Ngày 30 Tết, tức ngày 9/2/2024, Coteccons đã công bố hoàn tất giao dịch mua lại 100% vốn góp của 2 công ty.
>>>Chủ tịch Coteccons: "Chúng tôi có một bách khoa thư về thành công và thất bại"
Cụ thể, theo công bố của CTCP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD), Công ty đã hoàn tất giao dịch mua lại 100% vốn góp của 2 công ty là: Công ty TNHH Sinh Nam Metal (Việt Nam) - Sinh Nam Metal (Viet Nam) và Công ty TNHH Cơ và Điện UG Việt Nam - UG M&E (Viet Nam). Cả hai đều là doanh nghiệp có vốn nước ngoài và từng tham gia vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng.
Trong đó, Sinh Nam Metal là doanh nghiệp chuyên cung cấp thiết kế hệ thống nhôm kính mặt tiền, chế tạo, lắp đặt và dịch vụ quản lý dự án cho các dự án trung và cao cấp. Công ty có nhà máy 10.000 m2 với năng suất 300 m2 cửa sổ và cửa đi, 100-150 m2 mặt dựng nhôm kính, 200-300 m2 panel mỗi ngày. Ngoài các dự án căn hộ chung cư và khách sạn, Sinh Nam Metal từng thi công vách kính trong nhà, cửa đi và kính hệ spider cho sân bay Nội Bài.
UG M&E Việt Nam có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực nhà thầu cơ điện như thi công lắp đặt hệ thống điều hòa không khí, hệ thống điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống cấp thoát nước... Ngoài thi công các dự án văn phòng, thương mại, bất động sản dân cư, công ty mẹ tại Singapore có tham gia vào Depot tích hợp Bờ Đông tích hợp ba tuyến tàu MRT - tuyến Downtown, tuyến East-West và tuyến Thomson-East Coast, cũng như xe buýt tại Changi.
Trước đó, trong quý IV/2023, Coteccons từng thông báo về hoạt động thâu tóm một doanh nghiệp cùng ngành và một doanh nghiệp trong ngành cơ điện. Mục đích là mở rộng hoạt động của Công ty, tăng thêm nguồn doanh thu và nâng cao thương hiệu trên thị trường.
>>>Coteccons nói gì về thông tin bị kiện, yêu cầu mở thủ tục phá sản?
Trong thông điệp gửi CBNV nhân ngày 30 Tết, Tổng giám đốc Coteccons - ông Võ Hoàng Lâm cũng nhắc đến 2 thương vụ này: "Trong năm nay, UG M&E Việt Nam và Sinh Nam Metal đã gia nhập cùng chúng ta, hai công ty được biết đến với bề dày lịch sử, thương hiệu mạnh, nhân sự kinh nghiệm và tài năng trong lĩnh vực cơ điện và nhôm kính. Tôi tin rằng điều này sẽ góp phần rất lớn để củng cố năng lực và tăng cường nguồn nhân tài cho Coteccons, Unicons. Tôi vô cùng hào hứng trước sự cộng hưởng này, bởi lẽ, những người chung ước mơ, đồng chí hướng sẽ có cơ hội đặc biệt để cùng nhau tham gia vào quá trình xây dựng Thương hiệu Việt Nam độc đáo và nổi bật, không chỉ được công nhận tại Việt Nam mà ước mơ trên toàn cầu".
Tổng giám đốc Võ Hoàng Lâm cũng nhắc đến thực trạng của xây dựng bằng từ FRAGILE SUPERPOWER (siêu sức mạnh mỏng manh) và thực trạng, thách thức của ngành xây dựng. Ông nhắn nhủ CBNV: "Danh tiếng Coteccons cũng đã từng và có thể sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nếu tình trạng "bán tín bán nghi" và "thừa nước đục thả câu" các các đối thủ mới nổi trong lĩnh vực xây dựng, và tôi nghĩ rằng ai cũng đang cố gắng "đứng trên vai" tai tiếng trước đây của Coteccons để vươn lên theo cách của họ. Điều này sẽ là điểm "mong manh" của chúng ta, khi chúng ta chọn Chính Trực là giá trị của mình để không đáp trả theo cách của họ". Và ông bày tỏ niềm tin: "Một năm 2024 sẽ mở ra những con đường và nhiều sự lựa chọn, chúng ta chọn không ngừng "vươn lên rực rỡ" với các công nhận và sự chia sẻ từ cộng đồng khi làm nhiều điều đúng đắn".
Coteccons hiện chưa công bố giá trị của các thương vụ. Giới quan sát tin rằng đây là 2 thương vụ sẽ góp phần giúp Coteccons thêm sức mạnh để dấn bước trên hành trình tìm lại vị thế "anh cả" đầu ngành xây dựng, vốn gặp nhiều sóng gió kể từ giai đoạn "thay máu" cổ đông lớn, đồng thời thay HĐQT, Ban điều hành cho đến hiện nay.
Năm 2023, Coteccons đã tuột khỏi tay thương vụ đấu thầu gói thầu 35.000 tỷ đồng nhà ga sân bay Long Thành, song Công ty này vẫn đặt tham vọng sẽ tiếp tục tham gia lĩnh vực xây dựng hạ tầng gồm sân bay, đường cao tốc, các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt đô thị và nhiều dự án công cộng khác, với trọng tâm là các dự án quy mô lớn. Đây cũng được xem là chiến lược đúng đắn trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang có nhu cầu và cần phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các dự án lớn vẫn đang tiếp tục rộng mở cùng chính sách thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ.
Về kết quả kinh doanh năm 2023, trong quý 2 NĐTC 2023-2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần 5.660 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ việc các chi phí đều giảm, doanh nghiệp này báo lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ hơn 69 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế 6 tháng đầu niên độ, Coteccons ghi nhận 9.784 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 5% và lãi ròng 136 tỷ đồng, gấp gần 8,9 lần cùng kỳ niên độ trước.
Coteccons đặt kế hoạch niên độ 2023 - 2024 (từ 1/7/2023 đến 30/6/2024) với 17.793 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 274 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng, doanh nghiệp đã thực hiện được 82% chỉ tiêu doanh thu và 50% mục tiêu lợi nhuận niên độ.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, trước những điều kiện đầy thách thức, tăng trưởng backlog cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ của CTD cho cả năm 2024. Trong đó, bên cạnh mảng xây dựng dân dụng vẫn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu doanh thu khi chiếm khoảng 40% tổng doanh thu, mảng xây dựng công nghiệp vẫn tập trung cho dự án LEGO. Đáng chú ý, SSI nhắc đến việc CTD đã công bố kế hoạch mua lại một công ty máy móc và thiết bị. Nhóm phân tích do đó cho rằng công ty sẽ theo đuổi các thương vụ thu mua khác trong tương lai, phù hợp với trọng tâm chiến lược của họ là xây dựng công nghiệp.
Có thể bạn quan tâm