Đối với chúng tôi, hành trình về Trường Sa có lẽ chỉ có một lần trong đời nhưng hành trình của cảm xúc cứ lưu giữ trong tim như ngọn lửa âm ỉ cháy suốt cuộc đời.
Đúng 17h00 ngày 27/4/2018, hơn 200 gương mặt đại diện cho các đoàn: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Nhà xuất bản chính trị quốc gia Sự Thật, tỉnh Sơn La, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hoà Bình... hội tụ về điểm xuất phát - cảng Cam Ranh trong tâm trạng náo nức, vinh dự và tự hào “nối vòng tay lớn” cho một chuyến đi lịch sử của đời người: Hành trình đến thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1!
Mang theo hành trang là những món quà được chuẩn bị kỹ lưỡng, đong đầy tình cảm của đất liền gửi gắm đến những chiến sĩ hải quân can trường ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là con tàu 571 - Đây là loại tàu chở khách hiện đại và lớn nhất hiện nay của Quân chủng Hải quân do Viện Khoa học và công nghệ tàu thủy Việt Nam thiết kế và thi công. Con tàu giữ trọng trách làm “nhịp cầu” nối đất liền với đảo xa, đưa những người từ khắp mọi miền của Tổ quốc và kiều bào ở nước ngoài ra thăm Trường Sa và nhà giàn DK1.
Đời sống dần cải thiện
Sau hai đêm vượt qua hơn 300 hải lý, tàu Trường Sa 571 đã đưa chúng tôi đến với đảo Cô Lin và Sinh Tồn. Đặt chân lên đảo, hình ảnh đầu tiên mà bất kỳ ai cũng nhìn thấy, đó là cột mốc chủ quyền và người lính tiêu binh bồng súng đứng gác với khuôn mặt bừng lên trong nắng biển.
Nếu Cô Lin là một đảo với rạn san hô chìm thì Sinh Tồn là cả một hòn đảo rộng lớn. Thổ nhưỡng trên đảo chủ yếu là cát, san hô đã được ngọt hóa theo thời gian. Trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt như vậy, nhưng đảo Sinh Tồn vẫn duy trì một thảm thực vật đặc thù và hết sức phong phú như phi lao, bàng thường, bàng vuông, nhàu, phong ba, muống biển và rau xanh.
Ông Đỗ Đức Huy – Chủ tịch UBMT TQ xã Sinh Tồn cho biết, Sinh Tồn là một trong những đảo không có nước ngọt, sinh hoạt của quân và dân trên đảo chủ yếu dùng nước ngọt từ các bể chứa.
Ông Huy cho biết thêm, thời gian gần đây cuộc sống vật chất, tinh thần của quân và dân trên đảo ngày một được chăm lo với 100% hộ dân và các đầu mối đơn vị bộ đội được trang bị ti vi.
Ngoài ra đảo còn có Trạm thu phát tín hiệu vệ tinh của đài truyền hình Việt Nam đã giúp cho quân và dân trên đảo cập nhật kịp thời những thông tin trong nước và thế giới, qua đó nâng cao nhận thức, niềm tin, trách nhiệm đồng thời cổ vũ tinh thần cho những người giữ đảo yên tâm với nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo trong mọi tình huống.
Tự hào được phục vụ tổ quốc
Rời Sinh Tồn, đoàn công tác chúng tôi tiếp tục đến với các điểm đảo Tiên Nữ, Tốc Tan C, Thuyền Chài C, An Bang… Đôi lúc phải nén lau đi những giọt nước mắt bởi trước mắt chúng tôi, giữa biển trời bao la là hình ảnh của những chàng trai 18, 20 chắc tay súng nơi đầu sóng, ngọn gió, giữ bình yên cho biển đảo quê hương.
Cán bộ chiến sỹ ở nơi đây phải đối mặt với bao khó khăn từ thiên nhiên khắc nghiệt đến điều kiện sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn. Ngay như câu chuyện tăng gia trồng rau xanh và chăn nuôi cũng là cả một câu chuyện dài với vô vàn những khó khăn để có được những “vườn treo babilon” non tươi trên bờ sóng.
Đồng chí Phạm Hữu Trung (sinh năm 1998, quê Khánh Hoà) cho biết, thời điểm này thời tiết đang đẹp nhất trong năm chứ vào đợt mưa bão cây trồng, vật nuôi, rau cỏ đều bị cuốn trôi hết. Những lúc như vậy, cán bộ chiến sỹ lại phải chờ trong đất liền tiếp tế giống cây trồng để anh em canh tác lại từ đầu.
Khó khăn là thế nhưng không làm các em nản chí. Nói như đồng chí Vũ Văn Tiền – cán bộ đảo Tiên Nữ thì được phục vụ tổ quốc là một vinh dự. "Lúc mới ra đảo còn nhiều bỡ ngỡ nhưng được các chiến sỹ động viên giờ em đã quen với công việc và cảm thấy quyết tâm gắn bó với nơi này” - Tiền chia sẻ.
Điểm dừng chân tiếp theo là Trường Sa. Đón chúng tôi bằng cơn mưa nặng hạt kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ nhưng không thể ngăn cản bước chân của hơn 200 thành viên đến với đảo.
Là “Thủ đô” của huyện đảo Trường Sa, một thị trấn, xanh tươi, trù phú, có quảng trường, chùa, Nhà tưởng niệm, Hội trường, các hộ gia đình và trẻ em.
Đặc biệt xúc động là nghi lễ chào cờ và tiếng hát quốc ca hào hùng cất vang xua tan cái nóng bức trên đảo; những nén nhang và những giọt nước mắt xúc động tại Đài liệt sĩ, Nhà tưởng niệm Bác Hồ; viên gạch tại Chùa Trường Sa mòn nhẵn không phải chỉ vì thời gian mà còn vì những cái cúi đầu thành kính, thấm đẫm tâm nguyện cho chủ quyền biển đảo và bình yên của Tổ quốc.
Trường Sa lớn là điểm dừng chân lâu nhất của đoàn công tác, từ 1h30 chiều đến 9h tối do đó cả đoàn được hòa mình trong buổi giao lưu văn nghệ thắm tình quân dân, đất liền và biển đảo. Xen vào lẫn những lời ca tiếng hát là món quà đặc biệt từ những người lính đảo, đó là những bông hoa hồng làm bằng ốc rất đẹp.
Anh lính trẻ tên Phát sinh năm 1991 tâm sự với chúng tôi rằng, ngoài giờ trực ban và công việc, anh đều ngồi làm hoa bằng vỏ ốc để nếu có dịp, được tận tay tặng hoa gửi hoa về cho gia đình và bạn bè trong đất liền.
Kết thúc chương trình văn nghệ, chúng tôi chia tay các anh trong tiếng nghẹn ngào của nước mắt. Con tàu 571 không biết bao lần gióng lên tiếng còi xuất phát nhưng đành phải nén lại.
Kiên định, sắt đá trước mọi gian khổ, hiểm nguy
Sáng hôm sau, Lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh tại thềm lục địa phía Nam và nhà giàn DK1 diễn ra hết sức xúc động, rồi con tàu 571 tiếp tục đưa chúng tôi đến với điểm cuối cuộc hành trình – nhà giàn DK1.
Khác với đảo, nhà giàn là công trình kỹ thuật trên biển, các anh lính đảo thường trẻ măng, còn các anh ở nhà giàn đều ở độ tuổi 30-40, hầu hết là sỹ quan dày dạn kinh nghiệm và gắn bó cả đời trên biển.
Lại càng xúc động hơn khi nghe những câu chuyện về hành động cao đẹp của Thượng uý Nguyễn Hữu Quảng cùng các cán bộ chiến sỹ Nhà giàn kiên cường chống chọi với bão tố. Trong lúc cận kề giữa sự sống và cái chết đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sỹ yếu nhất để rồi thanh thản đi vào lòng biển sâu.
Mỗi một điểm đảo, mỗi một hành trình là những cung bậc cảm xúc khác nhau. Chúng tôi không thể nào quên những gương mặt chưa bao giờ biết mệt mỏi, những làn da sạm đen màu nắng, những mái tóc nhuộm màu sóng biển, những vóc dáng rắn rỏi bồng súng canh giữ biển trời, những tinh thần kiên định, sắt đá trước mọi gian khổ, hiểm nguy.
Nói đến đây tôi lại nhớ đến câu thơ:
“Có lẽ một đời chỉ được một lần thôi
Ngắm Tổ quốc thật rạng ngời từ biển
Những ký ức Trường Sa - ngày em đến
Bình dị thôi mà rất đỗi linh thiêng
Trong mỗi người neo giữ những niềm riêng
Duy nhất tình yêu chung khắc tên Tổ quốc
Hành trình về Trường Sa giữa hồn sóng nước
Nghe tiếng non sông vọng suốt một đời mình…"
Hay nói như chị Nguyễn Ánh Tuyết – Phó ban chăm sóc sức khoẻ cán bộ tỉnh uỷ Bắc Kạn, giá như được trẻ lại thời con gái chị sẽ lựa chọn 1 người lính hải quân. Bởi theo chị mỗi người sinh ra đều là một phần của lịch sử và chị tin rằng các anh luôn là những người hoàn thành sứ mệnh mà nhân dân và đất nước giao phó.