một số cán bộ các Sở: KHCN, TNMT, Xây dựng, Cục thuế,…
Ông Ngô Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm cho biết, đơn vị sẽ xây dựng kế hoạch truyền thông và thiết lập kênh thông tin 2 chiều giữa trung tâm và doanh nghiệp. Trung tâm sẽ tư vấn UBND tỉnh mã hóa thông tin các doanh nghiệp. Thông qua mã đó có thể nhanh chóng nhận biết được doanh nghiệp đó thuộc loại hình nào (lớn, vừa, nhỏ hay siêu nhỏ), hoạt động trong lĩnh vực nào, thuộc địa bàn nào trong tỉnh. Như vậy, chúng ta sẽ có 1 bức tranh thống kê, đồng bộ và tương đối toàn diện về cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh. Đây sẽ là căn cứ cho công tác điều hành, chỉ đạo hướng dẫn cũng như hoạt động tư vấn, hỗ trợ đạt hiệu quả cao hơn.
Trung tâm là đơn vị trực thuộc và chịu sự quản lý của HHDN tỉnh, có con dấu riêng, được mở tài khoản ngân hàng, tự chủ về tài chính, tự trang trải và hạch toán độc lập. Hoạt động của trung tâm tuân thủ theo Điều lệ của HHDN tỉnh, quy chế hoạt động của Trung tâm do Hiệp hội ban hành.
Bắt đầu từ 28/9, Trung tâm sẽ đi vào hoạt động. Khách hàng đầu tiên của trung tâm là Công ty TNHH vận tải Lam Sơn Thái Bình.