Trước khi vướng "lùm xùm" sản phẩm bị thu hồi, Acecook Việt Nam kinh doanh ra sao?

Diendandoanhnghiep.vn Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam – chủ sở hữu thương hiệu 'Mì Hảo Hảo', được xem là 'vua mì ăn liền' tại Việt Nam.

Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) đã ra thông báo thu hồi một số lô mì Hảo Hảo và miến Good do Công ty Acecook Việt Nam sản xuất.

Thông báo thu hồi được Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) đưa ra ngày 20/8 bởi một số lô sản phẩm mì ăn liền có chứa chất Ethylene Oxide.

Thông báo thu hồi sản phẩm trên trang web

Hai sản phẩm bị thu hồi của Acecook

Theo FSAI, việc tiêu thụ các sản phẩm nhiễm Ethylene Oxide tuy không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe nhưng có thể gây ung thư nếu thường xuyên sử dụng trong thời gian dài. Do đó, người tiêu dùng cần hạn chế việc tiếp xúc với chất này.

Hiện có 3 dòng sản phẩm trong danh sách thu hồi của FSAI, bao gồm mì Hảo Hảo vị tôm chua cay (loại 77g, hạn sử dụng đến 24/9/2022), miến Good vị sườn heo (loại 56g, hạn sử dụng đến 10/11/2022), mì Yato vị hải sản (loại 120g, hạn sử dụng đến 30/11/2022).

Trong đó, 2 sản phẩm là mì Hảo Hảo và miến Good do công ty Acecook Việt Nam sản xuất, sản phẩm còn lại có xuất xứ từ Trung Quốc.

Theo ghi nhận, Amazon cũng đã gửi thư thu hồi các sản phẩm này đến những khách hàng đã mua qua sàn.

Amazon thông báo: Quyết định do Hệ thống Cảnh báo Nhanh về Thực phẩm và Thức ăn chăn nuôi châu Âu (RASFF) ban hành. Khách hàng sau khi hoàn hàng sẽ được sàn trả lại tiền.

Trao đổi với PV, đại diện Công ty Acecook Việt Nam khẳng định lô hàng bị thu hồi là sản phẩm xuất khẩu, không liên quan đến những sản phẩm nội địa tại Việt Nam.

Cũng theo Acecook, Công ty không sử dụng công nghệ Ethylene Oxide ở bất kỳ công đoạn sản xuất nào. Họ cũng đã làm việc với các nhà cung cấp nguyên vật liệu và được khẳng định “không sử dụng Ethylene Oxide trong quy trình sản xuất”.

“Doanh nghiệp đang tiến hành phân tích, kiểm tra và điều tra trên diện rộng ở các nguyên liệu, thiết bị, quy trình liên quan để nhận định nguyên nhân và sẽ có biện pháp đối ứng kịp thời”, Acecook thông tin.

Được biết, chủ sở hữu của thương hiệu Mì Hảo Hảo là Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (viết tắt: Vina Acecook) – dù được thành lập tại Tp. HCM từ cuối năm 1993 và mang quốc tịch Việt Nam, nhưng bản chất là một doanh nghiệp FDI.

Tiền thân của nó là Công ty liên doanh Vifon Acecook, kết quả hợp tác theo tỷ lệ góp vốn 60:40 giữa nhà đầu tư Nhật Bản Acecook Co., Ltd và đối tác Việt Nam, là Công ty kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) – doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, khi ấy trực thuộc Bộ Công nghiệp.

Mối liên doanh này chẳng quá bền lâu. Khoảng năm 2002, Vifon triệt thoái vốn, Vifon Acecook trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Trước đó 2 năm – năm 2000, Vifon Acecook cho ra đời sản phẩm mì gói huyền thoại của mình, Hảo Hảo, đánh dấu bước đột phá của công ty trên thị trường mì ăn liền.

Vốn điều lệ chưa đầy 300 tỷ nhưng doanh thu vạn tỷ, mỗi năm lãi hơn nghìn tỷ.

Vốn điều lệ chưa đầy 300 tỷ nhưng Acecook mỗi năm lãi hơn nghìn tỷ.

Năm 2004, Vifon Acecook di dời nhà máy về Khu công nghiệp Tân Bình và chính thức đổi tên thành Công ty TNHH Acecook Việt Nam. Rồi đến năm 2008, tiếp tục đổi tên thành Công ty cổ phần Acecook Việt Nam như hiện nay.

Theo VietnamFinance, tính tới năm 2020, Acecook Việt Nam có vốn điều lệ 298 tỷ đồng, trong đó, cổ đông Nhật Bản là Acecook Co., LTD nắm giữ 16,9 triệu cổ phần, bằng 169 tỷ đồng, tương đương 56,64%. Cổ đông Hà Lan là Marubeni Foods Investment Asia Cooperatie F U.A (quốc tịch: Hà Lan), thành viên của Tập đoàn Marubeni (Marubeni Coporation) – đại gia trong lĩnh vực thực phẩm, giấy và công nghiệp nặng Nhật Bản - nắm giữ 18,296%. Phần cổ phần này, được Vina Acecook phát hành riêng lẻ cho Marubeni vào đầu năm 2010.

Ngoài bộ đôi cổ đông trên, đáng chú ý, cơ cấu sở hữu Vina Acecook còn có sự xuất hiện của một cổ đông Việt Nam, là ông Hoàng Cao Trí (SN: 1962) – người nắm giữ 25,064% cổ phần còn lại.

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa năm 1987, ông Trí vốn là một kỹ sư cơ điện của Vifon. Năm 1993, khi Vifon Acecook được thành lập, ông Trí được cử tham gia liên doanh và trở thành P.TGĐ, rồi gắn bó với công ty suốt từ đó đến nay, kể cả sau khi Vifon rút đi.

Theo số liệu của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về tổng sản lượng tiêu thụ mì gói trong năm 2020. Đặc biệt, lượng mì tiêu thụ thời gian qua tăng vọt do Covid-19.

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, cứ 2 ngày lại có một sản phẩm mì ăn liền ra đời tại Việt Nam. Hiện tại, có hơn 50 nhà sản xuất mì ăn liền tại Việt Nam, trong đó Acecook giữ khoảng cách khá xa đối với các doanh nghiệp còn lại với 35,4% về sản lượng và 36% về doanh thu. Điều này đồng nghĩa, Vina Acecook đều đặn kiếm cả nghìn tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm. Con số năm sau cao hơn năm trước, tăng trưởng một cách bền vững.

Giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu thuần của công ty tăng trưởng liên tục, từ : 8.413 tỷ đồng (2016) lên 8.878 tỷ đồng (2017) rồi 9.828 tỷ đồng (2018) và cán mốc 10.647 tỷ đồng (2019). Doanh thu này đều cao gấp nhiều lần các thương hiệu có danh khác như: Thực phẩm Á Châu (mì Gấu đỏ), Uniben (mì Ba miền), Colusa-Miliket (mì Miliket) hay Vifon (đối tác cũ)…

Tương ứng, mức lãi gộp các năm cũng tăng trưởng liên tục: 2.507 tỷ đồng (2016), 2.717 tỷ đồng (2017), 3.151 tỷ đồng (2018) và 3.628 tỷ đồng (2019).

Kết quả, lợi nhuận sau thuế của công ty cũng không ngừng gia tăng với tốc độ rất nhanh, từ 920 tỷ đồng (2016) lên 1.115 tỷ đồng (2017), lên tiếp 1.382 tỷ đồng (2018) rồi đạt 1.660 tỷ đồng (2019). Tính chung 4 năm, lợi nhuận sau thuế đã tăng tới 80%!

Với lợi nhuận khổng lồ đó, quy mô vốn chủ sở hữu của Acecook “nở” ra vô cùng nhanh chóng, từ 4.141 tỷ đồng (2016) lên 5.156 tỷ đồng (2017) rồi 6.032 tỷ đồng (2018) trước khi đạt tới 7.096 tỷ đồng (2019). Cần nhắc lại, vốn điều lệ của công ty tính tới năm 2020 chỉ là 298 tỷ đồng.

Với vốn chủ sở hữu lớn như vậy, không ngạc nhiên khi quy mô tài sản của Acecook được bồi đắp liên tục và phình ra theo thời gian: năm 2016, tổng tài sản mới là 5.366 tỷ đồng thì tới năm 2019 đã đạt tới 8.402 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 47%.

Dù quy mô vốn điều lệ chỉ chưa đầy 300 tỷ đồng nhưng giá vốn chủ sở hữu thực tế của Vina Acecook lại cao gấp cả chục lần. Bởi lẽ, tính đến cuối năm 2018, riêng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của ông lớn mỳ gói này đã đạt ngót 5.000 tỷ đồng.

Tham chiếu nhanh theo phương pháp P/E với một số doanh nghiệp tương đồng trên sàn chứng khoán cho thấy, mức định giá của Vina Acecook có thể đạt khoảng 1 tỷ USD. Tương ứng, giá trị lô cổ phần Vina Acecook đứng tên ông Hoàng Cao Trí có thể có giá tới cả trăm triệu USD.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Trước khi vướng "lùm xùm" sản phẩm bị thu hồi, Acecook Việt Nam kinh doanh ra sao? tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711668818 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711668818 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10