Theo TS. Cấn Văn Lực, chỉ trong 1 tháng, NHNN và Chính phủ đã đưa ra những quyết sách kịp thời trong thời gian chỉ 1 tháng, điều chưa từng có tiền lệ, giúp lấy lại niềm tin trên thị trường.
>>Dư địa hạ lãi suất không còn nhiều
Tại diễn đàn chuyên sâu DINSIGHT tháng 5 – “Triển vọng ngành ngân hàng” được VNDIRECT tổ chức, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - đã có những chia sẻ về thực trạng nền kinh tế nói chung và triển vọng ngành ngân hàng trong giai đoạn tới.
Nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam trong quý 1/2023, TS. Cấn Văn Lực cho biết, trong 4 tháng đầu năm, nền kinh tế Việt Nam tương đối xấu, nguyên nhân chính đến từ lĩnh vực sản xuất công nghiệp bị âm, còn lại nông nghiệp, dịch vụ tăng trưởng tương đương với trước dịch. Nguyên nhân ngành công nghiệp suy giảm là do thiếu đơn hàng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp cho nên đa số các doanh nghiệp, nhất là khối FDI đã cắt giảm sản lượng.
TS. Cấn Văn Lực nhận định, việc đơn hàng sụt giảm do doanh nghiệp phụ thuộc chính vào sức cầu bên ngoài, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là điện thoại thông minh, điện máy, điện lạnh, dệt may, da giày, gỗ đều bị suy giảm. Đây là những ngành nghề tương đối khó khăn, có doanh nghiệp dệt may cho biết phải đến quý 3 mới có đơn hàng mới, quý 2 hiện nay vẫn đang trong giai đoạn cóp nhặt. Như vậy, sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam có lẽ sẽ mạnh mẽ hơn, thuận lợi có thể từ quý 3 trở đi.
Đáng chú ý, TS. Cấn Văn Lực nhận định: “Mặc dù vậy, số liệu của tháng 4 vừa qua, chúng tôi thấy rằng có một chút tia sáng so với quý 1, có sự phục hồi nhẹ. Tháng 4 vừa qua, chứng khoán và bất động sản cũng dần phục hồi, đặc biệt là bất động sản. Đây là dấu hiệu tích cực hơn một chút so với thời gian trước”.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có những động thái chính sách tháo gỡ cho 3 câu chuyện lớn: Thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp), bất động sản và đầu tư công. TS. Cấn Văn Lực đã chỉ ra 5 quyết sách rất quan trọng:
Thứ nhất, ngày 5/3, CHính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, cho phép giãn hoãn nợ trái phiếu đáo hạn, đây là giải pháp tình thế và cấp bách.
Thứ hai, đến ngày 11/3, Chính phủ ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ: Về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Nghị quyết đã tháo gỡ pháp lý cho ngành bất động sản, tháo gỡ tắc vốn bao gồm vốn tín dụng, vốn trái phiếu; tháo gỡ cho phân khúc nhà ở xã hội với gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng nhằm thực hiện mục tiêu theo đề án phát triển nhà ở xã hội.
Thứ ba, ngày 3/4, Thủ tướng chính phủ phê duyệt Quyết định số 338/QĐ-TTg: Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Đây là đề án quan trọng để các địa phương có cơ sở xây dựng nhà ở xã hội một cách rõ ràng hơn.
Thứ tư, cũng trong ngày 3/4, Nghị định số 10 năm 2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai vừa được ban hành. Nghị định này tháo gỡ tốt cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được cấp phép sổ hồng.
Thứ năm, NHNN đã có 2 lần cắt giảm lãi suất, đây là bước đi trước của Việt Nam so với các nước trên thế giới trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức khoảng 5% so với cùng kỳ. Quyết định giảm lãi suất 2 lần do các tín hiệu cho phép, thị trường xấu thúc giục NHNN phải hạ lãi suất, bên cạnh đó chúng ta có dư địa để giảm lãi suất.
“Những quyết sách chưa từng có trong 1 tháng đó đã phần nào lấy lại niềm tin cho thị trường, đặc biệt là ngành bất động sản”, TS.Cấn Văn Lực nhận định.
Liên quan đến ngành ngân hàng, TS. Lực chỉ ra về cấu trúc lợi nhuận ngành ngân hàng bên cạnh tín dụng và chất lượng tài sản còn 20-22% là những thứ khác ví dụ: phí dịch vụ, tiết giảm chi phí…. Về cơ bản các chi phí này đều diễn biến tích cực trong khoảng 3 năm vừa qua, đặc biệt, hệ thống ngân hàng có nguồn lực tài chính do trích lập quỹ dự phòng rủi ro trong những năm trước do đó, hệ số bao nợ xấu hiện nay bình quân khoảng 125%. Một điều nữa rất quan trọng đó là không phải trích lập dự phòng quá nhiều, tạo cú đệm lợi nhuận tích cực.
Bên cạnh đó, theo TS. Lực, cần chú ý đến 2 thông tư: Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về cơ cấu thời hạn trả nợ (thông tư 02) và Thông tư 03/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (Thông tư 03). “Chúng ta cần kỳ vọng nhiều hơn vào Thông tư 03, bởi Thông tư 03 về cơ bản cho phép mua lại trái phiếu với một số điều kiện như trái phiếu phải chất lượng”, TS. Lực cho biết.
Về Thông tư 02, rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư băn khoăn về việc tính khả thi. “Theo quan điểm của tôi thì nó tương đối khả thi, Thông tư 02 là cái chúng ta phải có lúc này. Vì rõ ràng chúng ta không cho phép cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ và không chuyển nhóm nợ thì nó khó khăn cho cả ngân hàng, doanh nghiệp và người dân”, TS Lực cho hay.
Không chỉ ngân hàng, bất động sản hưởng lợi
Nhìn qua, dễ lầm tưởng rằng, những quyết sách quan trọng trên của Chính phủ và NHNN chỉ tác động lên ngành tài chính ngân hàng và bất động sản, Tuy nhiên, những quyết sách trên còn phần nào đấy hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt về lãi suất.
Theo TS. Cấn Văn Lực, có 3 yếu tố mà các doanh nghiệp khác đang hưởng lợi và nên ghi nhận:
Thứ nhất, việc hạ lãi suất, cả thị trường đã và đang giảm cả đầu vào và ra, thậm chí nhiều lĩnh vực hưởng lợi hơn ngành bất động sản. Đối với các ngành nông nghiệp, thủy hải sản, các ngân hàng đang tìm kiếm khách hàng để cho vay. Vì doanh nghiệp thuộc ngành này ít rủi ro hơn, do đó doanh nghiệp khác đang được hưởng lợi.
Thứ hai, chính sách giãn hoãn nợ là dành cho toàn thị trường, chứ không phải chỉ cho doanh nghiệp bất động sản. Trong chính sách giãn hoãn nợ cần lưu ý đến điều kiện đánh giá khả năng phục hồi, khả năng trả nợ của doanh nghiệp, có khi khả năng trả nợ của của các doanh nghiệp khác lại sáng sủa hơn chăng?
Thứ ba, chính phủ đã quyết định sử dụng chính sách tài khóa nhiều hơn, tiếp tục giãn hoãn thuế, giảm thuế, tổng mức ngân sách giảm khoảng 185.000 tỷ đồng, đây là giá trị danh nghĩa, còn giá trị thật mà ngân sách phải hi sinh bao gồm cả giảm thuế VAT 2% là khoảng 61.000 tỷ đồng.
Những điều này cho thấy toàn bộ ngành kinh tế được hưởng chứ không chỉ riêng ngành tài chính ngân hàng, hay bất động sản.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chính phủ và NHNN cũng đã chỉ đạo rất rõ cần phải tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân, trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, sức cầu tín dụng yếu (mức tăng trưởng tín dụng đạt 3,05%, so với mức tăng trưởng 4 tháng của năm ngoái khoảng 7,5% cho thấy mức tăng của năm nay rất thấp).
Về đầu tư công, điều này sẽ lan tỏa đến rất nhiều ngành khác không riêng gì mỗi bất động sản.
Có thể thấy, việc tháo gỡ chính sách về ngắn hạn trong thời gian qua thứ nhất đã giúp cho các ngân hàng duy trì được sức khỏe, giảm lãi suất, gián tiếp tạo ra ảnh hưởng tới chi phí huy động vốn của các doanh nghiệp khác. Thứ hai, bất động sản đâu đó có sự gắn kết lớn tới nền kinh tế, khi chúng ta hỗ trợ doanh nghiệp ngành bất động sản cũng là hỗ trợ cho các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế.
Cuối cùng, bên cạnh các chính sách tài chính, chúng ta cũng đang dùng các chính sách tài khóa rất quyết liệt, năm nay kì vọng giải ngân đầu tư công và chính sách miễn thuế sẽ giúp các doanh nghiệp duy trì hoặc nhận thêm một lượng tiền để qua đó tiếp tục duy trì thanh khoản và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm
15:03, 11/05/2023
04:40, 30/04/2023
10:59, 28/04/2023